Chỉ với 1,5 tiếng chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp sáng 30/10 trước Quốc hội, nhưng nhiều thành viên Chính phủ đã đăng đàn.

Một trong số đó là Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, khi nhận được chất vấn về thuế của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

Điều chỉnh là hợp lý

Đại biểu Mai đặt vấn đề: nghị quyết 25 của Quốc hội đã đề ra nhiệm vụ tiếp tục sửa đổi, bổ sung chính sách thu, nâng dần tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách nhà nước, hạn chế tối đa việc đề ra chính sách làm giảm thu ngân sách nhà nước.

Tại kỳ họp thứ 4, khi trả lời trước Quốc hội thì Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã khẳng định tính đúng đắn của nhiệm vụ trên. Tuy nhiên, kỳ họp này, tại Báo cáo 507 của Chính phủ về tái cơ cấu nền kinh tế đã đề ra nhiệm vụ sớm ban hành chính sách cắt giảm mạnh mẽ các loại thuế, phí.

Vì vậy, đại biểu Mai đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm của mình về vấn đề này, về tính nhất quán trong ban hành và thực hiện chính sách. Giải pháp nào được coi là quan trọng nhất để thực hiện một nguyên tắc cơ bản của thuế đó là bảo đảm hài hòa về lợi ích giữa người nộp thuế và nhà nước?

Trả lời, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói, trong điều kiện Việt Nam cắt giảm thuế quan do hội nhập quốc tế, giảm nguồn thu ngân sách Trung ương do giá dầu thô giảm thì việc phải điều chỉnh lại các chính sách thuế là vô cùng hợp lý.

 Nghị quyết 07 Bộ Chính trị và nghị quyết 25 Quốc hội, trong các giải pháp thực hiện có giải pháp điều chỉnh và bổ sung 8 luật thuế trong đó có thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên và nghiên cứu để trình với cấp thẩm quyền ban hành thuế tài sản, Bộ trưởng nêu chi tiết.

Việc điều chỉnh các chính sách thuế, Bộ trưởng nhấn mạnh tinh thần chung là đảm bảo tính trung lập của thuế cũng như mở rộng cơ sở thu, bám sát khuyến nghị của IMF.

Qua tổng kết đánh giá thấy rõ trong chính sách thuế của Việt Nam còn lồng ghép nhiều chính sách an sinh xã hội, kể cả chính sách ưu đãi về thuế để thu hút đầu tư, rõ ràng chúng ta đang thu hút rất dàn trải, kể cả ngành nghề, điều kiện quy mô vốn, vùng miền, công nghệ, sản phẩm đều có ưu đãi, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cho biết là sẽ tổng kết, đánh giá tình hình trên, Bộ trưởng cũng tỏ rõ quan điểm phải điều chỉnh chính sách thuế nhưng đảm bảo tỷ lệ theo huy động cho ngân sách nhà nước. Tức là đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước đồng thời tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và đảm bảo hài hòa, phù hợp thông lệ quốc tế.

Vẫn chưa rõ có "hàm" hay không 

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, đại biểu Cao Đình Thưởng muốn biết việc bổ nhiệm chức danh "hàm" ở các cơ quan trung ương mà dư luận quan tâm từ khóa trước tới nay đã giải quyết và xử lý đến đâu? Nếu việc này là đúng pháp luật và đảm bảo tính khoa học, hợp lý thì "hàm" sẽ được triển khai trong thời gian tới như thế nào? Các địa phương có được áp dụng và thực hiện không?

Hồi âm của Bộ trưởng là sau chất vấn tại Quốc hội ngày 8/10/2015 Bộ đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về vấn đề bổ nhiệm chức danh "hàm" đối với cán bộ, công chức, viên chức. Đến ngày 29/10/2015 Văn phòng Chính phủ có thông báo sự chỉ đạo của Thủ tướng, đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu hình thức ban hành văn bản về "hàm" là quyết định hay nghị định.

"Bởi vì Luật Cán bộ, công chức không có quy định về "hàm", do đó bây giờ nếu ban hành quyết định hay nghị định thì đây là nghị định không có đầu tức là luật không quy định điều này. Do đó, sau kỳ họp Quốc hội, các địa phương và bộ ngành Bộ Nội vụ thông báo không thực hiện bổ nhiệm chức trần hàm nữa", Bộ trưởng thông tin.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết Ban tổ chức Trung ương được giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng 1 đề án về tiêu chuẩn chế độ chính sách với đội ngũ chuyên gia, tiêu chuẩn chế độ trợ lý, thư ký các uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong đó có chức danh hàm. Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương để xây dựng đề án này trình Bộ Chính trị, nếu Bộ Chính trị có ý kiến kết luận thì Bộ sẽ chỉnh sửa các văn bản pháp luật kèm theo để phục vụ cho việc có hay không có hàm.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top