Cách đây không lâu người dân Việt phải giật mình khi nhìn thấy hình ảnh tấm vé lên tàu Cát Linh – Hà Đông có in song ngữ, chữ Trung Quốc nằm trên chữ Việt, rồi quả địa cầu bán ở Ukraina xếp một số tỉnh phía Bắc của Việt Nam vào lãnh thổ Trung Quốc. Và mới đây, việc lưu hành đồng Nhân dân tệ trên lãnh thổ Việt Nam đã khiến dư luận bàng hoàng thêm một lần nữa. Phải chăng Việt Nam đang bị Hán hóa?

Miễn cưỡng nhìn theo cái lợi trước mắt, việc sử dụng đồng Nhân dân tệ (CNY) sẽ giúp hoạt động mua bán của một số thương nhân, doanh nhân và người dân của 7 tỉnh biên giới sẽ được thuận lợi hơn bởi sự linh hoạt thanh toán, tiết kiệm thời gian và hàng hóa cũng được xuất nhập khẩu dễ dàng hơn. Thế nhưng, chúng ta cần đặt câu hỏi ngược lại: Tại sao không sử dụng tiền đồng Việt Nam (VNĐ) để thanh toán? Chẳng lẽ dùng tiền VNĐ không có thuận lợi? Phải dùng tiền Trung Quốc mới được sao?

Đồng nhân dân tệ đã và đang được người Việt Nam ở các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc sử dụng từ lâu nay.

Trong hoàn cảnh mối quan hệ bang giao hai nước đang hết sức nhạy cảm, Trung Quốc luôn tỏ rõ mong muốn gây ảnh hưởng, thậm chí thôn tính các nước xung quanh thì việc lưu hành đồng CNY là một lợi thế không nhỏ cho anh bạn láng giềng này. Nếu đồng tiền này được lưu hành như thế và không có cơ chế nào để quản lý thì ai có thể đảm bảo chúng sẽ không được sử dụng ở những nơi khác ngoài 7 tỉnh đó?

Nhiều người cho rằng nếu đồng CNY được sử dụng ở Việt Nam thì đồng tiền nước ta cũng được lưu hành ở một số tỉnh biên giới của Trung Quốc như Bằng Tường, Hà Khẩu rồi Quảng Tây, Vân Nam,… Thế nhưng, nhìn vào thực tế thì tiền giả VNĐ được sử dụng trên lãnh thổ nước ta từ trước đến nay đều có xuất xứ Trung Quốc và bây giờ có thể hoành hành dễ dàng hơn rất nhiều.

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ bị đánh thuế rất cao buộc nước này phải tìm thị trường khác và đó có thể là Việt Nam. Ai đảm bảo hàng hóa Trung Quốc không tràn lan trên thị trường? Ai đủ sức ngăn chặn hàng hóa kém chất lượng được tuồn sang Việt Nam? Nếu như hàng hóa Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường Việt Nam thì các doanh nghiệp nước ta có nguy cơ đứng bên bờ vực thẳm. Hàng hóa tồn kho, giảm doanh số, ảnh hưởng đến công ăn, việc làm, tác động đến nguồn thu ngân sách của Việt Nam, đó là những hệ quả mà chúng ta có thể nhìn thấy. Lũng đoạn nền kinh tế là điều đương nhiên. Các hiệu ứng giả tạo liên quan đến giá cả của chứng khoán, hàng hóa, tiền tệ sẽ diễn ra ồ ạt, ảnh hưởng đến sự vận hành tự do và công bằng của thị trường. Về vấn đề này, Tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã thẳng thắn cảnh báo: “Nếu đồng nhân dân tệ được cho phép thanh toán ở Việt Nam đồng nghĩa với việc Trung Quốc mở rộng được phạm vi thanh toán, khi đó hàng hóa của họ sẽ tràn lan ở thị trường Việt Nam. Lúc đó, nếu không quản lý được, nền kinh tế của ta sẽ gặp rất nhiều bất lợi“.

Chấp nhận thanh toán Nhân dân tệ có nguy cơ phải nhượng bộ chủ quyền lãnh thổ.

