Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Tổ trưởng Tổ công tác về công vụ của Thủ tướng, ông Lê Vĩnh Tân cho biết, tinh giản biên chế phải đạt mục tiêu đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015. Đến nay mới đạt được 5,7%, đòi hỏi quá trình này phải đẩy nhanh hơn trong thời gian tới.
Thực hiện chính sách tinh giản biên chế, từ năm 2015 đến 30/6/2019, Bộ Nội vụ đã thẩm tra việc tinh giản biên chế với số lượng là 41.515 người. Năm 2015 là 5.778 người; năm 2016: 11.923 người; năm 2017: 12.660 người; 10 tháng đầu năm 2018: 10.139 người; từ 15/10/2018 đến 30/6/2019 là 1.015 người.
Tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả, hiệu lực
Tính đến tháng 6/2019 (biên chế khối cơ quan Chính phủ quản lý) đã giảm được 6,75% so với số giao năm 2015. Về biên chế sự nghiệp giáo dục, y tế, thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Bộ Nội vụ đã hướng dẫn Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Y tế và các địa phương rà soát, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng để xem xét, quyết định.
Đối với Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch thực hiện tinh giản biên chế trong các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ. Theo đó, đã triển khai thực hiện đúng lộ trình tinh giản biên chế từ năm 2016, mỗi năm giảm 1,6-2%, đến năm 2021 đạt tỷ lệ giảm 10% biên chế so với năm 2015. Tính đến năm 2019, đã có 29/82 đơn vị sự nghiệp được giao quyền tự chủ về tài chính với tổng số 29.153 người làm việc. Theo đó, đã giảm chi lương và các khoản phụ cấp từ ngân sách nhà nước khoảng 3.000 tỷ đồng.
Việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy được các bộ, ngành bảo đảm tinh gọn đầu mối tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý (như Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính năm 2019 cắt giảm tối thiểu 10 chi cục).
Một số địa phương thực hiện tốt như tỉnh Vĩnh Phúc (Sở Tài nguyên và Môi trường giảm 2 chi cục, 1 phòng chuyên môn, 1 đơn vị sự nghiệp; Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn giảm 1 đơn vị sự nghiệp). Tp.Cần Thơ cắt giảm 4 đầu mối tổ chức bên trong các sở, ngành, năm 2019 phấn đấu cắt giảm 9 phòng chuyên môn thuộc 4 sở, ngành...
Đánh giá tổng thể về bức tranh tinh giản biên chế, ông Lê Vĩnh Tân đánh giá, sau hơn 30 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương sắp xếp về tổ chức bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngang tầm nhiệm vụ trong việc đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Trong thời gian qua, với sự lớn mạnh của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng đã góp phần xây dựng một nền hành chính Nhà nước để phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội nói chung và hội nhập quốc tế nói riêng.
Bộ máy còn cồng kềnh, chồng chéo
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tổ chức bộ máy hành chính còn cồng kềnh, chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo, cơ cấu đội ngũ công chức, viên chức chưa phù hợp với vị trí việc làm hiện nay.
Trên cơ sở đó, việc tổ chức thực hiện tinh giản biên chế kết hợp với việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, sắp xếp các cơ quan chuyên môn của cấp tỉnh, cấp huyện và các đơn vị sự nghiệp công lập là vấn đề rất lớn được đặt ra.
Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị cũng như chủ trương của Chính phủ về tinh giản biên chế yêu cầu, từ nay đến năm 2021, phải thực hiện tinh giản tối thiểu 10% số người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2015 ở các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
Trong hai năm thực hiện Nghị quyết số 18, Nghị quyết số 19 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Nghị quyết số 56 của Quốc hội về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Chính phủ đã có những chương trình hành động cụ thể.
Qua kết quả kiểm tra của Tổ công tác về kiểm tra công vụ của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã làm rất khẩn trương và cũng đã chuẩn bị cho kế hoạch sắp xếp các cơ quan chuyên môn của cấp tỉnh, cấp huyện cũng như chuẩn bị sắp xếp các đơn vị hành chính không đạt tiêu chuẩn theo Nghị quyết số 1211 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Đây là vấn đề chỉ đạo rất sao của cấp ủy và chính quyền địa phương. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt và ban hành các nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ.
Như vậy, việc sắp xếp tổ chức các cơ quan bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã tích cực thực hiện theo tinh thần giảm đầu mối trung gian và kết hợp tinh giản biên chế. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương trong thời gian vừa qua.
Post a Comment