Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm quý 3 và 6 tháng cuối năm 2019.
Để thực hiện được mục tiêu kéo giảm từ 5-10% cả về số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông trong năm 2019 và những năm tiếp theo, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, đoàn thể chính trị-xã hội và địa phương thực hiện nghiêm kết luận của Ban Bí thư, nghị quyết của Chính phủ về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nghị quyết kỳ họp thứ 7 Quốc hội.
Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải thực hiện kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2019. Trong đó khẩn trương trình Chính phủ nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ và đường sắt theo hướng tăng nặng chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm về ma tuý, nồng độ cồn và các hành vi uy hiếp nghiêm trọng đến trật tự an toàn giao thông.
Đồng thời tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn giao thông đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, xử lý nghiêm vi phạm, đặc biệt là hành vi ép lái xe phải hoạt động quá thời gian làm việc theo quy định, là nguyên nhân dẫn đến vi phạm về ma tuý và ngủ gật, gây tai nạn giao thông.
Thủ tướng cũng yêu cầu tổ chức rà soát toàn bộ việc cấp phép và hoạt động của các phương tiện liên vận nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn, kiểm tra hoạt động của đơn vị kinh doanh và người lái phương tiện biển số nước ngoài trên địa bàn các tỉnh biên giới và Tp.HCM, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu xây dựng, kết nối, chia sẻ, liên thông toàn bộ dữ liệu (trừ các thông tin mật) về vận tải, đăng kiểm, đào tạo, sát hạch cấp (kể cả thu hồi) giấy phép lái xe trong các cơ quan quản lý nhà nước để phục vụ quản lý giao thông vận tải ở cả trung ương và địa phương, trước hết là ngành công an, giao thông vận tải, y tế, tài chính.
Chuyển hẳn sang phương pháp "xử lý nguội"
Thủ tướng giao Bộ Công an tăng cường tuần tra kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, đặc biệt tập trung vào các hành vi lái xe vi phạm về nồng độ cồn, ma tuý; vi phạm quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy; không thắt dây an toàn khi ngồi trên ô tô, sử dụng điện thoại khi lái xe, vi phạm các quy tắc an toàn khi tham gia giao thông.
Mở các cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông vào các thời gian phức tạp về an toàn giao thông (mùa nghỉ hè, nghỉ mát, tháng An toàn giao thông, Tết dương lịch, Tết Nguyên đán…). Chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tổ chức điều tra, xác minh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân mua, bán giấy phép lái xe giả, mua bán giấy khám sức khỏe.
Bộ Công an được yêu cầu xây dựng, kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu dùng chung về trật tự an toàn giao thông (trừ các thông tin mật) với các cơ quan quản lý khác để phục vụ quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông ở cả Trung ương và địa phương, trước hết là ngành Công an, Giao thông Vận tải, Y tế, Tài chính đầu tư, nâng cấp hoàn thiện hệ thống thông tin chỉ huy và hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên các quốc lộ trọng điểm và một số tuyến đường bộ cao tốc.
Yêu cầu tiếp theo với ngành công an là tập trung nâng cao năng lực, hiệu lực của lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, xây dựng lực lượng thực thi công vụ "nghiêm minh - liêm chính - thân thiện", có giải pháp hiệu quả và khả thi về phòng chống tiêu cực, tham nhũng và lợi ích nhóm trong quá trình thực thi công vụ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong giám sát, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông. Khẩn trương và quyết liệt chuyển hẳn sang phương pháp "xử lý nguội" để thay thế phương pháp tuần tra, xử lý trực tiếp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ mới trong kỷ nguyên số để giải quyết thật bài bản vấn đề này.
Theo thông báo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện đồng bộ các giải pháp khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng, phát triển các hình thức giao thông phi cơ giới thân thiện với môi trường, quản lý sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân đặc biệt là trong các khu vực trung tâm đô thị đang có ùn tắc giao thông, quản lý chặt chẽ về quy hoạch đô thị và hoạt động xây dựng. Bảo đảm việc đầu tư, xây dựng mới hoặc điều chỉnh, sắp xếp các khu công nghiệp, đô thị, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện... trong các đô thị phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng; chấm dứt tình trạng cấp phép xây dựng nhà cao tầng gây quá tải hạ tầng giao thông xảy ra ở nhiều địa phương trong thời gian vừa qua.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn và xử lý hành vi quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái trên xe buýt và các địa điểm đông người.
UBND thành phố Hà Nội, Tp.HCM và các đô thị trực thuộc Trung ương tăng cường thực hiện các giải pháp đột phá về chống ùn tắc giao thông; tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ để khuyến khích người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân; nghiên cứu thí điểm kiểm tra khí thải và kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện đối với mô tô, xe máy; quản lý nghiêm việc thực hiện quy hoạch và trật tự xây dựng đô thị, đánh giá tác động giao thông trước khi phê duyệt dự án đầu tư công trình xây dựng lớn trong khu vực nội đô.
Post a Comment