Bất lợi hơn, việc giao dịch bằng Nhân dân tệ sẽ dẫn đến tình trạng luôn phụ thuộc vào chính sách tiền tệ của Trung Quốc, đồng nghĩa với việc Việt Nam mất chủ quyền về tiền tệ. Rồi từ đây Trung Quốc sẽ kiểm soát nền kinh tế, buộc nước ta phải nhượng bộ cả chủ quyền lãnh thổ và nhiều quyền lợi kinh tế, chính trị khác nếu như muốn “thở bình thường”. Liệu lúc đó, chúng ta có còn tiếng nói bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa? Cái giá phải trả thật đắt cho việc lưu hành tiền Trung Quốc.

Với kinh nghiệm về chính sách tiền tệ, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh chia sẻ: “Đồng tiền mạnh bao giờ cũng sẽ lấn át đồng tiền yếu. Nếu như đồng Nhân dân tệ với số lượng hàng hóa ở đằng sau và thêm việc họ phá giá đồng bạc thì giá thành của họ rẻ đi, tạo ra một ưu thế rất lớn và làm cho giá hàng hóa của Việt Nam sẽ tăng lên”. Đó chẳng phải là bước đi đầu tiên buộc Việt Nam phải lệ thuộc vào chính sách tiền tệ của Trung Quốc, xem đó là công cụ để khống chế người Việt. Chẳng những thế, ông Doanh còn cho rằng: “Chủ quyền về tài chính, chủ quyền về tiền tệ là một trong những nội dung hết sức quan trọng về chủ quyền kinh tế. Đấy là quyền kiểm soát về đồng tiền để thanh toán trong bất kỳ một nền kinh tế nào”. Còn dưới góc nhìn cá nhân của PGS.TS. Hoàng Ngọc Giao thì đó còn “là những cấu thành đặc biệt của chủ quyền chính trị, chủ quyền quốc gia. Mất chủ quyền kinh tế là mất chủ quyền quốc gia, cũng coi như là mất nước. Việc mất chủ quyền tiền tệ khó nhận ra hơn mất chủ quyền lãnh thổ bởi nó êm ngọt hơn. Nhưng như thuốc độc, uống từ từ và tích luỹ đến mức vượt một ngưỡng thì dẫn đến tử vong”.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh với những kinh nghiệm dày dặn về chính sách tiền tệ.

Nhớ lại lịch sử nước ta, sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời, tiền đồng cũng chính thức được in và lưu thông. Từ thời điểm đó, chúng ta đã thay đổi tiền cả về hình thức, chất liệu đến mệnh giá 7 lần để có được đồng tiền như hiện tại. Ai cũng hiểu ý nghĩa quan trọng của tiền tệ, nó không chỉ là phương tiện thanh toán mà còn khẳng định chủ quyền của đất nước tự do, quyền độc lập tự quyết của mỗi dân tộc. Thế nên, Hiến Pháp của nước ta chỉ cho phép trên lãnh thổ lưu hành duy nhất đồng tiền Việt Nam mà thôi. Việc một số tỉnh biên giới phía Bắc nước ta được phép lưu hành đồng nhân dân tệ (CNY) song song với đồng tiền Việt Nam (VNĐ) là hành vi vi phạm Hiến Pháp, chủ quyền về tiền tệ rõ ràng. Khó khăn lắm, đất nước mới nắm quyền tự chủ độc lập, thế nên không một người dân nào mong muốn bị Trung Quốc thôn tính cả.

Đánh giá về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan – nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định: “Chắc chắn không thể cho phép sử dụng đồng tiền của nước ngoài ở Việt Nam bởi vì mỗi quốc gia đều có chủ quyền và chỉ sử dụng đồng nội tệ ở đất nước mình. Luật pháp Việt Nam cũng chưa cho phép sử dụng đồng tiền của nước ngoài. Nếu muốn sử dụng, người ta phải đổi đồng tiền của nước ngoài sang tiền Việt Nam. Sẽ không có bất cứ ngoại lệ nào”. Bà Lan cho rằng, nếu cho thanh toán trực tiếp bằng Nhân dân tệ tại Việt Nam là xâm phạm chủ quyền của ta bởi tương tự như việc treo cờ, chỉ có thể là cờ của nước ta chứ sao có thể là cờ của nước khác được? Cùng quan điểm với bà Lan, Tiến Sỹ Cao Sỹ Kiêm cũng cho rằng: “Chúng ta cứ đảm bảo quan hệ kinh tế bằng việc thanh toán bình thường như các nước khác, phải giữ đúng nguyên tắc quản lý ngoại hối của chúng ta là ở Việt Nam chỉ tiêu tiền Việt Nam chứ không tiêu tiền nước khác“.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan và những trăn trở xung quanh việc lưu hành đồng Nhân dân tệ.

