Liên quan đến phòng cháy, chữa cháy có nhiều cái lỗi hệ thống từ lâu rồi, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương nói khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014- 2018", sáng 16/8.
Sau nhận xét này, ông Vương nói đến thực trạng đô thị Hà Nội, từ giao thông, quy hoạch dân cư, đến chợ, nhà cao tầng... "Các đồng chí vừa xem clip chiếu về khu nhà cao tầng mới xây dựng, 7-8 khu nhà không có lối để cho xe phòng cháy, chữa cháy vào, thử hỏi triển khai công tác chữa cháy như thế nào, chưa nói đến vấn đề phòng ngừa", ông Vương nhấn mạnh.
Pháp luật về phòng cháy chữa cháy, theo Thư trưởng Vương cơ bản đã đầy đủ, điều quan trọng phải tập trung xây dựng các quy chuẩn để thực hiện, trong đó có quy chuẩn điều chỉnh một số loại hình đối với cơ sở mới xuất hiện, như chung cư mini, nhà dân kết hợp ở và sản xuất kinh doanh.
Vừa qua xảy ra cháy rất nhiều nhà dân đồng thời là cơ sở kinh doanh sản xuất nhỏ lẻ hoặc xen kẽ trong khu dân cư, ông Vương nói.
Đề cập kinh nghiệm các nước về phòng cháy chữa cháy đã được một số vị nhắc đến ở phần thảo luận trước đó, ông Vương ví dụ, ở Ấn Độ nhà cao tầng quy định là từ 20 tầng trở lên thì tầng 20, 21 là tầng để thoát nạn cho toàn bộ khu nhà. Khi xảy ra cháy nổ những người xung quanh theo các đường thoát và tập trung vào đó và ở đấy có các phương tiện thoát nạn cho mọi người.
Thứ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, qua điều tra nguyên nhân vụ cháy, khoảng 86% liên quan đến hệ thống điện, thiết bị điện và sơ suất khi dùng lửa, dùng xăng, trong đó 57% trở lên là do chập điện, do sử dụng điện để sản xuất, do hàn xì.
Nhấn mạnh tới đây phải bổ sung cơ chế quản lý, giám sát, lắp đặt thiết bị điện, ông Vương cho biết qua tham khảo thì ở Anh quản lý hộ dân cư là quản lý đến tận cái bóng điện. Một nhà được sử dụng 5 bóng điện, cùng với các thiết bị khác thì tương ứng với Atomat như vậy. Còn khi dùng quá là phải báo cáo, không được tuỳ tiện. Không như ở Việt Nam thích thêm vài 3 bóng điện thắp sáng và hệ thống này, hệ thống khác thì cứ thế trang bị.
Vấn đề khác được ông Vương nhấn mạnh là phải xử lý trách nhiệm quản lý nhà nước về vấn đề phòng cháy chữa cháy mà trong Luật Phòng cháy, chữa cháy đã rất rõ, trong đó có trách nhiệm của chủ tịch ủy ban nhân dân các địa phương và vai trò của hội đồng nhân dân.
Cũng liên quan đến trách nhiệm, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga, thành viên đoàn giám sát cho rằng luật phòng cháy chữa cháy hiện hành rất tốt nhưng tất cả các chủ thể đều chấp hành không nghiêm.
Bà Nga phản ánh, trong quá trình giám sát, có một số bộ rất quan trọng chưa một lần bộ trưởng đến dự một cuộc làm việc nào của đoàn. Và đáng ngại nhất là nhiều bộ cử cán bộ đi họp theo kiểu "chạy tiếp sức", lần này thì ông Thứ trưởng này, lần khác thì ông vụ trưởng phụ trách mảng khác đi họp.
Ít ra một lần bộ trưởng phải đến nghe đoàn giám sát để biết mảng của mình hiện nay đang bức xúc như thế nào, bà Nga nhấn mạnh.
Về nguyên nhân xảy ra rất nhiều vụ cháy thời gian qua, Chủ nhiệm Lê Thị Nga nhận định là đến từ nhiều phía mà có những nguyên nhân bây giờ có kiến nghị cũng không làm được.
Ví dụ từ công tác quy hoạch, có những nơi ở thành phố Hà Nội, Tp.HCM không thể nào đập bỏ đi tất cả những khu vực, những nhà không có lối để cho xe chữa cháy vào hoặc nhà xây chưa thẩm định đã đi vào sử dụng.
Đề cập đến một ý kiến băn khoăn sau giám sát dân sợ không mua chung cư thì ảnh hưởng đến thị trường bất động sản bà Nga nhấn mạnh rằng ảnh hưởng cũng phải làm. Doanh nghiệp nào làm nhà không có lối để cho xe chữa cháy vào hoặc nhà xây chưa thẩm định đã đi vào sử dụng sau này dân không mua thì phải chịu và cần công khai ra để sau này dân không mua nữa, bà Nga nêu quan điểm.
Post a Comment