Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư đã sửa đổi 30 điều, bổ sung 3 điều vào Luật Đầu tư.

Sẽ cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ

Cụ thể, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư sẽ bổ sung quy định tại Điều 5 nhằm tạo cơ sở pháp lý để cơ quan quản lý áp dụng các biện pháp cần thiết như từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, đình chỉ hoạt động đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư…trong trường hợp các hoạt động này gây phương hại hoặc có nguy cơ gây phương hại đến an ninh, quốc phòng, di tích lịch sử, văn hóa, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng và môi trường.

Bãi bỏ Điều 12 về bảo lãnh Chính phủ đối với một số dự án quan trọng để thực hiện thống nhất theo Luật Ngân sách nhà nước và Luật Quản lý nợ công.

Hoàn thiện một số quy định tại Điều 7 của Luật Đầu tư nhằm bảo đảm quyền tự do đầu tư kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện.

Đối với các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh có điều kiện, Luật này cũng đã bãi bỏ 14 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời, sửa đổi 8 ngành, nghề và bổ sung 4 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan.

Bổ sung ngành "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 của Luật.

Luật sư đồng tình

Trao đổi với VnEconomy, Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư Tp.HCM đồng tình khi cho rằng, lĩnh vực đòi nợ thuê diễn biến phức tạp, biến tướng có dấu hiệu hình thành các băng nhóm thu hồi nợ thuê hành động rất manh động và côn đồ, coi thường pháp luật. 

Thời gian qua, có rất nhiều vụ thu hồi nợ thuê có hành vi đe dọa giết người, gây rối trật tự công cộng, cưỡng đoạt tài sản, hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích…gây  bức xúc cho dư luận và xã hội. 

Luật sư Trần Minh Hùng dẫn chứng: Trong quá trình hành nghề đã chứng kiến nhiều công ty thu hồi nợ làm thay công việc của Tòa án, cơ quan thi hành án, công an. Họ không khởi kiện ra tòa mà uy hiếp, gây áp lực cho con nợ, đe dọa, cưỡng đoạt tài sản của con nợ. 

Có những vụ việc chưa có bản án tòa án, chưa có văn bản cơ quan thi hành án nhưng các công ty đòi nợ thuê ngang nhiên xuống tận nhà chủ nợ ép trả tiền, ép trả tài sản, ép ký giấy vay…làm hoang mang cho con nợ. Khi đòi không được thì đánh đập, dùng các hành vi áp lực, khủng bố để lấy tiền bằng được.

"Việc Luật dự thảo cấm là có cơ sở sau khi thấy những biến tướng và hệ lụy của thu hồi nợ để lại, gây bức xúc cho dư luận và xã hội. Đây là ngành nghề đã gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, gây mất an ninh trật tự bởi nhiều cá nhân, công ty thu hồi nợ hành xử manh động mà nhiều cơ quan công an cũng rất khó khăn để xử lý hay cấm họ ở địa phương. 

Việc cấp phép hành nghề cho họ đã tạo cho họ một cái quyền mà cơ quan chức năng sẽ khó xử lý, giải quyết khi họ đi thu hồi nợ. Đồng thời, cũng là để bảo đảm an ninh trật tự cho các địa phương, bảo đảm cho các cá nhân, tổ chức sinh sống và kinh doanh bình thường", Luật sư Trần Minh Hùng nói.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, không nên cấm hẳn kinh doanh dịch vụ đòi nợ bởi nó có thể gây khó khăn cho sự phát triển của các dịch vụ tài chính. Nếu không có giải pháp đòi nợ hiệu quả, các tổ chức tín dụng sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động và cung ứng tài chính cho khách hàng. 

Trong khi đó, việc khởi kiện ra toà để thu hồi nợ thông thường là biện pháp cuối cùng vì tiêu tốn của bên cho vay nhiều chi phí về pháp lý, nhân sự và thời gian. 

Về vấn đề này, Luật sư Trần Mình Hùng khẳng định, đối với các tổ chức tín dụng khi cho vay đã có tài sản thế chấp nên không lo khó xử lý, thu hồi nợ. Còn đối với các trường hợp cho vay tín chấp, lãi suất sẽ cao và bên cho vay thường đã chấp nhận rủi ro ngay từ đầu. 

Ông Hùng cũng thừa nhận có những trường hợp do toà án, cơ quan thi hành án làm chậm, không hiệu quả. "Nhưng không phải vì thế mà buông lỏng quản lý hoạt động đòi nợ của cả tổ chức tín dụng và công ty đòi nợ", ông Hùng nói.

Về ngành, nghề và địa bàn ưu đãi đầu tư, Dự thảo Luật sửa đổi đặt mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, ngoài 4 ngành ưu đãi đầu tư đã được bổ sung vào Luật Đầu tư theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật này bổ sung một số ngành, nghề và hoạt động đầu tư khác, gồm: hoạt động nghiên cứu và phát triển; sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học; hoạt động đổi mới sáng tạo; sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành.

Bổ sung cơ chế cho phép Thủ tướng Chính phủ quyết định ưu đãi đầu tư cao hơn để khuyến khích phát triển một ngành, địa bàn đặc biệt hoặc dự án đặc biệt quan trọng có tác động lớn đến kinh tế - xã hội.

Cụ thể là dự án trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo có quy mô vốn đầu tư từ 60.000 tỷ đồng trở lên; dự án của công ty đa quốc gia thành lập các trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam theo quy định của Chính phủ và dự án đầu tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng có quy mô vốn đầu tư từ 25.000 tỷ đồng trở lên. Đối với các loại dự án này, Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung mức ưu đãi và thời hạn ưu đãi đầu tư nhưng mức ưu đãi bổ sung không quá 50% mức ưu đãi cao nhất và thời hạn ưu đãi bổ sung không quá thời hạn ưu đãi dài nhất.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top