Khi nào Chính phủ tiến hành đánh giá việc thí điểm khai thác bauxite ở Tây Nguyên là chất vấn đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý dành cho Bộ trưởng Bộ Công Thương, song đại biểu "cũng gửi tới cho Thủ tướng câu hỏi này".
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) cũng là người cuối cùng trong 36 vị đã nêu chất vấn trong ngày 30/10, ngày đầu tiên Quốc hội tiến hành chất vấn tại kỳ họp thứ sáu này.
Ở câu hỏi thứ nhất, đại biểu Thuý muốn biết nhận định của Bộ trưởng Bộ Công Thương về hiệu quả kinh tế của các công trình khai thác bauxite của Tây Nguyên và khi nào Chính phủ tiến hành đánh giá việc thí điểm khai thác bauxite ở Tây Nguyên.
"Tôi cũng gửi tới cho Thủ tướng câu hỏi này", bà Thúy nói.
Triển khai đã nhiều năm, hai dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư từng chứa đựng nhiều băn khoăn lớn của cả đại biểu Quốc hội và cử tri về tính hiệu quả và cả rủi ro nợ nần.
Câu trả lời từ Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về các dự án này thì đại biểu Thuý sẽ có vào sáng mai, khi Quốc hội tiếp tục chất vấn. Còn hồi âm từ Thủ tướng thì chưa chắc đã có tại hội trường. Vì theo chương trình chi tiết, tại kỳ họp này Thủ tướng không trả lời chất vấn trực tiếp mà chỉ có 45 phút để phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ vào phiên cuối cùng.
Ngoài chất vấn về bauxite, đại biểu Thuý còn có một chất vấn gửi đến Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: có ý kiến của doanh nghiệp cho rằng có đến 90% dự án ODA của các cơ quan nhà nước mất trung bình 6 tháng để phê duyệt. Còn của các tổ chức ngoài Nhà nước mất trung bình là từ 12-16 tháng, nếu mỗi dự án có kinh phí trung bình là 1-2 triệu USD, chỉ với 100 dự án thì nhà nước đã mất khoảng 50-100 triệu đô la/năm vì thủ tục, Bộ trưởng bình luận như thế nào về ý kiến này.
Bên cạnh chất vấn của đại biểu Thuý, còn một số chất vấn của các vị khác cũng sẽ có câu trả lời vào sáng 31/10.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhận được câu hỏi liên quan đến vấn đề đang khiến dư luận phản ánh gay gắt về quy định sinh viên sư phạm"hoạt động mại dâm đến lần thứ 4 thì bị đuổi học".
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) đặt vấn đề: dự thảo thông tư ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên mà Bộ Giáo dục và đào tạo đang cho lấy ý kiến rộng rãi, trong đó có quy định xử lý học sinh, sinh viên bán dâm. Dù là dự thảo nhưng có nội dung gây phản cảm, thiếu cơ sở và đi ngược lại mục tiêu giáo dục, đó là truyền thụ nhân cách. Và nhiều cử tri đã bày tỏ sự lo lắng nghi ngờ về năng lực, tâm lực, uy lực của bộ máy quản lý giáo dục hiện nay.
"Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm quản lý của mình về vấn đề này, vai trò nêu gương của người đứng đầu ngành khi Bộ trưởng thường xuyên đưa ra quan điểm sửa sai, xử lý nghiêm, kiên quyết xử lý nghiêm, rút kinh nghiệm rồi lại tiếp tục sai. Giải pháp nào để giữ vững sự tôn nghiêm của quản lý giáo dục hiện nay", đại biểu Hiền chất vấn.
Chất vấn khác của đại biểu Hiền cũng dành cho Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là: Luật Trẻ em năm 2016 đã quy định cụ thể về quyền tham gia của trẻ em trong những vấn đề có liên quan đến trẻ em. Đề nghị Bộ trưởng cho biết trong quá trình soạn thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), bộ đã tổ chức lấy ý kiến trực tiếp, tham vấn ý kiến trực tiếp của trẻ em, học sinh hay chưa?
Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính: Trong các báo cáo về tài chính ngân sách gửi tới Quốc hội cho thấy Bộ trưởng đã triển khai nhiều giải pháp để thu hồi nợ đọng thuế. Tuy nhiên, nợ đọng thuế vẫn còn cao và xu hướng của năm 2018 cao hơn năm 2017.
"Trong nhiều nguyên nhân, tôi quan tâm đến nguyên nhân là các cơ quan chức năng khó kết luận hành vi đúng, sai của doanh nghiệp, của người nộp thuế và của cơ quan thuế. Xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp của mình nhằm khắc phục nguyên nhân của tồn tại nêu trên".
Ngày 31/10, Quốc hội tiếp tục bước sang ngày chất vấn thứ hai, và các câu hỏi trên sẽ có câu trả lời trong buổi sáng.
Post a Comment