Đó là đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại báo cáo tổng hợp công tác giám sát đánh giá tổng thể đầu tư năm 2018 vừa được gửi tới Thủ tướng Chính phủ.
Một trong những nội dung chú ý tại báo cáo là về tình hình quản lý các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Vị trí trạm, mức phí BOT bất cập, thiếu minh bạch
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2018, có 32 cơ quan có số liệu về dự án PPP (Bộ Kế hoạch và Đầu tư và 31 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương). Có nhiều cơ quan chưa báo cáo và nhiều cơ quan có báo cáo nhưng số liệu không đầy đủ, thiếu thông tin về số dự án kiểm tra, đánh giá, số liệu về vốn đầu tư và cơ cấu nguồn vốn đầu tư.
Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký kết một số hợp đồng dự án theo hình thức BOT nhiệt điện, giao thông nhưng không có số liệu báo cáo.
Số liệu tổng hợp của 32 cơ quan cho biết có 334 dự án theo hình thức PPP thực hiện các thủ tục đề xuất dự án (gồm 99 dự án do cơ quan nhà nước đề xuất, 235 dự án do nhà đầu tư tự đề xuất). Trong năm có 447 dự án có quyết định đầu tư, 35 dự án hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư, 10 dự án được cấp/điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và 28 dự án hoàn tất thủ tục về hợp đồng dự án.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2018 có 48 dự án trên tổng số 135 dự án đầu tư theo hình thức PPP thực hiện đầu tư trong kỳ thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư, đạt tỉ lệ 35,5%; trong năm có 57 dự án được kiểm tra, 28 dự án được đánh giá.
Tổng vốn đầu tư của các dự án PPP theo kế hoạch trong năm là 77.005 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư công tham gia là 1.638 tỷ đồng, chiếm 2,13%; vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư là 22.353 tỷ đồng, chiếm 29%; vốn vay thương mại là 53.012 tỷ đồng, chiếm 68,8%. Tổng giá trị thực hiện là 36.201 tỷ đồng, đạt 47% so với kế hoạch.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước còn rất hạn chế so với nhu cầu đầu tư, việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức PPP trong các năm qua cũng như 2018 là chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước nhằm khuyến khích và mở rộng thu hút nguồn lực đầu tư từ các nguồn vốn ngoài ngân sách của các nhà đầu tư trong và ngoài nước để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và của cả nước.
Tuy nhiên, một số quy định của pháp luật chưa thực sự phù hợp với thực tế. Các dự án BOT giao thông hiện nay chủ yếu do các nhà đầu tư trong nước thực hiện, chưa thu hút được vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào các dự án BOT. Vị trí trạm thu phí, mức thu phí còn nhiều bất cập, thiếu minh bạch.
Trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước về tính hiệu quả của dự án như mức lợi nhuận của nhà đầu tư, thời hạn nhà đầu tư được nhà nước nhượng quyền thu phí của người sử dụng dịch vụ, giá sử dụng công trình/dịch vụ công, mức độ tham gia của nhà nước) chưa rõ ràng. Năng lực giám sát về cơ chế thu phí còn yếu, thiếu minh bạch trong quá trình quản lý hợp đồng.
Kinh nghiệm đầu tư, quản lý đầu tư, quản lý vận hành và năng lực tài chính, kỹ thuật còn rất hạn chế, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.
Hầu hết các dự án đều chỉ định thầu
Về nội dung quản lý các dự án đầu tư theo hình thức PPP, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn cho biết, một số dự án BOT huy động nguồn vốn đầu tư từ các nhà đầu tư và các ngân hàng thương mại là các doanh nghiệp nhà nước (hoặc doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa) chủ yếu là vốn tín dụng ngắn hạn nhưng lại được sử dụng cho đầu tư dài hạn nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro an toàn hệ thống ngân hàng
Các dự án BOT nhiệt điện thời gian chuẩn bị, đàm phán hợp đồng dài, cơ chế ngoại tệ, ưu đãi đầu tư chưa thống nhất.
Các dự án thực hiện theo hình thức BT chậm triển khai thực hiện, một số dự án gặp khó khăn do chưa có nguồn thanh toán cho nhà đầu tư do chưa có nghị định của Chính phủ hướng dẫn thanh toán theo hình thức này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, do đây là hình thức đầu tư mới, năng lực xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, năng lực triển khai thực hiện đầu tư của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà đầu tư còn nhiều hạn chế. Do đó, việc đầu tư theo hình thức PPP vẫn còn nhiều bất cập, đòi hỏi cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.
Bộ này cũng cho rằng việc lựa chọn dự án đầu tư, thứ tự đầu tư các dự án chưa hợp lý. Đa số các dự án tập trung trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo phương thức cải tạo, nâng cấp tuyến đường độc đạo hiện hữu nên chưa bảo đảm quyền lựa chọn của người tham gia giao thông. Việc thu hút nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng.
Ngoài ra, chính sách chưa ổn định gây khó khăn trong việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
"Việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án còn bất cập, thiếu minh bạch, công tác thiết kế, dự toán còn sai sót và chưa chặt chẽ làm tăng giá trị dự toán công trình", đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, đồng thời cho biết hầu hết các dự án đều chỉ định thầu, nhưng nhiều nhà đầu tư nguồn lực hạn chế dẫn đến những vi phạm trong quá trình thực hiện, vận hành và khai thác.
Post a Comment