Khi những ngành như fintech (financial technology - công nghệ tài chính) hàng năm được đầu tư cả trăm tỷ USD từ các quỹ toàn cầu thì công nghệ giáo dục (education technology - edtech) lại còn đang khá khiêm nhường với mức đầu tư vài tỷ USD mỗi năm.

Nhưng chính trong màn sương khiêm nhường ấy, Việt Nam đang nổi lên như một điểm sáng với những niềm hy vọng mới thông qua những sản phẩm đậm chất đổi mới sáng tạo.

Từ GotIt! …

Theo dõi Facebook của founder GotIt! là một việc khá thú vị. Hùng Trần bắt đầu lan toả niềm đam mê của mình trên trang Facebook cá nhân bằng một cách khiến ai cũng có thể bật cười: anh chàng liên tục cập nhật các thông tin và hình ảnh quanh ý tưởng và sản phẩm của mình, nhưng không cần quá quan tâm đến phản ứng của cộng đồng.

Và lúc đầu, cộng đồng mạng cũng không quan tâm nhiều thật. Nhưng cùng với thành công được ghi nhận qua từng bước đi của Hùng và GotIt!, năng lượng và sự lan toả dần lớn lên.

Còn nơi làm việc thì sao? GotIt! được chính các nhân viên của startup này mô tả "như một chỗ thư giãn và chơi, hơn là một nơi làm việc": nhân viên ngồi, nằm… la liệt trên sàn văn phòng, làm bất cứ gì mình thích và… chơi.

Nhưng thực tế, GotIt! đã tiến dần từng bước và chinh phục nhanh chóng cả công chúng lẫn nhà đầu tư. Sản phẩm bắt đầu đến với nhiều quốc gia, hàng triệu người dùng biết đến, thử dùng sản phẩm và… trở lại. Đầu kia, hàng trăm ngàn giáo viên và người hướng dẫn cũng nhập cuộc và trở thành một phần của hệ sinh thái giáo dục non trẻ này.

Trong đợt gọi vốn gần nhất, GotIt! của Hùng Trần đã thành công với khoản đầu tư 12,5 triệu USD từ các quỹ đầu tư Mỹ. Số tiền được sử dụng để GotIt! - ứng dụng giáo dục thành công nhất hiện giờ của người Việt - thực hiện những bước tiến nhanh chóng vươn ra thị trường thế giới.

Chưa hết, người dùng Excel, Microsoft có thể dùng các dịch vụ Excelchat của GotIt! để học và giải quyết các vấn đề của mình. Việc GotIt! trở thành đối tác của Microsoft Office - phần mềm, ứng dụng văn phòng, máy chủ và dịch vụ hàng đầu của Microsoft được sử dụng bởi hàng tỷ người dùng khắp thế giới là sự kiện quan trọng đẩy startup giáo dục này lên một tầm cao mới.

Sau thành công gọi được hơn 10 triệu USD lần gần nhất, trị giá công ty của GotIt! đã lên bao nhiêu? Chưa ai có thông tin chính xác và quan trọng hơn là mức nào thì cũng là một căn cứ đáng quý để GotIt! tự tin vào vòng gọi vốn tiếp theo với giá trị cao hơn.

Đến Elsa Speak

Không giống các startup khác, Elsa xuất hiện là lập tức… tỏa sáng.

Vượt hơn 1.000 đối thủ trên toàn thế giới, Elsa Speak - ứng dụng luyện phát âm tiếng Anh của 2 cô gái Việt đã đạt giải nhất cuộc thi hàng đầu dành cho các startup về giáo dục - SXSWedu Launch và được báo chí nhắc đến khá rầm rộ.

Ngay từ năm trước, Elsa Speak đã gọi được hơn 15 triệu USD qua vài vòng gọi vốn với thời gian khá nhanh.

Số tiền có được từ vòng gọi vốn này sẽ giúp Elsa Speak tăng tốc phát triển bằng việc tiếp tục tuyển mộ các kỹ sư và nhà khoa học máy tính giỏi trong các lĩnh vực công nghệ nói chung và công nghệ deep learning, AI… nói riêng. Nó cũng giúp Elsa khai phá nhiều thị trường mới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Ấn Độ…

Và với sự hỗ trợ và nguồn lực từ Gradient Ventures, Elsa tiếp cận được với Google, có hướng phát triển phù hợp với trọng tâm chiến lược của Elsa là phát triển AI hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nhận diện giọng nói.

Elsa hiện có hơn 4 triệu lượt người dùng từ 101 quốc gia trên toàn thế giới, từng lọt vào top 5 các ứng dụng AI hàng đầu, cùng với các ứng dụng Cortana của Microsoft và Google Allo của Google… Trong năm 2018, ứng dụng này đã ghi nhận lượng học viên tăng 350% so với năm trước và tăng nhiều nhất chính là Việt Nam.

