Tin vui cho lao động Việt Nam khi Nhật Bản đã chính thức thông qua Luật Quản lý xuất nhập cảnh và chấp nhận tị nạn sửa đổi, trong đó quy định cho phép tiếp nhận lao động nước ngoài vào Nhật Bản theo tư cách lưu trú "kỹ năng đặc định".
Lao động đặc định là tên chương trình Visa cấp cho lao động đặc thù, có chuyên môn, kỹ năng cao. Lao động này có tư cách lưu trú như người lao động Nhật Bản, nên sẽ được hưởng chế độ lương, phúc lợi như lao động Nhật Bản.
Theo bà Trần Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin truyền thông, Cục Quản lý lao động ngoài nước, (Bộ Lao động, thương binh và xã hội), có 2 loại lao động đặc định. Loại lao động "kỹ năng đặc định số 1" là những người có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm nhất định và phải có trình độ tiếng Nhật N4 để đáp ứng được ngay các công việc tại Nhật Bản. Thời hạn lưu trú tại Nhật Bản tối đa 5 năm, được phép thay đổi nơi làm việc (nhưng không được mang theo gia đình, vợ/chồng hoặc con cái).
Lao động "kỹ năng đặc định số 2" là những lao động trải qua "kỹ năng đặc định số 1" thi đỗ kỳ thi được xác định là có tính chuyên môn cao và có thể đáp ứng công việc đòi hỏi kỹ năng điêu luyện hơn. Hiện chỉ áp dụng cho 2 nghề là xây dựng và đóng tàu. Thời hạn lưu trú cho lao động này cũng được căn cứ theo thời gian hợp đồng.
Tổng cục Quản lý lưu trú xuất nhập cảnh sẽ gia hạn visa từ 1 đến 3 năm cho mỗi lần xin gia hạn. Lao động kỹ năng đặc định số 2 sẽ được mang theo gia đình trong thời gian làm việc tại Nhật Bản. Người lao động được hưởng các chế độ lao động, lương, bảo hiểm y tế... như với người bản địa.
"Mặc dù vừa triển khai chương trình đưa lao động đặc định đi làm việc ở Nhật, nhưng đã có một số công ty rục rịch tuyển lao động với lời giới thiệu mức lương là 4.000-5.000 USD, kèm theo chế độ phúc lợi và được đem theo gia đình, vợ con. Tuy nhiên, chỉ có các công ty phái cử được Bộ Lao động, thương binh và xã hội cấp phép mới có quyền thẩm định cấp phép cho lao động này đi làm việc tại Nhật Bản", bà Vân Hà lưu ý.
Để siết chặt việc tuyển dụng, xuất khẩu lao động với đối tượng lao động đặc định (visa đặc định), mới đây phía Nhật Bản và Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ hợp tác (MOC). Theo đó, phía Nhật Bản chỉ tiếp nhận lao động "kỹ năng đặc định" người Việt Nam sau khi người lao động đã thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật Việt Nam và có tên trong "Danh sách xác nhận".
Theo ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, (Bộ Lao động, thương binh và xã hội), việc tuân thủ MOC sẽ giúp loại trừ các trung gian xấu và các hoạt động trái pháp luật liên quan đến lao động kỹ năng đặc định. MOC quy định cụ thể đối tượng được tham gia cấp visa đặc định.
Cụ thể, ngoài những lao động có chuyên môn kỹ thuật cao tại Việt Nam, có 2 đối tượng đang cư trú tại Nhật có thể tham gia lao động đặc định đó là thực tập sinh kỹ năng hết thời gian thực tập và du học sinh đã kết thúc quá trình du học, hoặc ít nhất là sau 2 năm tham gia các chương trình này.
"Mọi vấn đề chi phí, đi lại, thi tiếng, thi chuyên môn sẽ do Nhật Bản hỗ trợ và được phía Việt Nam giám sát để tránh những phát sinh bất lợi cho người lao động. Văn bản MOC được ký kết để hạn chế những cá nhân, lợi dụng việc thực tập kỹ năng đưa lao động sang làm việc như lao động đặc định", ông Nguyễn Thanh Liêm nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam MOC nhận định, việc thực hiện đúng chương trình kỹ năng đặc định vừa được 2 nước ký kết sẽ góp phần đảm bảo quyền lợi cho người lao động tham gia chương trình.
Đặc biệt, tuân thủ những cam kết trong MOC sẽ giúp thực hiện đúng chương trình, ngăn chặn các môi giới trung gian thiếu đạo đức, loại trừ những cá nhân trục lợi đưa người lao động sang Nhật Bản lao động trái pháp luật.
Post a Comment