Kể từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có 3 lần giảm lãi suất điều hành với biên độ mỗi lần giảm đều khá lớn. Biến động của lãi suất trên thị trường tiền tệ tuy là tác động gián tiếp nhưng lại rất nhạy cảm đối với thị trường chứng khoán. Không chỉ kích cầu tín dụng, hạ lãi suất còn là yếu tố góp phần thúc đẩy thị trường chứng khoán.
Vậy kịch bản nào cho mặt bằng lãi suất cho vay, lãi suất huy động thời gian tới, đâu là hướng đi an toàn cho dòng tiền của nhà đầu tư? VnEconomy đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh - Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc đầu tư Công ty Cổ phần Quản lý quỹ PVI (PVIAM) quanh vấn đề này.
LÃI SUẤT VẪN CÓ DƯ ĐỊA GIẢM THÊM
Mới đây, một số ngân hàng đã có động thái giảm lãi suất cho vay, theo ông, với mặt bằng lãi suất như hiện nay, liệu còn có dư địa để tiếp tục kích thích kinh tế? Từ nay đến cuối 2021, ông dự báo xu hướng lãi suất sẽ được điều chỉnh thế nào?
Cả lãi suất điều hành, lãi suất huy động và lãi suất cho vay đều đã giảm kể từ cuối 2019. Theo thống kê của chúng tôi, lãi suất huy động trung bình đã giảm ~2,2% so với mức đỉnh vào quý 4/2019. Lợi nhuận lãi biên (NIM) trong quý 3 của các ngân hàng thương mại ít thay đổi so với 2 quý đầu năm nên có thể suy ra được rằng lãi suất cho vay trung bình cũng giảm tương ứng khoảng 2,2%.
Để kích thích kinh tế thì mục tiêu quan trọng nhất là giảm lãi suất cho vay. Muốn làm được việc này ngoài việc người gửi tiền phải chấp nhận giảm thu nhập (do lãi suất huy động giảm) thì các ngân hàng thương mại cũng phải cùng chia sẻ khó khăn.
Với số liệu NIM ít thay đổi, có thể thấy sự chia sẻ này từ các ngân hàng thương mại vẫn còn chậm.
Về lãi suất huy động, tôi cho rằng vẫn có thể giảm thêm dù dư địa giảm không thể bằng như 9 tháng đầu năm. Tôi tự tin vào năng lực kiểm soát lạm phát xấp xỉ ở khoảng 3% đến tối đa 3,5% trong 3-5 năm tới. Cán cân thanh toán sẽ tiếp tục thặng dư, trực tiếp tạo nguồn cung ngoại tệ để ổn định tỷ giá và hỗ trợ thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Với mặt bằng huy động của ngân hàng nhóm dẫn đầu hiện ~5% và nhóm 2 là ~6%, lãi suất huy động có thể giảm thêm 0,3%-1% trước khi đi vào trạng thái ổn định kéo dài.
Việc một số ngân hàng lớn vừa đưa ra các gói cho vay lãi suất thấp, chỉ từ 5-7% là một tín hiệu đáng mừng. Đây sẽ là khởi đầu cho một đợt giảm lãi suất cho vay rộng rãi hơn và tôi rất kỳ vọng nó có thể kéo dài cùng với xu hướng giảm của lãi suất huy động.
Dòng tiền lớn đổ vào chứng khoán trong thời gian qua được cho là do lãi suất tiền gửi giảm mạnh, số lượng nhà đầu tư trong nước mở mới tài khoản ngày một tăng, nhiều người ví thị trường chứng khoán có nhiều cơn "lên đồng" với sự hưng phấn quá đà của nhà đầu tư mới. Góc nhìn của ông về hiện tượng này thế nào?
Số lượng tài khoản mở mới và sự tham gia của những người lần đầu tiên tham gia thị trường (F0) đã được nhắc đến từ tháng 3, khi các chỉ số chứng khoán giảm mạnh. Sự tham gia của nhóm F0 vì vậy ít liên quan đến xu hướng lãi suất mà phần nhiều vì cơ hội mua chứng khoán giá rẻ. Đến khi các chỉ số chứng khoán tăng liên tục sau đó thì vai trò của các nhà đầu tư chuyên nghiệp trong nước mới rõ ràng hơn.
Ở nhóm nhà đầu tư này, lãi suất giảm chỉ là một trong rất nhiều lý do để tham gia thị trường. Với những nhà đầu tư F0 tham gia ở giai đoạn sau (do sức hút của đà tăng chỉ số) thì tôi cho rằng không thể "cuồng nhiệt" như thời điểm đầu năm 2018 hay xa hơn là 2006-2007.
Thị trường đi lên luôn là "win-win" cho tất cả các thành viên thị trường, từ nhà đầu tư đến doanh nghiệp hay cơ quan quản lý. Tuy nhiên, nếu so sánh với thời điểm VN-Index đạt 950 điểm trong năm 2019 thì mức 950 điểm của 2020 rõ ràng rất khác. Năm 2019 là năm thứ 2 VN-Index tích lũy để chuẩn bị cho một đợt bứt phá mới nhờ triển vọng kinh tế ngày một sáng sủa. Năm 2020 hoàn toàn ngược lại khi các dự báo tăng trưởng liên tục bị điều chỉnh theo hướng giảm dần.
Phải thừa nhận rằng trong một vài tháng qua, thị trường chứng khoán đã gần như đứt mạch với nền tảng vĩ mô, ở Việt Nam cũng như nhiều thị trường chứng khoán khác. Tâm lý đám đông sẽ luôn tạo ra những thời điểm thái quá, bi quan quá hoặc hưng phấn quá.
