Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh như vậy khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước, sáng 12/8.

Theo báo cáo của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách (cơ quan thẩm tra dự án luật) thì tại dự thảo mới nhất, Kiểm toán Nhà nước đề đề nghị sửa nhiệm vụ Kiểm toán Nhà nước "thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ" chuyển thành "xem xét, quyết định việc kiểm toán khi có đề nghị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ".

Thống nhất với đề xuất này để Kiểm toán Nhà nước bảo đảm nguồn lực và chủ động hơn trong thực hiện kế hoạch kiểm toán đã được quyết định, song Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng Kiểm toán Nhà nước cần giải trình rõ hơn và tổng hợp, thống kê, đánh giá tác động khi thực hiện các nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu kiểm toán thực hiện từ khi Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 có hiệu lực đến nay. Làm rõ mức độ ảnh hưởng đến kế hoạch kiểm toán, chất lượng các cuộc kiểm toán trong kế hoạch để có căn cứ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định.

Theo Chủ tịch Quốc hội thì hằng năm kế hoạch kiểm toán được Quốc hội thảo luận thông qua. Trước khi lên kế hoạch này thì chắc chắn Tổng kiểm toán Nhà nước đã trao đổi với các cơ quan có liên quan, nhất là Thanh tra Chính phủ.

"Kế hoạch của Thanh tra Chính phủ thì Quốc hội không thông qua, đó là quyền của Thủ tướng Chính phủ, nhưng kế hoạch Kiểm toán Nhà nước thì Quốc hội thông qua. Quốc hội thông qua ra nghị quyết thì đó là cơ sở pháp lý rất quan trọng. Khi đã ra rồi thì tất cả các việc khác phải tránh danh mục mà Kiểm toán Nhà nước đã làm. Trong quá trình làm có phát sinh vấn đề gì thì hai bên phải có cơ chế", Chủ tịch Quốc hội phát biểu.

Theo luật hiện hành là Thủ tướng được yêu cầu kiểm toán. Nhưng bây giờ cần xem lại để quy định trong luật này như thế nào, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.

Chủ tịch Quốc hội phân tích, kế hoạch kiểm toán thông qua rồi, Thủ tướng, Phó thủ tướng trong thực tế đã có chỉ đạo kiểm toán phải vào làm việc này việc kia thì Kiểm toán không thể từ chối, nhưng như thế thì cần xem lại thẩm quyền, bởi vì không thể ngang với một nghị quyết của Quốc hội.

Khẳng định trong quá trình chỉ đạo, điều hành, quản lý Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ phát hiện ra có những vấn đề cần phải có kiểm toán vào, đó là nhu cầu chính đáng, yêu cầu là đúng, nhưng theo Chủ tịch Quốc hội thì cần có cơ chế như thế nào để đưa vào luật, nếu không ai cũng có thể chỉ đạo kiểm toán. "Nếu quá nhiều chỉ đạo ngoài kế hoạch Kiểm toán Nhà nước thì nghị quyết Quốc hội như thế nào", bà Ngân băn khoăn.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Kiểm toán Nhà nước trước hết phải thực hiện nghị quyết của Quốc hội, không phải ai cũng có thể chỉ đạo được kiểm toán làm cái này, kiểm toán làm cái kia. Kiểm toán không thể đáp ứng được yêu cầu này.

"Tôi khẳng định lại nhu cầu kiểm toán luôn gắn với yêu cầu quản lý của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, thẩm quyền cần yêu cầu kiểm toán của Thủ tướng hay Chính phủ là đúng, là có trong thực tế, nhưng phải xử lý trong luật này, quy định như thế nào để tránh mâu thuẫn với nghị quyết của Quốc", Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top