Thị trường ví điện tử đến hết quý 1/2019 có 27 doanh nghiệp (được cấp phép) cung cấp dịch vụ nhưng 90% thị phần cả giá trị và số lượng giao dịch thuộc về 5 công ty trung gian thanh toán, đặc biệt, cả 5 doanh nghiệp này đều có sở hữu vốn nước ngoài từ 30% cho đến trên 90%.
Thực tế trên, theo Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước, đang đặt ra quan ngại lớn đối với cơ quan quản lý và Chính phủ, dẫn đến nguy cơ thao túng thị trường vào tay doanh nghiệp nước ngoài, đi cùng đó là các dữ liệu quan trọng về dân cư, an ninh quốc gia.
Ai dẫn dắt cuộc chơi?
Chưa một tổ chức độc lập nào công bố xếp hạng thị phần của doanh nghiệp ví điện tử tại Việt Nam, tuy nhiên, căn cứ trên mức độ phổ biến, từ số liệu thuê bao và thị phần mà chính các doanh nghiệp ví điện tử công bố thì MoMo của Công ty Cổ phần Dịch vụ Di Động Trực tuyến (M_Service) đang là ví điện tử có thị phần lớn nhất.
Cuối năm 2018 công ty này cho biết đã tiếp cận gần 10 triệu người dùng và gấp khoảng hai lần so với năm 2017 và là ví điện tử được đăng ký nhiều nhất trong năm và là ví điện tử có thị phần lớn nhất. Về khối lượng giao dịch, MoMo đã tăng hơn 3 lần trong năm 2018. Đầu năm 2019, M_Service công bố đã gọi vốn thành công từ Công ty quản lý Quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân Warburg Pincus đầu tư vốn lần thứ 3 (Series C) tuy nhiên giá trị đầu tư đã không được tiết lộ.
Trước đó, đầu năm 2016, ví điện tử MoMo đã nhận khoản đầu tư 28 triệu USD của hai đối tác ngoại, gồm Goldman Sachs 3 triệu USD và Standard Chartered Private Equity là 25 triệu USD. Goldman Sachs năm 2013 đã đầu tư 5,75 triệu USD vào MoMo và trở thành cổ đông chiến lược của MoMo. Sau hai đợt đầu tư, Goldman Sachs đã rót 8,75 triệu USD vào MoMo.
Theo tìm hiểu, tính đến thời điểm tháng 11 năm 2018, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại M_Service đã tăng lên 63,8% từ mức 47,27%. Các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào M_Service là các quỹ đầu tư. Tại thời điểm tháng 11/2018, vốn điều lệ của M_Service là 112,2 tỷ đồng, trong đó, E-Mobile VN Investments SIBV nắm 25,51% vốn và là nhà đầu tư nước ngoài sở hữu nhiều cổ phần nhất tại Fintech này, Standard Chartered Private Equity sở hữu 17,9%.
Ngoài MoMo còn có ZaloPay của Công ty Cổ phần VNG, GrabPay by Moca (ví điện tử hợp tác giữa Công ty Cổ phần Công nghệ và Dịch vụ Moca và Grab) cũng được đánh giá là những ví điện tử nằm trong top có thị phần lớn nhất, trong đó ZaloPay được cho đã sở hữu 16% thị phần ví điện tử tính đến cuối năm 2018.
Đặc biệt hơn, các ví điện tử này đều trực tiếp hoặc gián tiếp (thông qua công ty mẹ) đều có sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
"Tinh thần là không… hồi tố"
Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước cho dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có đưa ra mức trần (room) sở hữu nhà đầu tư nước ngoài trong các công ty cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán là 30% hoặc 49%.
Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) trong một tọa đàm về Fintech mới đây cho biết, dự thảo ban đầu dự kiến tỉ lệ sở hữu của nước ngoài trong công ty trung gian thanh toán là 30%. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều quốc gia khác nhau và các hiệp ước quốc tế mà Việt Nam tham gia nên đã đưa ra hai phương án về tỷ lệ room ngoại là 30% hay 49%.
Theo số liệu từ Vụ Thanh toán, tính hết quý 1/2019, toàn thị trường hiện có 27 công ty trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử được cấp phép nhưng có tới 90% thị phần (cả số lượng lẫn giá trị giao dịch) đều nằm trong 5 công ty trung gian thanh toán lớn và các công ty này đều có tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 30% đến hơn 90%.
"Điều này đặt ra quan ngại lớn đối với cơ quan quản lý và Chính phủ. Chúng tôi cũng nghiên cứu điều đó dẫn đến nguy cơ thao túng thị trường vào tay doanh nghiệp nước ngoài", ông Sơn cho biết.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là những ví điện tử có sở hữu trên 50% vốn đầu tư nước ngoài sẽ được ứng xử như thế nào? Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán Nghiêm Thanh Sơn cho biết, với những doanh nghiệp ví điện tử đã có tỷ lệ sở hữu trên 50% của nhà đầu tư nước ngoài thì tinh thần (mà ông được biết) là không "hồi tố". Điều này có nghĩa những ví điện tử (cụ thể như MoMo) sẽ vẫn giữ nguyên tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài mà không chịu ảnh hưởng quy định của nghị định mới.
"Tất nhiên đây mới đang là dự thảo, vẫn đang xin ý kiến nên chưa thể khẳng định được, mới chỉ là dự kiến như thế thôi", ông Sơn nói với VnEconomy về thông tin "không hồi tố".
Theo ông Nguyễn Hữu Tuất, Giám đốc điều hành của mPOS Việt Nam (trực thuộc tập đoàn NextTech) - đơn vị vừa sáp nhập với ví điện tử ViMo, cho rằng, việc xác định room với nhà đầu tư ngoại đối với doanh nghiệp Fintech cần căn cứ vào đặc thù của từng mô hình, vào hoạt động của từng doanh nghiệp - như ví điện tử đó hoạt động vì mục đích gì. Ngược lại, nếu cứ cố định thì khó giúp cho doanh nghiệp (Fintech trong nước) phát triển được.
Vì thế, theo ông Tuất, cơ quan quản lý không nên áp dụng công thức chung mà cần có điều kiện chi tiết hơn cho từng đặc thù. Vì điều quan trọng của Nhà nước là phải quản lý hoạt động đấy chứ không phải quản lý trên cổ đông, như thế sẽ hợp lý hơn, phù hợp với từng đặc thù và từng giai đoạn mà mình muốn thúc đẩy phát triển lĩnh vực, thúc đẩy được thanh toán không dùng tiền mặt.
Post a Comment