Formosa, Lọc hoá dầu Nghi Sơn, Thép Hoà phát tại Dung Quất....được Bộ Công Thương đặt mục tiêu sớm đi vào vận hành, hoạt động đủ công suất, đóng vai trò động lực cho tăng trưởng.

Tín hiệu tốt từ khu vực tư nhân

Trong một báo cáo mới phát hành gần đây , nhìn lại kết quả 2018, Bộ Công Thương đánh giá, nhiều dự án lớn của ngành và đi vào hoạt động và cho ra đời sản phẩm đã có những đóng góp tích cực cho tăng trưởng của toàn ngành.

Như, Formosa Hà Tĩnh tăng công suất sản xuất với việc đưa lò cao số 2 (công suất 4 triệu tấn/năm) đi vào sản xuất trong 6 tháng cuối năm 2018, giúp nâng tổng công suất của nhà máy này lên 7-8 triệu tấn/năm. Tập đoàn Hoà Phát đưa vào hoạt động dự án thép cán 600 nghìn tấn trong tháng 8/2018. Tập đoàn Hoa Sen đưa thiết bị dây chuyền cán nguội, mạ kẽm/lanh, mạ màu đi vào hoạt động với công suất 350 nghìn tấn.

Những dự án có đóng góp tích cực còn là tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast, tổng vốn đầu tư 35.000 tỷ đồng, công suất 500.000 xe/năm. Nhà máy sản xuất ô tô Thaco Mazda, tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, công suất 100.000 xe/năm. Nhà máy sản xuất ô tô Huyndai Thành công, tổng vốn đầu tư 1.320 tỷ đồng, công suất 40.000 xe/năm...

Sau khi kể tên các doanh nghiệp, Bộ Công Thương nhận định, đã hình thành và phát triển được một số tập đoàn công nghiệp tư nhân trong nước có tiềm lực tốt hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo. Điển hình như trong lĩnh vực sản xuất lắp ráp ôtô là các tập đoàn VinGroup, Trường Hải, Thành Công. Trong lĩnh vực sản xuất, chế biến sữa và thực phẩm là Vinamilk, TH. Trong lĩnh vực hoá chất là Công ty cổ phần Hoá chất công nghiệp Tân Long, Công ty cổ phần tập đoàn Lộc Trời.

Trong lĩnh vực sắt thép, báo cáo nhắc đến những cái tên Hoa Sen, Hoà Phát, Bình Minh, Pomina, Nam Kim...

"Đây  là những tín hiệu tốt cho thấy các chủ trương của Đảng, cơ chế chính sách của Chính phủ đã tạo được niềm tin tưởng và hứng khởi cho các doanh nghiệp tập trung đầu tư phát triển lớn, dài hạn trong các ngành công nghiệp trọng điểm của đất nước", báo cáo nêu rõ.

Thúc đẩy các dự án lớn 

 Với 2019 Bộ Công Thương đánh giá chung sản xuất công nghiệp quý 1 cho thấy kết quả thấp hơn kịch bản tăng trưởng đề ra. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 11% (mục tiêu của Bộ là 12%). Tuy nhiên, theo báo cáo, đây vẫn là điểm sáng, đóng góp chính vào tăng trưởng của khu vực công nghiệp và tăng trưởng của toàn nền kinh tế.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại, Bộ Công Thương xác định nhiều giải pháp. Một trong số đó là sớm hoàn thành các dự án sản xuất công nghiệp đi vào vận hành, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, trong đó tập trung vào các dự án lớn, đóng vai trò động lực cho tăng trưởng.

Như, dự án Formosa dự kiến phát huy hết công suất với công suất 7,5 triệu tấn/năm (năm 2018 mới huy động khoảng 4,5 triệu tấn). Dự án Lọc hoá dầu Nghi Sơn cũng được xác định nhanh chóng tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách để vận hành đủ công suất ngay trong năm.

Dự án Thép Hoà phát tại Dung Quất được dự kiến tăng thêm 3 triệu tấn. Dự án ô tô Vinfast đi vào sản xuất từ tháng 4/2019 có thể sản xuất vài chục nghìn xe ô tô tuỳ theo thị trường. Dự án Nhiệt điện Thái Bình với công suất 600 MW đi vào hoạt động từ giữa tháng 1/2019...

Bộ Công Thương cũng xác định thúc đẩy nhanh các dự án lớn trong ngành của các doanh nghiệp Trường Hải, Thành Công, Vinfast... góp phần gia tăng sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thời gian tới.

Liên quan tới chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu được Chính phủ giao từ 8-10%, theo Bộ Công Thương, để đạt mức tăng trưởng 8% năm 2019 thì kim ngạch xuất khẩu cần đạt 236 tỷ USD.

Như vậy, xuất khẩu 9 tháng tiếp theo phải đạt khoảng 205 tỷ USD, tức là bình quân một tháng phải đạt khoảng 22,7 tỷ USD. Và theo Bộ Công Thương thì đây là "một nhiệm vụ rất khó khăn". 

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top