Sáng 25/4 Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội bắt đầu phiên họp toàn thể lần thứ 9 tại Nha Trang, Khánh Hoà.

Thẩm tra báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện phát triển kinh tế- xã hội 2018, tình hình những tháng đầu năm 2019 là nội dung được xem xét trong cả ngày làm việc đầu tiên.

Giờ làm việc bắt đầu từ 8h song 8h03 phút Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thông tin là vị thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư được phân công trình bày báo cáo về nội dung trên chưa có mặt. Chuyến bay vị này đi mới vừa hạ cánh và ít nhất thời gian di chuyển về địa điểm họp cũng mất chừng 30-40 phút.

Giải pháp duy nhất là tất các các vị dự họp, không chỉ có các thành viên Uỷ ban mà còn có đại diện nhiều bộ, ngành, chuyên gia,  phải chờ vị thứ trưởng có mặt.

Ông Thanh cũng nói thêm rằng, với phiên họp này của Uỷ ban Kinh tế thì Bộ trưởng phải có mặt, để thứ trưởng đến báo cáo cũng đã là "châm chước".

Hơn nữa, báo cáo để uỷ ban thẩm tra lại không phải là báo cáo của Chính phủ mà là báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong khi Uỷ ban Kinh tế được giao chủ trì thẩm tra báo cáo của Chính phủ. Điều này sẽ gây khó khăn cho Uỷ ban, nếu sau phiên họp này, báo cáo của  Chính phủ trình Quốc hội có thông tin khác.

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên nói đây là sự việc hy hữu, lần đầu tiên xảy ra trong suốt 3 nhiệm kỳ ông là thành viên của Uỷ ban Kinh tế.

Ông Kiên cũng giải thích, khi Uỷ ban Kinh tế thẩm tra báo cáo của Chính phủ thì người trình bày là thành viên Chính phủ. Nhưng vì cuộc họp này không tổ chức ở Hà Nội nên "châm chước" để một vị thứ trưởng báo cáo.

8h30 cuộc họp được khởi động trở lại.

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh xin lỗi các vị đại biểu dự họp, gồm cả đại diện nhiều bộ ngành và chuyên gia kinh tế. Ông Thanh cho biết sẽ báo cáo việc này với Ban cán sự Đảng Chính phủ để rút kinh nghiệm.

 Trước khi trình bày báo cáo, thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh cáo lỗi vì máy bay đến trễ.

Giáo dục Việt Nam hàng đầu thế giới

Báo cáo kết quả 2018, thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Lê Quang Mạnh cho biết, đến nay, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2018 được đánh giá bổ sung là đạt kết quả toàn diện, hoàn thành toàn bộ 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao.

Trong phần kết quả các lĩnh vực cụ thể, ông Mạnh nêu: "năm 2018 Việt Nam được đánh giá là một trong 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở  khu vực Đông Á - Thái Bình Dương".

Bên cạnh kết quả, tình hình 2018, theo báo cáo vẫn còn một số nhóm tồn tại, hạn chế. Như, công tác điều hành và thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của chính sách tiền tệ, trong đó có tỷ giá và lãi suất còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức do độ mở của nền kinh tế lớn, khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa thực sự vững chắc.

Hạn chế tiếp theo là thực hiện ba đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 - 2020 nhìn chung còn chậm, tồn tại hạn chế chưa được xử lý triệt để. Mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố đầu vào thay vì đổi mới công nghệ, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực còn tiềm ẩn yếu tố thiếu bền vững. Cải thiện môi trường kinh doanh còn nhiều khó khăn, thách thức.

Văn hoá, xã hội, theo báo cáo cũng còn nhiều hạn chế. Xảy ra sai phạm trong tổ chức thi phổ thông ở một số địa phương, vấn đề sách giáo khoa phổ thông gây bức xúc dư luận. Tình hình bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa bàn khác nhau.

Thách thức không nhỏ từ nội tại

Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội quý 1/2019 vẫn giữ được xu thế tích cực từ cuối năm 2018. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát thấp nhất trong ba năm gần đây.

Tuy nhiên, theo báo cáo, nền kinh tế vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế cũng như tiếp tục đối mặt với những thách thức mới. Nhất là thiên tai, dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh những tháng tiếp theo và khả năng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2019.

Dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là trong những tháng còn lại, nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với khó khăn, thách thức không nhỏ từ nội tại của nền kinh tế. Đặc biêt là các động lực chính cho tăng trưởng vẫn chưa thực sự mạnh mẽ, trong khi dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khoá để thúc đẩy tăng trưởng còn rất hạn chế. Công nghiệp chế biến, chế tạo được coi là nòng cốt tăng trưởng của nền kinh tế nhưng đang có dấu hiệu tăng chậm lại. Ngành khai khoáng tiếp tục gặp khó khăn với mức tăng trưởng âm, tạo ra gánh nặng cho nền kinh tế...

Dù nhiều thách thức, song báo cáo cho biết Chính phủ vẫn kiên định mục tiêu đề ra đầu năm, tuyệt đối không chủ quan, chủ động và sẵn sàng các phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả với những biến động mới phát sinh và các sự cố có thể xảy ra.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top