Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết như vậy tại hội nghị công tác tổ chức cán bộ ngành Y tế năm 2019, diễn ra ngày 24/7. Theo Bộ trưởng, trong năm qua, hệ thống tổ chức bộ máy tuyến trung ương đến địa phương của ngành Y tế được xây dựng thống nhất, hoàn thiện theo hướng tinh gọn, hoạt động ổn định.
Tính đến năm 2019, Bộ này đã có 29/82 đơn vị sự nghiệp được giao quyền tự chủ về tài chính với tổng số là 29.153 người làm việc (gồm 18.171 viên chức, 2.321 hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP và 7.594 hợp đồng lao động chuyên môn).
Việc cho phép các đơn vị tự bảo đảm chi phí hoạt động được tự quyết định số lượng người làm việc và vị trí việc làm đã tạo điều kiện cho các đơn vị chủ động tuyển dụng được nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu phục vụ cho công tác khám chữa bệnh chất lượng cao.
Đồng thời, các đơn vị đã tổ chức sắp xếp lại nhân sự, bố trí công việc một cách khoa học, một người có thể làm nhiều việc, từng bước bảo đảm phân công công việc đúng người, đúng việc, phát huy được tính năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ y tế.
"Nhờ đẩy mạnh việc giao tự chủ kinh phí chi thường xuyên cho các bệnh viện và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ, qua đó, đã tiết kiệm chi ngân sách nhà nước gần 3.000 tỷ đồng/năm đối với tuyến Trung ương và gần 15.000 tỷ đối với hệ thống y tế địa phương", Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.
Đối với việc tinh giản biên chế, Bộ đã thực hiện đúng lộ trình từ năm 2016, mỗi năm giảm 1,6 - 2%, đến năm 2021 đạt tỷ lệ giảm 10% biên chế hành chính so với năm 2015. Hằng năm, các đơn vị thuộc Bộ chỉ tuyển dụng 50% số biên chế công chức đã giảm (do thực hiện chính sách tinh giản biên chế và do nghỉ hưu, thôi việc).
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nêu ra sự bất hợp lý nếu ngành Y tế thực hiện giảm biên chế một cách cơ học thì rất khó khăn cho mục tiêu tăng giường bệnh, tận dụng nguồn nhân lực cũng như không giữ chân được cán bộ giỏi, thạo nghề.
Liên quan đến việc tổ chức bộ máy, ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cũng cho biết, Bộ đã sắp xếp các phòng trong các vụ, cục, giảm từ 94 phòng xuống còn 59 phòng và giảm khoảng 105 lãnh đạo cấp phòng.
Đối với hệ thống y tế tuyến tỉnh, Bộ sẽ thực hiện mô hình Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật trên cơ sở sáp nhập các trung tâm có chức năng tương đồng. Hiện đã có 266/315 đơn vị đã sáp nhập (53/63 tỉnh). Vị trí lãnh đạo giảm khoảng 1.260, biên chế hành chính giảm khoảng 2.140 người.
Cũng theo ông Tác, nhờ các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế thực hiện cơ chế tự chủ kinh phí chi thường xuyên đã giúp khoảng 35.000 biên chế không phải chi lương từ ngân sách nhà nước; giảm chi khoảng gần 3.000 tỷ đồng/năm. Cùng với đó, việc tự chủ ở 51 tỉnh, thành phố đã giảm chi ngân sách nhà nước gần 15.000 tỷ đồng.
Tới đây, Bộ Y tế cho biết, sẽ tiếp tục tổ chức phân loại viên chức theo vị trí việc làm và sắp xếp, bố trí lại cơ cấu viên chức, bảo đảm vị trí chuyên môn, nghiệp vụ chiếm tỉ lệ ít nhất 65%. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện việc rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại và tinh giản biên chế trong các đơn vị sự nghiệp y tế công lập.
Post a Comment