Tổng cục Hải quan và Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) sẽ phối hợp triển khai các công việc để bắt đầu trao đổi thí điểm kết nối chứng nhận kiểm dịch thực vật qua Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) giữa Việt Nam và Indonesia.
Theo đó, phía Cục Bảo vệ thực vật sẽ phải chuẩn bị dữ liệu và hệ thống thử nghiệm sẵn sàng cho việc cấp chứng nhận kiểm dịch thực vật xuất khẩu để kết nối với Cổng một cửa quốc gia trong quá trình trao đổi dữ liệu chứng nhận kiểm dịch thực vật với ASW.
Dự kiến việc trao đổi thí điểm chứng nhận kiểm dịch thực vật sẽ được triển khai từ 01/7/2019.
Theo Hiệp định về xây dựng và thực hiện cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế một cửa ASEAN là một môi trường trong đó các cơ chế một cửa quốc gia hoạt động và kết nối với nhau. Cơ chế một cửa là một hệ thống cho phép xuất trình dữ liệu và thông tin một lần; xử lý thông tin và dữ liệu một lần và đồng thời; và ra quyết định một lần cho việc giải phóng và thông quan hàng hoá.
Việc ra quyết định một lần được hiểu rằng cơ quan hải quan là cơ quan ra quyết định duy nhất đối với việc giải phóng hàng hoá trên cơ sở quyết định của các bộ ngành chức năng được kịp thời gửi tới hải quan.
Như vậy, cơ chế một cửa ASEAN sẽ là một môi trường kết nối bảo mật. Nhưng thay vì kết nối thương nhân, cộng đồng vận tải với các cơ quan chính phủ như cơ chế một cửa tại từng quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN sẽ kết nối tất cả các hệ thống cơ chế một cửa của các nước thành viên.
Theo đó, thông tin về thương nhân, đơn vị vận tải, hàng hóa, tình trạng quản lý của các cơ quan Chính phủ sẽ dễ dàng được chia sẻ, tham khảo, đối chiếu tại tất cả các nước thành viên.
Được biết, từ 1/1/2018 đã có 5 quốc gia là Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore đã chính thức thực hiện trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D (C/O form D) qua cơ chế một cửa ASEAN.
Còn theo số liệu mới nhất, tính đến ngày 25/4/2019, tổng số C/O form D Việt Nam gửi đi là gần 135 nghìn và nhận đến gần 76 nghìn C/O. Trong đó, Indonesia có số lượng nhiều nhất là 56,3 nghìn C/O gửi đi và 33,4 nghìn C/O nhận về; Malaysia lần lượt là 18,9 nghìn và 33,8 nghìn…
Ưu điểm của việc thực hiện qua cơ chế một cửa ASEAN đối với việc trao đổi giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) là việc áp dụng và phát hành C/O trực tuyến, nếu các nước thành viên có thỏa thuận, C/O trực tuyến sẽ thay thế C/O giấy và tất cả những điều chỉnh/sửa đổi hoặc kiểm tra sẽ được thực hiện trực tuyến, từ đó giúp tiết kiệm thời gian, công sức.
Hiện nay, Việt Nam đang chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật để sẵn sàng trao đổi thông tin tờ khai hải quan điện tử ASEAN (ACCD) và giấy chứng nhận kiểm dịch động thực vật.
Đối với việc trao đổi thông tin tờ khai hải quan điện tử qua cơ chế một cửa ASEAN trước mắt mỗi quốc gia vẫn tuân thủ quy trình hiện tại của mình nhưng khung thời gian thực hiện sẽ được rút ngắn vì tất cả các bước sẽ được thực hiện trực tuyến trên cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN.
Các cơ quan quản lý sẽ kiểm tra và phê duyệt trên hệ thống, mọi sửa đổi cũng sẽ được thực hiện trực tuyến để giảm thiểu thời gian chuyển giao chứng từ giấy…
Post a Comment