Với tốc độ tăng trung bình 3%/năm thì đến năm 2020 dân số Hà Nội ước tính sẽ là: 10.489.772 người (gần bằng dân số dự báo đến năm 2050), vượt quá xa so với dự kiến.
Đó là nhận định của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội tại báo cáo kết quả giám sát thực hiện một số quy định của Luật Thủ đô.
Báo cáo chỉ ra không ít hạn chế trong việc thực hiện quy định về quản lý dân cư tại điều 19 của luật này.
Theo quy định tại Điều 19 của Luật Thủ đô thì dân cư trên địa bàn Thủ đô được quản lý với quy mô, mật độ, cơ cấu theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành chính sách ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các khu đô thị, nhà ở, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, thuận tiện ở ngoại thành; phối hợp với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong Vùng Thủ đô phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm nhằm hạn chế tình trạng di dân tự phát vào nội thành.
Luật Thủ đô còn quy định cụ thể việc đăng ký thường trú ở ngoại thành và nội thành. Mục đích của Điều 19 là nhằm tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý dân cư tại Thủ đô phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, thu hút, khuyến khích người dân sống ở ngoại thành và kiểm soát chặt chẽ việc nhập cư tự phát vào nội thành.
Kết quả giám sát cho thấy quy mô dân số tăng quá nhanh, vượt xa dự kiến trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
Báo cáo nêu rõ, mặc dù Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đặt mục tiêu đến năm 2020 dân số tăng khoảng từ 7,3 - 7,9 triệu người nhưng đến năm 2017, theo báo cáo của Chính phủ, dân số Hà Nội đã trên 9,6 triệu người (lớn hơn dân số dự báo đến năm 2030). Với tốc độ tăng trung bình 3%/năm thì đến năm 2020 dân số ước tính sẽ là: 10.489.772 người (gần bằng dân số dự báo đến năm 2050), vượt quá xa so với dự kiến. Điều này cho thấy việc quản lý dân cư với quy mô dân số theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô chưa bám sát được mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Cơ quan giám sát cũng nhận xét, dân số cơ học tăng nhanh ở cả nội thành và ngoại thành. Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đề ra nhiệm vụ hạn chế sự gia tăng dân số cơ học trong khu vực nội đô lịch sử nhưng qua giám sát, tổng dân số trung bình của 4 quận này vẫn tăng đều qua các năm (từ năm 2013 đến năm 2017). Việc kiểm soát sự gia tăng dân số cơ học tại khu vực nội đô lịch sử chưa đạt được các yêu cầu đã đặt ra theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
Cụ thể, theo báo cáo của Chính phủ, năm 2013, tổng số dân số của 4 quận nội đô lịch sử (bao gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) là 966.806 người; năm 2014, dân số là 1,09 triệu người (tỷ lệ tăng dân số đạt 113,21%) và đến năm 2017, con số này lên tới 1,13 triệu người (tỷ lệ tăng dân số đạt 117,33%). Dân số ở các huyện ngoại thành như Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh tăng đều hàng năm và vượt quy hoạch.
Đến năm 2017, tổng số dân số trung bình của các quận, huyện Long Biên, Gia Lâm, Mê Linh, Đông Anh là khoảng 3,58 triệu người, vượt quá Quy hoạch cho phép khoảng 1,88 triệu người.
Dân số Hà Nội tăng nhanh ở cả nội thành và ngoại thành, nhưng tăng mạnh nhất là ở những quận có các khu đô thị mới. Thống kê cho thấy, số lượng người nhập cư vào các quận Hoàng Mai, Long Biên, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân là khá cao, năm 2013 là 33.869 người, đến năm 2017 là 78.097 người, theo kết qủa giám sát.
Đáng chú ý, mật độ dân cư phân bố không đều, có sự chênh lệch lớn giữa các huyện ngoại thành và các quận nội thành, dân số chủ yếu tập trung ở các quận nội thành
Báo cáo của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cho thấy mật độ dân số trung bình là 2.279 người/km2, so với Tp.HCM thì mật độ có thấp hơn nhưng phân bố dân số ở Hà Nội không đều và có sự khác biệt lớn giữa các quận nội thành và các huyện ngoại thành.
6 quận nội thành có tốc độ đô thị hóa cao gồm Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân và Cầu Giấy có mật độ dân số cao nhất, trung bình đều trên 30.500 người/km2, vượt xa so với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô (đến năm 2030). Mật độ dân cư đông, quá tải đã tác động mạnh đến công tác quản lý dân cư, bảo đảm an ninh trật tự, giao thông đô thị và bảo vệ môi trường trên địa bàn Thủ đô, cơ quan giám sát nhấn mạnh.
Qua giám sát còn cho thấy, tại nhiều khu đô thị mới, chung cư cao tầng, do được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết theo hướng tăng mật độ xây dựng, tăng chiều cao các tòa nhà và giảm phần diện tích công cộng. Chính vì vậy, mật độ dân số tại các khu vực này dù vừa mới xây dựng xong đã trở nên quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Ở các quận nội đô lịch sử, nhiều dự án chung cư cao tầng vẫn tiếp tục được xây dựng khiến dân số ở nội đô không những không giảm mà tiếp tục tăng, cơ quan giám sát nhấn mạnh.
Qua thống kê sơ bộ trong năm 2017 cho thấy, quận Ba Đình có 7 dự án chung cư cao tầng, quận Đống Đa có 7 dự án, quận Hai Bà Trưng có 6 dự án, báo cáo giám sát nêu con số.
Trong sự chật chội trên, thì giải pháp quản lý dân cư bằng biện pháp hành chính quy định trong Luật Thủ đô không đạt hiệu quả như kỳ vọng, chưa phải là giải pháp cơ bản, tối ưu để quản lý dân cư, cơ quan giám sát nhấn mạnh.
Tính đến cuối năm 2017, Hà Nội có khoảng 9.623.644 người, trong đó có gần 1,8 triệu người tạm trú. Từ ngày 1/7/2013 đến hết ngày 31/7/2017, toàn thành phố đã giải quyết tổng số 3.978 trường hợp hồ sơ đăng ký thường trú vào nhà ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục trên địa bàn thành phố đủ 3 năm theo quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật Thủ đô. Trong gần 5 năm thực hiện (2013-2017), thành phố đã làm thủ tục đăng ký tạm trú cho 182.027 nhân khẩu
Theo cơ quan giám sát thì việc hạn chế tăng dân số ở nội thành bằng biện pháp thắt chặt đăng ký thường trú chỉ đối với những người đang tạm trú ở nội thành là chưa hiệu quả.
Chỉ rõ trách nhiệm, Uỷ ban Pháp luật cho rằng, chính quyền Hà Nội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chưa có biện pháp hữu hiệu để quản lý chặt chẽ trong công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch xây dựng và thẩm định các khu chung cư cao tầng tại các quận nội thành Hà Nội, nhất là ở các quận nội đô lịch sử, tình trạng điều chỉnh quy hoạch chi tiết diễn ra khá phổ biến.
Cơ quan giám sát đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc soạn thảo, tiếp thu, chỉnh lý và trình cấp có thẩm quyền để xảy ra tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết Luật Thủ đô; trách nhiệm trong việc chậm thực hiện các quy định về di dời các cơ quan, đơn vị, bệnh viện, cơ sở giáo dục trong khu vực nội thành Hà Nội ra ngoại thành; trách nhiệm trong công tác lập, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch chi tiết với thời hạn hoàn thành chậm nhất là tháng 3/2019.
Post a Comment