Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, Bộ này vừa ban hành các thông tư quy định giá khám, chữa bệnh theo mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng.

Cụ thể, Thông tư số 13/2019/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 39/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp.

Thông tư số 14/2019/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 37/2018/TT-BYT quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh chữa bệnh trong một số trường hợp.

Ông Liên khẳng định, 2 thông tư được ban hành so với Thông tư 37 và Thông tư 39 thì không thay đổi cơ cấu giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà chỉ thay đổi mức lương cơ sở tính vào giá dịch vụ từ 1,39 triệu đồng sang mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng.

Theo đó, mức giá khám bệnh, ngày giường được điều chỉnh tăng bình quân 4,4%, giá các dịch vụ kỹ thuật y tế tăng 1,1%.

Đối tượng nào chịu tác động lớn nhất ?

Đánh giá tác động của việc ban hành thông tư, ông Liên cho biết, Tổng cục Thống kê dự kiến việc thực hiện mức giá theo lương cơ sở 1,49 triệu đồng sẽ tác động làm tăng CPI tháng 8 khoảng 0,2% đến 0,3%.

Về khả năng cân đối quỹ bảo hiểm y tế, từ số liệu đánh giá của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Y tế đã đánh giá việc điều mức lương lên 1,49 triệu đồng thì vẫn bảo đảm khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế.

Đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế xã hội khó khăn, người dân sinh sống tại huyện đảo, xã đảo; người có công với cách mạng, đối tượng chính sách thuộc diện được ngân sách Nhà nước và các nguồn tài chính khác mua thẻ bảo hiểm y tế... việc điều chỉnh dự kiến không bị ảnh hưởng

Đối với người cận nghèo, tỷ lệ đồng chi trả là 5% nên mức độ tác động không đáng kể. Các đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế phải đồng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thì có bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ không nhiều.

Mặt khác, với người tham gia bảo hiểm y tế từ 5 năm liên tục trở lên đi khám chữa bệnh đúng tuyến, khi số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở.

Do vậy, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo mức lương 1,49 triệu đồng tạo điều kiện cho các trường hợp này được thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hơn khi thực hiện mức giá theo Thông tư 39 (từ 8,34 triệu đồng lên 8,94 triệu đồng).

Ngoài ra, với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, việc điều chỉnh giá lần này vẫn chưa kết cấu chi phí quản lý theo lộ trình giá dịch vụ công quy định tại Nghị định 16/NĐ-CP. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá cũng góp phần tăng nguồn thu cho các cơ sở y tế cũng như các bệnh viện có nguồn kinh phí để trả lương theo mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng.

Bộ Y tế cho biết, Thông tư 13/2019/TT-BYT có hiệu lực thi hành từ ngày 20/8/2019. Do chỉ thay đổi mức giá nên các bệnh viện chỉ phải cập nhật lại mức giá theo quy định của thông tư là có thể triển khai thực hiện.

Với Thông tư 14/2019/TT-BYT, đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế và các bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện hạng I thuộc các Bộ, cơ quan trung ương thì Bộ Y tế sẽ quyết định mức giá để các đơn vị thực hiện.

Trường hợp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc địa phương quản lý như Sở Y tế, Sở Tài chính thì báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh để trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức giá và thời điểm thực hiện.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top