"Không phải chúng tôi làm việc này để ở lại, Tôi và chị Phóng ( Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng - PV) cũng quá tuổi theo bộ luật rồi, làm bộ luật này không phải cho người đương chức để kéo dài thời gian làm việc".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã khẳng định như trên khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khau của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), sáng 14/8.
Một trong những vấn đề qua nhiều phiên thảo luận vẫn chưa đạt được sự đồng thuận cao là đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu.
Khẳng định tuổi nghỉ hưu là vấn đề rất lớn, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh lần sửa đổi này phải thực hiện theo đúng tinh thần của Trung ương, đáp ứng cho dài hạn chứ không phải cho trước mắt.
Trung ương cho chủ trương là nghiên cứu để tăng tuổi nghỉ hưu và lộ trình, theo lộ trình này thì đến năm 2035 một cán bộ nữ mới được nghỉ hưu ở 60 tuổi, tức là phải hơn 15 năm nữa phụ nữ mới được làm việc tới 60 tuổi, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Việc tăng tuổi nghỉ hưu, theo Chủ tịch Quốc hội phải rõ ràng cách làm, bước đi phải được tính toán thật kỹ, cụ thể, thận trọng, phải hợp lý, thuyết phục và cần thiết phải đánh giá tác động đối với từng loại đối tượng cụ thể.
Theo lộ trình Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội tiếp tục thảo luận và xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019). Đề nghị từ Chủ tịch Quốc hội là các cơ quan liên quan phải giải trình thêm một cách thấu tình đạt lý tại kỳ họp sắp tới, thuyết phục được người lao động, lấy thêm ý kiến, tăng cường tuyên truyền để tránh những dư luận phức tạp.
"Đừng có tuyên truyền là từ những người công nhân hầm lò nam phải làm việc tới 62 tuổi, nữ 60, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và phải cân nhắc các luận cứ khoa học có thêm thông tin để quy định về độ tuổi nghỉ hưu cho phù hợp, tạo sự đồng thuận của xã hội", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Cho rằng xu hướng tăng tuổi nghỉ hưu là một điều không thể khác được, song Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị phải có lộ trình và làm rõ những đối tượng nào có quyền nghỉ hưu sớm và những trường hợp nào tăng tuổi.
Cho biết "phát biểu theo ý chí tập thể", ông Nguyễn Đình Khang, tân Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói, qua thu thập ý kiến thì phần lớn người lao động, đặc biệt là những người lao động trực tiếp chưa đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu, một bộ phận người lao động, công chức, viên chức thì đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu theo phương án 1.
Về quan điểm của Tổng Liên đoàn, ông Khang phân tích, Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, tình hình thiếu việc làm, thất nghiệp vẫn đang là vấn đề xã hội lớn. Việt Nam cũng đồng thời bước vào thời kỳ già hoá dân số, việc tăng tuổi nghỉ hưu cần phải tính toán kỹ lưỡng, quan tâm đến nhu cầu có việc làm của lực lượng lao động trẻ, có trình độ đào tạo bài bản và nguyện vọng của một bộ phận người lao động lớn tuổi không còn muốn tiếp tục làm việc, ông Khang nêu quan điểm.
"Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đồng ý với việc xem xét tăng tuổi nghỉ hưu trong lần sửa đổi Bộ luật Lao động lần này. Tuy nhiên, mức và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu cần xem xét tới các yếu tố: đối tượng, lĩnh vực, ngành, nghề và cần được thiết kế linh hoạt, cần cân nhắc đến các đối tượng là công nhân lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất và viên chức trong một số ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học và người làm trong lĩnh vực nghệ thuật. Đối với những người lao động trực tiếp trong lĩnh vực nguy hiểm, đặc biệt nặng nhọc, độc hại thì có thể có quyền nghỉ hưu sớm từ 7 đến 10 năm', ông Khang nói.
Post a Comment