Rất nhiều người Việt Nam vẫn tiếp tục làm việc sau tuổi nghỉ hưu, khi tỷ lệ này ở nhóm người trong độ tuổi từ 60 - 69 làm việc chiếm đến 60, ông Phạm Trường Giang, Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đánh giá như vậy tại hội thảo thúc đẩy bình đẳng giới trong Bộ luật Lao động (sửa đổi), chiều 8/8.
Không tăng tuổi hưu, lao động nữ sẽ thiệt thòi?
Theo ông Giang, các nghiên cứu chỉ ra rằng, hiện số quốc gia có tuổi nghỉ hưu của nam và nữ bằng nhau đang có xu hướng tăng lên, ngược lại các quốc gia có tuổi nghỉ hưu của nữ và nam chênh lệch 5 tuổi như Việt Nam thì đang có xu hướng giảm xuống.
Nhìn nhận vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ dưới góc nhìn của cơ quan về bảo hiểm xã hội, ông Giang cho rằng, việc lựa chọn thời điểm này để tăng tuổi nghỉ hưu là chín muồi hơn cả, bởi vì nếu điều chỉnh chậm thì đối tượng chịu tác động lớn nhất chính là lao động nữ.
Tại Việt Nam, phân tích từ các kết quả nghiên cứu cho thấy, rất nhiều người vẫn tiếp tục làm việc sau tuổi nghỉ hưu. Cụ thể, tỷ lệ người lao động trong đội tuổi từ 60 - 69 tiếp tục làm việc chiếm khoảng 60%, người cao tuổi từ 70 - 79 tuổi đang làm việc chiếm 30% và từ 80 tuổi trở lên chiếm 11%.
Câu hỏi đặt ra là nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì liệu sức khỏe của người lao động Việt Nam có đảm bảo hay không, ông Giang nhận định điều này là hoàn toàn có thể. Dẫn kết quả thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về số năm khỏe mạnh sau tuổi 60 đối với 183 nước, ông Giang thông tin, Việt Nam xếp thứ 41, đứng trên 142 nước.
Số năm khỏe mạnh trung bình của người Việt Nam là 17,2 năm sau tuổi 60, trong khi cao nhất là Singapore với 22 năm và Nhật Bản là 20,8 năm. Ngay tại 46 nước châu Á, Việt Nam cũng chỉ đứng thứ 5 sau Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel.
"Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của nữ thêm 5 tuổi và nam thêm 2 tuổi là hoàn toàn khả thi khi nhìn vào số năm sống khỏe mạnh sau độ tuổi 60. Như vậy, khả năng làm việc của người cao tuổi Việt Nam sau độ tuổi 60 thuộc top đầu châu Á và mức khá trên thế giới", ông Giang nhận định.
Về lộ trình, ông Giang đánh giá, vừa quan Ban soạn thảo chỉ còn thống nhất một phương án đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu là từ ngày 1/1/2021, mỗi năm tăng 3 tháng với nam, 4 tháng với nữ để tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 tuổi vào năm 2035, tuổi nghỉ hưu của của nam là 62 vào năm 2028.
"Với lộ trình này, chúng ta sẽ có khoảng 8 năm đối với nam để nghỉ hưu ở độ tuổi 62, còn với nữ sẽ mất 15 năm để bắt đầu tuổi nghỉ hưu ở độ tuổi 60. Như vậy, lộ trình khá dài, tạo bước đệm để không gây sốc cho người lao động", ông Giang khẳng định.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ song hành
Theo đại diện Vụ Bảo hiểm xã hội, nhiều nghiên cứu chỉ ra tằng, tăng tuổi nghỉ hưu có nhiều hiệu ứng tích, nhất là góp phần chủ động ứng phó với vấn đề thiếu hụt lao động trong tương lai không xa. Thống kê cho thấy, giai đoạn 2010 - 2015, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,2 - 1,5 triệu người bước vào độ tuổi lao động, thì đến giai đoạn 2015- 2020 số này chỉ còn khoảng 800 nghìn người, dự báo từ năm 2020 - 2025 con số này tiếp tục giảm.
Tuy nhiên, theo ông Giang, không chỉ Việt Nam mà ở các quốc gia khác việc tăng tuổi nghỉ hưu chưa bao giờ là điều dễ dàng do khó nhận được sự đồng thuận của người dân.
Do đó, theo ông Giang bên cạnh việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần thiết kế nhiều giải pháp đồng bộ song hành. Một trong số đó là chính sách bảo hiểm thất nghiệp không chỉ hỗ trợ người lao động khi bị thất nghiệp mà phải hỗ trợ doanh nghiệp duy trì việc làm, tránh sa thải lao động.
Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp phải có hỗ trợ tài chính để sắp xếp, bố trí lại lao động, tiếp tục sử dụng lao động trung niên và cao tuổi như hỗ trợ một phần tiền lương hoặc đóng bảo hiểm xã hội cho những lao động này để giảm chi phí cho doanh nghiệp.
"Nếu mỗi lao động thuộc nhóm tuổi cao được hỗ trợ 500.000 đồng một tháng hoặc 6 triệu đồng một năm, thì chỉ cần 3.000 tỷ hỗ trợ từ quỹ đã có thể giúp cho nửa triệu lao động tiếp tục làm việc", ông Giang phân tích.
Đối với các công chức lãnh đạo ở các cơ quan quản lý nhà nước, ông Giang kiến nghị chính sách cán bộ cần được sửa đổi. "Liệu có nên có quy định chỉ giữ chức vụ đến 60 tuổi thôi, 2 năm còn lại không giữ chức mà có nghĩa vụ chuyển giao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho cán bộ trẻ, giữ cho sự liền mạch của các chính sách trong lĩnh vực phụ trách trước đây", ông Giang đề xuất.
Đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trong trường học, theo ông Giang cũng còn nhiều vấn đề cần giải quyết ngoài chuyện dạy chữ, ví dụ có trẻ tăng động, có trẻ tự kỷ, có trẻ khiếm khuyết về ngôn ngữ, có trẻ hạn chế về năng lực tư duy…Do vậy, với các giáo viên lớn tuổi có đủ kiến thức và kinh nghiệm, nếu cần đào tạo, bồi dưỡng thêm cho họ để đảm nhận được công việc.
Hơn hết, ngành giáo dục phải vào cuộc, bố trí lại lao động, tổ chức lại công việc, đáp ứng nhu cầu đa dạng của trẻ và gia đình trẻ, và cũng là thúc đẩy chất lượng giáo dục tốt lên.
Post a Comment