Đại dịch Covid-19 khiến hàng triệu người trên toàn cầu phải làm việc tại nhà đã giúp dịch vụ họp video trực tuyến Zoom phát triển nở rộ hơn bao giờ hết. Kể từ khi đại dịch bùng phát, giá cổ phiếu Zoom trên sàn Nasdaq tăng vọt. Theo đó, tài sản của người sáng lập Eric Yuan tăng gần gấp đôi trong 3 tháng qua.
Kể từ khi xuất hiện trong danh sách 400 người giàu nhất tại Mỹ của Forbes (giá trị tài sản được tính đến ngày 24/7), tài sản của Eric Yuan đã tăng từ 11 tỷ USD lên 21,3 tỷ USD.
Với hoạt động kinh doanh phát triển ngoạn mục nhờ đại dịch, Zoom trở thành một trong những cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất từ đầu năm đến nay với mức tăng hơn 600%.
Đóng cửa phiên giao dịch 29/10, vốn hóa của Zoom đạt 139,28 tỷ USD, vượt qua mức 138,9 tỷ USD của đại gia dầu khí Exxon. So về doanh thu, trong 12 tháng qua, Zoom, có trụ sở tại California (Mỹ), ghi nhận doanh thu 1,35 tỷ USD, trong khi con số này của Exxon là 213,8 tỷ USD.
Kết quả kinh doanh quý 2 của Zoom đạt 663,5 triệu USD, vượt xa dự báo của các nhà phân tích (500,5 triệu USD). Công ty này dự báo doanh thu quý 3 đạt 690 triệu USD, đưa doanh thu cả năm lên gần 2,4 tỷ USD. Zoom nhận định "nhu cầu làm việc từ xa của các doanh nghiệp sẽ còn tăng mạnh hơn nữa".
Yuan không phải là người duy nhất giàu lên nhờ thành công của Zoom. Kelly Steckelberg, giám đốc tài chính của công ty từ năm 2017, cũng chứng kiến tài sản tăng mạnh. Bà lọt vào danh sách Phụ nữ Tự thân Giàu nhất công bố hôm 13/10 của Tạp chí Forbes với tài sản 225 triệu USD. Hiện tại, tài sản của bà Steckelberg đã tăng lên hơn 340 triệu USD.
Zoom chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên sàn Nasdaq vào tháng 4/2019, huy động được 751 triệu USD. Trước khi thành lập Zoom vào năm 2011, Eric Yuan là một trong những nhân viên đầu tiên của hãng cung cấp dịch vụ hội nghị trực tuyến WebEx Communications. Sau đó, ông làm việc cho Cisco Systems Inc. khi công ty này thâu tóm WebEx Communications với giá 3,2 tỷ USD vào năm 2007.
Trước khi thành công tại Thung lũng Sillicon với startup của riêng mình, doanh nhân người Trung Quốc từng bị Mỹ từ chối cấp thị thực tới 8 lần. Sau 2 năm bị từ chối, ông mới được đặt chân lên đất Mỹ và bắt đầu thực hiện giấc mơ của mình.
Tuy nhiên, đầu năm nay, cùng với sự tăng trưởng vượt bậc trong hoạt động kinh doanh, Zoom cũng hứng chịu hàng loạt chỉ trích từ nhiều công ty, chính trị gia và từ chính cổ đông của mình về vấn đề bảo mật và quyền riêng tư. Theo thống kê, có ít nhất 15.000 video cuộc họp từ Zoom bị tin tặc đánh cắp và phát tán trên mạng. Không chỉ vậy, Zoom còn vướng phải nghi ngờ gửi dữ liệu về Trung Quốc.
Post a Comment