Bên cạnh các bộ, ngành có số giải ngân đạt trên 30% kế hoạch vốn được giao, cá biệt có 11 bộ, ngành gần như chưa giải ngân được kế hoạch vốn đã ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước.

Bộ Tài chính vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình giải ngân thanh toán vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2019.

Theo đó, ước giải ngân thanh toán vốn đầu tư công trong 4 tháng qua là 68.548,497 tỷ đồng, đạt 16,45% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 18,67% so kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong đó, vốn trong nước là 67.361,932 tỷ đồng, đạt 18,24% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 19,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Bộ Tài chính đánh giá, số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 4 tháng năm 2019 các bộ, ngành và địa phương có cao hơn so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ năm 2018 đạt 16,27% kế hoạch Quốc hội giao và 16,93% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). 

Tuy nhiên, số liệu giải ngân này vẫn chưa đáp ứng chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt giải ngân vốn ngoài nước chỉ là 1.186,565 tỷ đồng, đạt 2,5% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 4,14% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Bên cạnh các bộ, ngành có số giải ngân đạt trên 30% kế hoạch vốn được giao thì vẫn còn 33 bộ, ngành và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 10%. Trong đó có 11 bộ, ngành gần như chưa giải ngân được kế hoạch vốn đã ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước.

Theo tổng hợp của Bộ Tài chính, việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm do một số nguyên nhân. 

Cụ thể, đối với nguồn vốn trong nước, kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao trong tháng 1, theo yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phân bổ trước 30/1/2019. 

Tuy nhiên đến hết tháng 2, các bộ, ngành trung ương và địa phương mới cơ bản hoàn thành việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án, đồng thời nhập dự toán trên hệ thống Tabmis nên việc triển khai thanh toán chậm.

Bên cạnh đó, tại một số dự án khởi công mới, các chủ đầu tư mới đang đấu thầu lựa chọn nhà thầu thiết kế hoặc đang hoàn thiện các thủ tục trình phê duyệt thiết kế dự án, lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, chưa tổ chức lựa chọn nhà thầu các gói thầu xây lắp nên chưa có khối lượng để giải ngân.

Ngoài ra còn có nguyên nhân là do việc chuyển giao một số Tập đoàn, tổng công ty nhà nước từ Bộ Giao thông Vận tải về Ủy ban quản lý vốn nhà nước, vì vậy kế hoạch vốn năm 2019 Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Giao thông Vận tải đến nay chưa thể giải ngân được.

Đối với nguồn vốn nước ngoài, việc giải ngân thấp là do kế hoạch 2019 đến 31/1/2019 mới giao. Sau đó các Bộ, ngành, địa phương mới phân bổ cho từng dự án nên kế hoạch vốn 2019 chỉ thực sự được giải ngân từ tháng 3/2019. 

Đa số các dự án vẫn tiếp tục giải ngân theo kế hoạch vốn năm 2018, đang hoàn thiện hồ sơ để được kiểm soát chi, rút vốn theo Kế hoạch 2019...

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Như, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án điều chỉnh kế hoạch vốn trái phiếu chính phủ để bổ sung vốn cho các dự án ODA làm cơ sở để triển khai thực hiện.

Bộ Tài chính cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình cấp thẩm quyền giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã chuyển về Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Thu hồi về trung ương số vốn còn lại của kế hoạch năm 2019 đến 31/3/2019 chưa phân bổ cho dự án cụ thể. Đề nghị các địa phương phân bổ chưa đúng theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao (về tổng mức vốn được giao theo từng Chương trình, từng nội dung như thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước) thực hiện rà soát, điều chỉnh, đảm bảo giao kế hoạch đúng quy định…

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top