"Doanh nghiệp phải cân đối lại sản xuất, lên kế hoạch chứ không thể tăng giờ làm thêm lên mãi, tăng thêm là bước lùi, tôi không ủng hộ", Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, ông Phùng Văn Hùng bày tỏ quan điểm.

Chiều 6/8, Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội họp phiên toàn thể, cho ý kiến dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi.

Đây là dự thảo luật đã được thảo luận rất sôi nổi tại kỳ họp thứ bảy và ý kiến còn rất khác nhau về nhiều vấn đề, từ tăng tuổi nghỉ hưu đến tăng giờ làm thêm.

Phó chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội (cơ quan thẩm tra dự án luật) Bùi Sỹ Lợi cho biết, Uỷ ban này đã tổ chức tới 14 cuộc họp trên toàn quốc và thực hiện nhiều chuyến đi thực tế để thu thập ý kiến, hoàn thiện dự án luật. 

Và, qua nghiên cứu hàng trăm ý kiến đại biểu Quốc hội, đại diện các hiệp hội, tổ chức quốc tế và người lao động, hiện nay còn 8 nhóm vấn đề còn ý kiến khác nhau, trong đó có phạm vi điều chỉnh; khung thoả thuận thời gian làm thêm; tuổi nghỉ hưu; thời giờ làm việc bình thường; tổ chức đại diện cho người lao động; điều kiện và trình tự tiến hành đình công…

Về mở rộng khung thoả thuận thời gian làm thêm Chính phủ đề xuất tối đa đến 400 giờ/năm trong một số trường hợp đặc biệt.

Bộ luật Lao động hiện hành quy định số giờ làm thêm tối đa của người lao động là không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày, 30 giờ/tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm.

"Khi đi thực tế tại Bình Dương, tôi thấy các cháu công nhân xanh xao vàng vọt đề nghị được làm thêm giờ để có thêm thu nhập, nếu không thì không đủ sống, không đủ nuôi con. Chúng tôi cũng khuyên các cháu phải suy nghĩ, nếu làm quá nhiều, sinh ốm đau thì lấy tiền đâu chữa bệnh", Phó chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi nói tại phiên họp.

Quan điểm của Phó chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi là quy định theo hướng cho phép mở rộng thêm 100 giờ làm thêm so với quy định cũ, nhưng chỉ trong một số ngành nhất định. Đồng thời, tiền lương làm thêm cần được tính luỹ tiến.

"Hiện chúng tôi đưa ra hai phương án cho cách tính tiền lương luỹ tiến để xin ý kiến. Thứ nhất là tính ngay từ giờ đầu tiên, ngày đầu tiên làm thêm, thứ hai là tính từ giờ thứ 301 trở đi cho đến giờ thứ 400", ông Lợi cho biết thêm.

Theo đại biểu Giàng A Chu, Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc thì quy định về làm thêm giờ phải cân nhắc đồng thời với vấn đề năng suất lao động và nhu cầu thực tế của đơn vị sử dụng lao động.

"Tôi cho là nên cho phép khung giờ lao động làm thêm tối đa là 300 giờ. Cách tính lương làm thêm giờ như hiện nay là phù hợp điều kiện kinh tế xã hội rồi, không cần sửa đổi thêm", ông Giàng A Chu phát biểu.

Về cách tính lương luỹ tiến cho giờ làm thêm, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong cho rằng nên tính theo ngày chứ không cộng dồn và cho biết "các nước cũng làm như vậy".

Nhắc đến hình ảnh cô công nhân xanh xao vẫn muốn làm thêm giờ được ông Lợi phản ánh, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế Phùng Văn Hùng bình luận "nếu chúng ta đồng ý với cô ấy thì chúng ta sẽ làm tổn thương đến sự bền vững của lực lượng lao động, vắt kiệt sức lao động".

Đại biểu Hùng cho rằng, phải xem lại lương tối thiểu, để người ta đủ sống. Doanh nghiệp phải cân đối lại sản xuất, lên kế hoạch chứ không thể tăng giờ làm thêm lên mãi. "Tăng thêm là bước lùi, tôi không ủng hộ", ông Hùng nêu rõ quan điểm.

Liên quan đến đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, các ý kiến vẫn chưa ngã ngũ, rất nhiều ý kiến đề nghị nêu rõ danh mục các loại công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, suy giảm khả năng lao động cần được nghỉ hưu sớm.

Phó chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong cho rằng  quy định tuổi nghỉ hưu cần gắn với đặc thù nghề nghiệp. "Như nghề than, 45 tuổi làm hết nổi rồi, chứ đừng nói 50 tuổi. Thể thao, cô nuôi dạy trẻ… cũng là những nghề đặc thù", ông Phong nêu ví dụ.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top