Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên dừng từ năm 2013 đến nay, tính đến thời điểm 31/5/2018, công ty đã phải trả gốc và lãi là 1.313 tỷ đồng. Từ đầu năm 2017 đến nay, mỗi tháng công ty phải trả cho ngân hàng khoảng 47 tỷ đồng.

Đó là những con số được Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đại biểu Hoàng Văn Hùng nêu tại phiên thảo luận ngày 27/10 của Quốc hội.

Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy Gang thép Thái Nguyên là một trong 12 đại dự án thua lỗ của ngành công thương, theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ đã nhiều lần gửi báo cáo tiến độ xử lý.

Đại biểu Hoàng Văn Hùng cho biết, trước kỳ họp đang diễn ra của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên tổ chức tiếp xúc cử tri tại Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên.

Tại buổi tiếp xúc công nhân lao động gang thép Thái Nguyên đã gửi tâm thư tới đoàn đại biểu Quốc hội Thái Nguyên, đề nghị với Chính phủ, Bộ Công Thương chỉ đạo quyết liệt, dứt điểm việc thoái vốn nhà nước theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương. 

Nhưng đến nay tiến độ triển khai còn quá chậm, không đạt hiệu quả, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh của công ty và đời sống của công nhân lao động, ông Hùng nhấn mạnh.

Những con số phải trả ngân hàng cả ngàn tỷ, đến nay trung bình mỗi ngày phải trả trên 1,5 tỷ, theo ông Hùng là số tiền rất lớn đè trên vai của công nhân lao động.

Tại buổi tiếp xúc cử tri, đại diện cho 5000 công nhân lao động Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên tha thiết đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện ngay việc thoái vốn nhà nước để công ty còn có cơ hội chủ động kêu gọi nhà đầu tư hợp tác với công ty chủ động xử lý giai đoạn 2.

Nếu tiếp tục kéo dài một thời gian nữa, có lẽ công nhân lao động Gang thép Thái Nguyên không còn cơ hội để kiến nghị, đại biểu Hùng bày tỏ.

Tuy nhiên, khi dùng quyền tranh luận, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng, việc thoái vốn của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên nằm trong lộ trình 12 dự án Chính phủ đang chỉ đạo xử lý, đang tái cơ cấu lại, nên phải hết sức thận trọng. 

Vì như một số vị đại biểu đã cảnh báo, nếu thoái vốn, cổ phần hoá không tốt sẽ thất thoát tài sản nhà nước.

Nếu thoái vốn thì cử tri cũng không thể tham gia mua cổ phần được vì không phải cổ phần ưu đãi, ông Hồng  nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội tại kỳ họp này về tiến độ xử lý 12 dự án yếu kém thì trong thời gian qua, Công ty Cổ phần Gang Thép Thái Nguyên (TISCO) đã hoàn thiện dự thảo phương án giải quyết các tồn tại vướng mắc của dự án với Tổng thầu MCC trình cấp có thẩm quyền cho ý kiến để tiếp tục đàm phán với nhà thầu.

Tổng công ty Thép Việt Nam cũng đang tiếp tục triển khai các hoạt động để thực hiện phương án thoái vốn nhà nước tại TISCO theo chỉ đạo của Chính phủ và làm việc với Vietinbank về việc giải phóng nghĩa vụ bảo lãnh của Tổng công ty đối với khoản vay của TISCO cho dự án.

Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên vẫn giữ nguyên nợ nhóm 1, trong khi nhiều dự án đã phát sinh nợ xấu, Chính phủ cho biết.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top