Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Chúng ta cần phải phát triển thêm 50.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin (ICT) tại khắp các tỉnh thành để đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam.
Quan điểm cũng như thông điệp trên được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh tại Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit 2019) với chủ đề "Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường" được tổ chức sáng 8/8 tại Hà Nội.
Cuộc cách mạng về chính sách
Trong phát biểu của mình, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, công nghệ số đang thâm nhập thế giới với tốc độ rất cao, nhất là một số công nghệ đột phá của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi căn bản kinh tế và xã hội. Chuyển đổi số làm thay đổi cái mà nền kinh tế sản xuất ra, thay đổi về cách thức sản xuất và hạ tầng sản xuất. Chuyển đổi số cũng sẽ thay đổi căn bản tư duy nhận thức về tầm nhìn tương lai và các mối quan hệ kinh tế - xã hội.
Theo ông, đây là một cuộc cách mạng vĩ đại khi lần đầu tiên, toàn bộ hoạt động kinh tế và xã hội sẽ được chuyển vào thế giới ảo. Sẽ xuất hiện kinh tế số và xã hội số bên cạnh kinh tế thực và xã hội thực. "Chỉ lúc này công nghệ số mới phát huy hết sức mạnh của nó. Cả sức mạnh xây dựng và sức mạnh huỷ diệt", Bộ trưởng Hùng nói.
Người đứng đầu ngành thông tin và truyền thông cho rằng, bước hình thành các mối quan hệ mới trong nền kinh tế số, xã hội số - các mối quan hệ mới trong thế giới ảo là thách thức lớn nhất của chuyển đổi số, tuy nhiên, chính những mối quan hệ mới, những mô hình kinh doanh mới này mới phát huy hiệu quả của chuyển đổi số.
"Nếu chúng ta có chính sách phù hợp thì Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội này để vượt lên thành nước phát triển. Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ", ông nhấn mạnh và cho rằng lợi thế của Việt Nam khi chúng ta có Đảng lãnh đạo, có thể đưa ra được những quyết sách lớn một cách nhanh và tập trung, tạo ra sự thống nhất trong toàn xã hội.
Chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam, nhưng theo Bộ trưởng Hùng, đây là một sự thay đổi mang tính toàn diện, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, đến từng người dân, mọi lĩnh vực. Một khối lượng công việc khổng lồ, một sự chuyển dịch mang tính lịch sử, ngàn năm mới có một lần. Việt Nam muốn thay đổi thứ hạng thế giới thì phải đi nhanh và đi đầu để có lợi thế cạnh tranh.
"Chuyển đổi số không cần nhiều cơ sở vật chất mà cái cần chính là thay đổi tư duy. Những nước đi sau như Việt Nam lại là cơ hội", ông nói.
Cần thêm 50.000 doanh nghiệp ICT
Tuy nhiên, để đẩy nhanh chuyển đổi số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng Việt Nam cần phải phát triển thêm 50.000 ICT tại khắp các tỉnh thành, trong đó lấy những doanh nghiệp lớn như VNPT, Vingroup, FPT, Viettel... đóng vai trò hạt nhân.
Theo đó, sẽ tập trung phát triển bốn loại doanh nghiệp công nghệ số, gồm các doanh nghiệp công nghệ lớn có tiềm lực về tài chính, thị trường và nhân lực có thể làm chủ các công nghệ cốt lõi và đầu tư hạ tầng ICT với số lượng khoảng 10-20 doanh nghiệp. Kế đến là doanh nghiệp thương mại dịch vụ lớn như Viettel, Vingroup có thể chuyển thành các tập đoàn công nghệ, công nghiệp, thương mại và dịch vụ.
Rồi doanh nghiệp công nghệ đã có 10-20 năm kinh nghiệm đang chủ yếu làm gia công sẽ chuyển sang làm sản phẩm, tập trung làm các Platform (nền tảng) chuyển đổi số. Các doanh nghiệp công nghệ mới khởi nghiệp, làm tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, mang công nghệ số áp dụng vào mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội.
Và thứ tư là nhóm các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới đột phá.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, lời giải để đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam là dựa trên các Platform, do vậy cần tạo ra các Platform để các cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình, người dân sử dụng. Chuyển đổi số chỉ phát huy hết sức mạnh khi toàn dân, toàn xã hội kết nối số. Vì thế, theo ông, một nền tảng Platform có thể kết nối hàng triệu người, hàng ngàn doanh nghiệp. Lợi thế Việt Nam là có nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin có năng lực, có thể phát triển các Platform phù hợp cho chuyển đổi số.
Theo Bộ trưởng Hùng, để chuyển đổi số, Việt Nam có thể chọn chiến lược 3 bước, gồm đẩy nhanh việc số hoá các lĩnh vực; sử dụng chuyển đổi số như một lợi thế cạnh tranh trong từng lĩnh vực, từng tổ chức; và cuối cùng là tiến tới nền kinh tế số toàn diện, hình thành các ngành công nghiệp số thế hệ mới, các ngành công nghiệp mới này sẽ là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.
Tất nhiên, người đứng đầu ngành thông tin và truyền thông cũng cho rằng để chuyển đổi số thành công cũng cần phải có sự dẫn dắt của Chính phủ, trong đó không chỉ là kiến tạo môi trường cho chuyển đổi số thông qua thể chế, mà còn là đi đầu trong chuyển đổi số. Đầu tư cho Chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, kinh tế số; đầu tư cho đô thị thông minh hướng tới xã hội số; thúc đẩy các bộ, ngành chuyển đổi số; thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước đi đầu trong chuyển đổi số doanh nghiệp…
Post a Comment