Đó là lưu ý của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị tổng kết năm học 2018 - 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sáng 6/8 tại Hà Nội.

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có những nhận định cụ thể về kết quả ngành giáo dục đạt được trong năm học vừa qua, cũng như vấn đề còn tồn tại, hạn chế.

Chất lượng nhân lực còn yếu trong những ngành mũi nhọn

Thủ tướng đánh giá, năm học vừa qua dù có nhiều thách thức nhưng ngành giáo dục đã đạt được nhiều kết quả tích cực. "Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy không có kỳ tích kinh tế hay bước nhảy vọt nào diễn ra mà không gắn với những đột phá về mặt giáo dục đào tạo, các nước muốn phát triển bền vững đều phải phát triển mạnh giáo dục đào tạo", Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, năm học vừa qua, hành lang pháp lý về giáo dục đã được hoàn thiện khá tốt, rõ ràng, như dự án Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục sửa đổi. Trong đó, một trong những điểm nhấn được quốc tế đánh giá cao là đã thực hiện phổ cập 99,98% số trẻ em trong độ tuổi được đến trường. Chất lượng đại trà và mũi nhọn của ngành giáo dục đều tăng, đứng thứ 2 Đông Nam Á về chỉ số phát triển bền vững, trong đó 5 chỉ tiêu ngành giáo dục đạt 91/100 điểm.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm nay đã công khai, minh bạch, nề nếp và chất lượng hơn hẳn năm ngoái. Cùng với đó, dù còn nhiều khó khăn nhưng cơ sở vật chất của ngành từ mầm non đến đại học đều được bổ sung, với trên 5.000 phòng học, 38 nghìn công trình nước sạch, 60 nghìn nhà vệ sinh đã được xây dựng.

Người dân tộc, người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được tạo điều kiện tiếp cận giáo dục tốt, chất lượng giáo viên nhìn chung tăng lên, nhất là trong bối cảnh tinh giản biên chế toàn quốc.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, quan trọng nhất là sự chuyển mình về nhận thức của cấp ủy, chính quyền, người dân đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo, đặc biệt là một số vùng trũng về giáo dục nay đã vươn mình lên và có chuyển biến tốt như Tây Nam Bộ…

Mặc dù không phủ nhận những điểm sáng của ngành giáo dục đã đạt được trong năm học qua, nhưng Thủ tướng cũng cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém của kỳ thi quốc gia và toàn ngành giáo dục.

Trước hết về công tác rà soát, sắp xếp hệ thống trường còn kém, thừa thiếu trường lớp. Việc sắp xếp các trường sư phạm nói chung đang còn chậm. Nhiều địa phương chưa quan tâm đến quỹ đất để thiết kế trường học, nhất là trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, thừa thiếu giáo viên cục bộ, nhất là giáo viên mầm non.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương chỉ bố trí đảm bảo giáo viên theo định mức quy định dẫn đến quá tải, giáo dục đạo đức lối sống chưa đúng mức và giáo dục kỹ năng mềm còn hạn chế.

"Dạy chữ được quốc tế đánh giá cơ bản tốt, nhưng dạy đạo đức, dạy làm người còn bất cập, chưa dành thời lượng, chương trình cần thiết cho giáo dục đạo đức lối sống. Vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên vi phạm lối sống, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của người Việt, một bộ phận giáo viên sa sút đạo đức nhà giáo, gây bức xúc trong xã hội", Thủ tướng nêu rõ.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng cho rằng, hiện nay chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, và yếu trong những ngành mũi nhọn như du lịch, công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao…dù rất cần nhưng đào tạo lại chưa đáp ứng được.

Kiên quyết đóng cửa trường kém chất lượng

Trước những tồn tại như trên, Thủ tướng đã gợi mở nhiều giải pháp cho ngành giáo dục, trong đó nhấn mạnh việc địa phương phải rà soát lại quy hoạch mạng lưới trường lớp, nhất là hệ thống các trường mầm non, phổ thông, tạo điều kiện cho con em và người dân. Đặc biệt, địa phương phải bố trí đủ quỹ đất để xây dựng hệ thống trường học, giải quyết dứt điểm việc thiếu trường lớp ở các khu công nghiệp.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh sắp xếp các trường sư phạm, tập trung vào các trường sư phạm trọng điểm, các trường khác có lộ trình làm vệ tinh trong bồi dưỡng giáo viên cho địa phương. Trong đó, Thủ tướng chỉ rõ, trường sư phạm phải đào tạo ra nhà giáo dục chứ không phải là thợ dạy.

Các cơ sở giáo dục đại học phải rà soát lại những điều kiện tự chủ, sắp xếp mạnh mẽ hơn để đảm bảo chất lượng và các điều kiện cho phát triển. Đối với những trường hiện nay không đảm bảo chất lượng, "hữu danh vô thực", hạ điểm chuẩn, vơ vét sinh viên, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo thanh tra.

Theo Thủ tướng, xã hội hóa giáo dục là cần thiết nhưng chất lượng là rất quan trọng, do đó phải kiên quyết đóng cửa những cơ sở kém chất lượng. Thủ tướng cũng yêu cầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo có lộ trình đóng cửa với những trường kém kéo dài, kiểm tra và dừng đào tạo các ngành đào tạo không hiệu quả và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chấn chỉnh.

Về giáo viên, Thủ tướng yêu cầu địa phương phải rà soát, sắp xếp lại đội ngũ này theo hướng khắc phục tình trạng thừa thiếu cục bộ như hiện nay. Đồng thời, có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên đảm bảo tiêu chuẩn để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Tiếp tục rà soát tinh gọn hiệu quả đội ngũ phục vụ tại các trường học.

Trước thềm năm học mới sắp đến, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh sinh viên, nhất là vai trò của gia đình - nhà trường và xã hội, trong đó nhà trường đóng vai trò trung tâm. Thủ tướng đồng thời đưa ra yêu cầu cụ thể cho các bộ, ban, ngành đoàn thể liên quan nhằm làm tốt vấn đề này.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý thêm cần có giải pháp tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện tự chủ đại học, trong đó có vấn đề hội đồng trường. Nghiên cứu cơ chế thí điểm trường mầm non, phổ thông có điều kiện thực hiện tự chủ chi thường xuyên, trong đó lưu ý không phải vì tự chủ mà bị thị trường chi phối, bỏ qua các nguyên lý giáo dục mà Đảng, Nhà nước, Bác Hồ đã đưa ra, quan tâm đến giáo dục miền núi, phát huy vai trò của các hội khuyến học…

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top