Việc nhận xét thị trường trong một vài tuần, thậm chí một vài tháng là không khả thi bởi khó có thể nắm bắt tâm lý thị trường cũng như những cách thức tác động đến tâm lý đó. Nhưng xét cho cùng, nền tảng cơ bản sẽ vẫn luôn là nhân tố quyết định đến xu hướng. Tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp về dài hạn sẽ luôn phải đi cùng tăng trưởng kinh tế và giá của cổ phiếu sẽ phụ thuộc chủ yếu vào lợi nhuận của doanh nghiệp. Yếu tố chi phí vốn (lãi suất) chỉ là thứ yếu.
Tôi cho rằng VN-Index đang thiết lập mặt bằng giá mới và đi vào giai đoạn tích lũy như 2018-2019. Sự "lên đồng" nếu có sẽ phải nhường chỗ cho sự tỉnh táo và cẩn trọng hơn của nhà đầu tư. Về dài hạn, ví dụ như năm 2025, tôi luôn tin vào sự đi lên của VN-Index nhờ kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc nhanh sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Nhưng VN-Index của 2021 chắc chắn sẽ chưa thể phản ánh triển vọng của 2025.
Còn dòng vốn khối ngoại vào chứng khoán thì thế nào, thưa ông?
Nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 30,2 nghìn tỷ đồng khớp lệnh trên HSX trong 10 tháng 2020, là mức cao nhất trong lịch sử (10 tháng 2018 giá trị này mới chỉ là 16 nghìn tỷ). Dịch bệnh và bầu cử tổng thống Mỹ luôn là hai rủi ro chính khiến giới đầu tư quốc tế hạn chế tìm cơ hội tại các thị trường mới nổi và cận biên (trong đó có Việt Nam). Xu hướng này cũng sẽ khó cải thiện sau bầu cử.
Nếu ông Donald Trump tái cử, kinh tế Mỹ sẽ có cơ hội phục hồi nhanh hơn và vì vậy giới đầu tư sẽ chỉ tập trung vào thị trường Mỹ như đã từng xảy ra sau bầu cử 2016. Nếu ông Biden thắng cử, viễn cảnh tăng trưởng của Mỹ sẽ xấu đi và kết hợp với dịch bệnh, giới đầu tư càng có lý do để thận trọng với thị trường mới nổi.
LÃI SUẤT GIẢM, CÓ TIỀN NÊN ĐẦU TƯ VÀO ĐÂU?
Vậy theo đánh giá của ông, kênh đầu tư nào là an toàn, hiệu quả cho nhà đầu tư trong bối cảnh hiện nay?
Một đơn vị truyền thông có tiếng gần đây đã có cuộc khảo sát người đọc về lựa chọn kênh đầu tư khi lãi suất giảm. Với trên 10 nghìn phản hồi, tỷ trọng lớn nhất là đầu tư bất động sản, thứ 2 là tiếp tục gửi tiền. Vàng và chứng khoán xấp xỉ ngang nhau, đứng vị trí thứ 3 và thứ 4. Ngoại tệ, trái phiếu và tiền số có tỷ trọng lựa chọn rất thấp.
Kết quả trên cho thấy một đặc tính khá phổ biến của người Việt Nam nói riêng và Châu Á nói chung đó là ưa thích bất động sản và rủi ro. Ngoài yếu tố văn hóa truyền thống, đây cũng có thể là kết quả của một nền dịch vụ tài chính cùng kiến thức tài chính chưa phát triển.
Tiền ảo rõ ràng là kênh đầu tư không nên khuyến khích bởi không có nền tảng giá trị rõ ràng và sự biến động giá khó lường. Ngoại tệ, mà cụ thể là USD, cũng không nên đầu tư do tỷ giá sẽ ổn định và lãi suất USD sẽ rất khó tăng trên 0%. Giá vàng biến động thường xuyên, khoảng cách lớn giữa giá mua với giá bán cùng với chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới là những bất lợi để coi vàng là một kênh đầu tư.
Ngược lại, trái phiếu doanh nghiệp với đặc tính là mang lại lợi tức cố định (từ 8%-12%/năm) có thể coi là một một kênh đầu tư hiệu quả và tương đối an toàn. Với đa số công chúng chưa đủ kiến thức tài chính, việc đầu tư trái phiếu có thể thực hiện gián tiếp qua các chứng chỉ quỹ đầu tư trái phiếu do công ty quản lý quỹ phát hành. Việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ sẽ có lợi tức thấp hơn mua trực tiếp nhưng bù lại rủi ro cũng được giảm bớt.
Dù có nhiều lợi ích như vậy nhưng vì thị trường trái phiếu chậm phát triển, trái phiếu hay chứng chỉ quỹ đầu tư trái phiếu vẫn còn rất xa lạ với công chúng. Hệ quả là nhiều người đã phải chấp nhận rủi ro cao vượt quá khả năng của mình để mong có mức sinh lời cao hơn tiền gửi tiết kiệm.
Chứng khoán (cổ phiếu) có rủi ro đặc trưng là biến động giá do thay đổi về yếu tố cơ bản và tác động thị trường. Những năm thị trường thuận lợi, đầu tư cổ phiếu mang lại mức sinh lời lớn và ngược lại. Việc định giá được doanh nghiệp không đơn giản và dự báo xu hướng giá trong ngắn hạn lại càng khó.
Vì vậy chứng khoán phù hợp làm "sân chơi" của các đầu tư chuyên nghiệp hơn là của công chúng. Công chúng có thể tham gia đầu tư chứng khoán thông qua các đơn vị trung gian là công ty quản lý quỹ. Tuy nhiên ngay cả khi thông qua công ty quản lý quỹ, công chúng cũng cần xác định trước khả năng chấp nhận rủi ro của mình trước để quyết định chọn cổ phiếu hay trái phiếu.
Post a Comment