Topica và khoản đầu tư lớn nhất trong ngành giáo dục

IAE - Tổ chức Giáo dục Hoa Kỳ từng nhận được khoản đầu tư hơn 12 triệu USD từ TAEL - một quỹ đầu tư tỷ USD đến từ Israel và lúc đó từng là thương vụ lớn nhất của ngành giáo dục.

Tuy nhiên, tới tháng 11/2018, thương vụ kỷ lục nhất đã được công bố với một con số lớn hơn rất nhiều; đó là NorthStar đầu tư vào Topica 50 triệu USD và lập tức trở thành thương vụ kỷ lục tính đến nay.

Trên mạng cũng như trên các chợ ứng dụng, không khó khăn gì có thể thấy hàng loạt các ứng dụng từ nền tảng và hệ thống của Topica. Và đương nhiên, mọi người cũng có thể nhận thấy mô hình của Topica hầu hết dựa trên cơ sở công nghệ ứng dụng vào giáo dục.

Điều đáng chú ý ở đây là Topica Edtech Group sau khi nhận được khoản đầu tư trị giá 50 triệu USD trong vòng gọi vốn series này thì đây là khoản rót vốn lớn nhất cho một công ty giáo dục trực tuyến tại khu vực Đông Nam Á. Topica lập tức lọt vào top 5 công ty công nghệ giáo dục được đầu tư lớn nhất trong năm trên quy mô toàn cầu.

Chi tiết trong hồ sơ đầu tư của Topica Edtech cho thấy công ty này đang cung cấp các khoá học trực tuyến bằng tiếng Anh, là nền tảng cho 12 trường đại học khu vực Đông Nam Á cung cấp chương trình giảng dạy và cấp bằng trực tuyến.

Thành công bước đầu của Topica minh chứng một điều: Người Việt có khả năng thành công trong việc ứng dụng công nghệ vào giáo dục nói riêng và tạo ra thành công qua một startup công nghệ vươn lên tầm khu vực, để bước ra thế giới.

Những thành công từ GotIt!, Elsa Speak, Topica… đều cho thấy khả năng người Việt tạo ra những startup tầm cỡ khu vực và thế giới là có thật, khả thi. Không còn là giấc mơ, Việt Nam đã thực sự chạm tay vào giấc mơ đó của công nghệ giáo dục toàn cầu.

Hy vọng và bài toán tương lai edtech Việt Nam

Năm 2018, số liệu thống kê toàn cầu cho thấy thế giới đã đầu tư đâu đó khoảng 120 tỷ USD cho fintech - trong khi chỉ có hơn 6 tỷ USD vào edtech. Câu hỏi thảng thốt của các nhà đầu tư là "sao khiêm nhường vậy?" "Tiền đã đi đâu, mà không thấy rót vào công nghệ giáo dục?"… trong khi ngành giáo dục còn có vô số bài toán cần giải, dù độ cấp bách có vẻ là chưa song độ quan trọng là có. Vấn đề đặt ra là nếu giải được các bài toán này và edtech hấp dẫn thì tiền đầu tư đổ vào chắc cũng không kém fintech là bao.

Hướng đi đầu tiên vừa quan trọng vừa cấp bách nhất là việc chuyển đổi số (digital transform) cho ngành giáo dục. Nếu chuyển đổi số được, chi phí cho giáo dục sẽ giảm đáng kể, phương thức học hiện đại, hoà trộn: giáo dục hỗn hợp (blended learning) sẽ thành hiện thực. Và nếu video hoá, số hoá được bài giảng trong quá trình chuyển đổi số thì các công ty công nghệ liên quan edtech có vô số cơ hội ngay trên thị trường Việt Nam cũng như hướng ra thế giới.

Hướng đi thứ hai là giáo dục số ứng dụng (digital education application) cũng là xu hướng lớn. Điểm mặt có thể thấy các công ty Việt Nam có cơ hội trong tất cả các xu hướng đang nổi bật của thế giới, từ bảng thông minh (smartboard), đến trí tuệ nhân tạo (AI), tăng cường thực tế ảo (VR)… đến blockchain ứng dụng cho giáo dục.

Đâu đó trong các công ty được lập ra mỗi ngày, và các startup bắt đầu thành danh ở Việt Nam đang có nhiều dự án cụ thể và bắt đầu gặt hái thành công trong lĩnh vực công nghệ giáo dục, và được khích lệ bởi các GotIt!, Elsa Speak...

Những thành công này chắc chắn sẽ nhanh hơn nếu các công ty đều kiên định hơn và có thêm sự hỗ trợ của chính sách tiến bộ, hướng tới hy vọng Việt Nam trở thành một điểm đến của công nghệ giáo dục toàn cầu trong thời gian tới.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top