Có một điểm rất khó khăn với bốn ngân hàng thương mại nhà nước, đó là vấn đề tăng vốn, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội sáng 25/4, bà Hồng cho biết, việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng cơ bản được thực hiện đúng theo lộ trình.

Tuy nhiên có một điểm rất khó khăn đối với 4 ngân hàng thương mại nhà nước đã được phê duyệt phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2017 -2020 là vấn đề tăng vốn.

Bà Hồng nhấn mạnh rằng Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và các đoàn làm việc của các tổ chức quốc tế rất rất quan tâm đến vấn đề này. Bởi các ngân hàng này nếu không được tăng vốn thì sẽ hạn chế đến khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế.

IMF cũng khuyến nghị việc tăng vốn cho các ngân hàng này là cần làm ngay không thể trì hoãn, bà Hồng nói.

Tuy nhiên, khó khăn, theo Phó thống đốc nằm ở chỗ nghị quyết của Quốc hội quy định không sử dụng ngân sách để cấp vốn cho ngân hàng thương mại nhà nước, và nội dung bổ sung vốn cho ngân hàng thương mại nhà nước cũng không có trong danh mục đầu tư công trung hạn. Ngoài ra, tại nghị định 91 đã được sửa đổi, bổ sung bởi nghị định 32 của Chính phủ thì phạm vi bổ sung đầu tư vốn của nhà nước cũng không bao gồm đầu tư bổ sung vốn cho ngân hàng thương mại nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước đang trình Chính phủ kiến nghị nghiên cứu sửa đổi quy định để tháo gỡ khó khăn nói trên cho bốn ngân hàng thương mại nhà nước, bà Hồng cho biết.

Các ngân hàng được Phó thống đốc nhắc tới bao gồm bốn ngân hàng thương mại thuộc sở hữu Nhà nước, hoặc Nhà nước nắm tỷ lệ sở hữu chi phối (trên 50%): Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thường được gọi là "big 4" ngân hàng.

Như VnEconomy đã thông tin, tại một số hội nghị trước phiên họp này, Ngân hàng Nhà nước cũng đã từng kiến nghị bố trí ngân sách để tăng vốn cho nhóm các ngân hàng thương mại lớn nói trên.

Ngoài vấn đề tăng vốn, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng đề cập đến kết quả điều hành tỷ giá được đánh giá là khéo léo và tăng trưởng tín dụng hợp lý của 2018.

Bà Hồng so sánh trong bối cảnh nhiều nước điều chỉnh tăng lãi suất cho vay nhưng Việt Nam điều hành lãi suất cơ bản ổn định. Tăng trưởng tín dụng được điều hành theo sát phương châm mở rộng đi đôi với an toàn, hiệu quả, bà Hồng nhấn mạnh.

Phó thống đốc cũng cho biết việc cấp tín dụng với những lĩnh vực rủi ro trong đó có bất động sản đã được kiểm soát với tốc độ tăng chậm lại.

Tuy nhiên, tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương phản ánh nhiều ý kiến nói rằng tín dụng chạy vòng vo qua một số kênh trong đó có kênh tín dụng tiêu dùng rồi lại đổ vào bất động sản. Và ông Phương cho rằng cần trả lời câu hỏi vì sao bất động sản có dấu hiệu bong bóng.

Về xử lý nợ xấu, Phó thống đốc cho biết một số con số rất lạc quan. Như tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến hết cuối tháng 2/2019 là 2,09%. Tỷ lệ nợ xấu, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng đến 31/12/2018 ở mức 5,85%, giảm mạnh so với mức 10,08% cuối năm 2016 và mức 7,36% cuối năm 2017.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top