Mặc dù, ngay trong Thông tư 19 ghi rõ đối tượng, nguyên tắc tuân thủ Luật các tổ chức tín dụng, Pháp lệnh ngoại hối. Kể cả các quy định về thanh toán qua ngân hàng, giao dịch tiền mặt cho thương nhân và cư dân cả hai bên biên giới cũng được đưa ra cụ thể, chi tiết thì nhà nước cũng khó lòng giám sát, kiểm soát giao dịch thương mại, thanh toán và giao dịch tiền tệ giữa hai bên. Thực tế, chúng ta đã có quá nhiều bài học xương máu. Như tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc ngày càng nặng nề, thương mại biên giới, đặc biệt nhiều khu kinh tế – thương mại được hình thành và hoạt động với quy mô lớn, phức tạp, khó kiểm soát. Bài học Trung Quốc xây dựng nhiều nhà máy với công nghệ cũ, gây ô nhiễm môi trường Việt Nam vẫn còn đó. Rồi với tư cách là chủ thầu các công trình, khách du lịch, người Trung sang Việt Nam sinh sống, an cư, lập nghiệp, thành lập nhiều khu phố biển hiệu tiếng Trung. Thậm chí, sách vở thiếu nhi in cờ, chữ Trung, đường lưỡi bò. Đấy, những sự việc như thế đang diễn ra, đã ai kiểm soát được chưa?

Rồi gần đây dư luận đang hết sức lo lắng về dự Luật Đơn vị hành chính đặc biệt (Quốc hội đã hoãn lại để nghe thêm ý dân), tình hình Biển Đông, An ninh – quốc phòng,… Chính những điều này khiến cho không một người Việt Nam yêu nước nào không cảnh giác, lo lắng trước bất kỳ động thái mới nào trong quan hệ Việt-Trung.

Thực tế thì vấn đề sử dụng ngoại hối ở vùng biên giới đã diễn ra từ lâu, không chỉ ở biên giới Việt – Trung mà ở biên giới Việt – Campuchia cũng thấy nhan nhản. Vì thế, chúng ta phải kiên quyết ngăn chặn việc sử dụng ngoại hối ở biên giới để bảo vệ chủ quyền kinh tế và quyền lợi dân tộc. Hiện nay, có không ít cán bộ hạn chế về trình độ, năng lực quản lý, tinh thần trách nhiệm kém; Còn nhiều người dân chưa rõ những rủi ro, nguy cơ tiềm ẩn có ở khu vực biên giới cũng như thiếu sự cảnh giác nên rất dễ bị kẻ mưu đồ lợi dụng. Rõ ràng, chúng ta cần một chế tài cụ thể đối với cơ quan Nhà nước lẫn người dân để quản lý. Đồng thời tăng cường sự giám sát của xã hội và người dân ở các tỉnh biên giới cũng như các tỉnh khác để kịp thời phát hiện, phản ánh sai phạm, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.

Trung Quốc vẫn luôn ôm tham vọng biến Nhân dân tệ thành đồng tiền chính của thế giới nhằm thay thế vai trò của đồng đô-la Mỹ trong tương lai, đấy là một mục tiêu dài hạn và đất nước họ đang tìm mọi cách để đạt được. Đồng tiền Việt đi đến đâu thì biên giới của quốc gia ở đó. Chỉ cần đi sai một nước cờ thì Việt Nam sẽ chẳng còn đường lui.

Nhật Hạ

  • Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả, không phải quan điểm của BBT

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top