Giá dầu đang trên đà hồi phục mạnh mẽ với rất nhiều tín hiệu tích cực. Giá dầu Brent trung bình năm 2021 được Công ty chứng khoán VnDirect giả định lên 60 USD/thùng, tăng 13,2% so với giả định trước đó (53 USD/thùng), qua đó sẽ có những tác động tích cực lên nhóm cổ phiếu ngành dầu khí.
"BỆ ĐỠ" TỪ NGUỒN CUNG
Theo VnDirect, giá dầu Brent đã leo lên mức 68 USD/thùng trong tháng 3, tăng 31,2% kể từ đầu năm 2021, và 58,1% so với giá dầu trung bình năm 2020 (~43 USD/thùng). Trong khi nhu cầu dầu toàn cầu vẫn chưa hồi phục hoàn toàn do nhiều quốc gia tiếp tục chính sách hạn chế đi lại do sự lây lan của các biến chủng mới. Do vậy, theo VnDirect, đà tăng của giá dầu chủ yếu được thúc đẩy bởi các yếu tố từ phía nguồn cung.
Cụ thể, thứ nhất là việc OPEC+ bất ngờ gia hạn cắt giảm sản lượng sau cuộc họp cấp Bộ trưởng trong tháng 3. Trong cuộc họp gần nhất vào ngày 3/4, các thành viên OPEC+ đã đồng ý gia hạn mức cắt giảm sản lượng hiện tại thêm 1 tháng nữa đến tháng 4, trong đó cho phép Nga và Kazakhstan tăng sản lượng ở mức không đáng kể, lần lượt là 130.000 và 20.000 thùng/ngày.
Ả Rập Xê Út cũng gia hạn việc cắt giảm sản lượng tự nguyện 1tr thùng/ngày đến tháng 4. Quyết định này gây ra nhiều bất ngờ khi thị thường kỳ vọng OPEC+ sẽ tăng dần sản lượng từ tháng 4, cho thấy quyết tâm của tổ chức trong việc hỗ trợ cho đà tăng vững chắc của giá dầu.
Tiếp đến là giá lạnh kỷ lục tàn phá sản lượng dầu thô của Mỹ trong quý 1/2021. Trong đợt lạnh vào tháng 2, tổng sản lượng dầu thô của Mỹ giảm gần 40%, tương đương hơn 4 triệu thùng/ngày do giá lạnh kỷ lục làm đóng băng các giếng khoan trên khắp miền trung nước Mỹ, đặc biệt là ở Texas – bang sản xuất dầu mỏ lớn nhất nước Mỹ.
Các nhà máy lọc dầu dọc theo vịnh Mexico đã buộc phải ngừng sản xuất do tình trạng đóng băng và thiếu điện; và phải mất 2-3 tuần để các nhà máy này có thể hoạt động trở lại bình thường. Do đó, sự gián đoạn nguồn cung ngắn hạn tại Mỹ đã góp phần hỗ trợ cho đà tăng của giá dầu trong tháng 2 vừa qua.
Từ những lý do trên, VnDirect cho rằng, giá dầu Brent trung bình năm 2021 được điều chỉnh giả định lên 60 USD/thùng, tăng 13,2% so với giả định trước đó (53 USD/thùng) dựa trên: (1) kỳ vọng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu nhờ việc triển khai vắc xin và gói kích thích kinh tế của Mỹ, và (2) những tín hiệu tích cực hơn mong đợi từ phía nguồn cung. Theo đó, công ty chứng khoán này giả định giá dầu FO Singapore sẽ biến động cùng chiều với dầu Brent, đạt mức trung bình 340-350 USD/tấn trong năm 2021.
Ngoài ra, các yếu tố từ phía cầu cũng được xem sẽ là động lực chính cho sự phục hồi bền vững của giá dầu. Trong đó, tiêm phòng là chìa khóa cho sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu cũng như sự phục hồi của nhu cầu dầu thế giới. Thứ hai là gói kích thích tài khóa hỗ trợ cho nền kinh tế Mỹ. Gói hỗ trợ 1.900 tỷ USD, vừa được Quốc hội Mỹ thông qua ngày 10/03, có thể thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ, góp phần vào sự hồi phục chung của nền kinh tế toàn cầu.
VnDirect dẫn dự báo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) rằng, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 5,3 triệu thùng/ngày lên mức trung bình năm là 97,5 triệu thùng/ngày và sẽ đạt mức gần tương đương trước dịch là 100 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2021.
CỔ PHIẾU NÀO ĐƯỢC GỌI TÊN?
Những tín hiệu tích cực cho sự phục hồi của giá dầu, VnDirect cho rằng, đà tăng giá dầu có thể thúc đẩy các hoạt động Thăm dò và Khai thác Dầu khí tại Việt Nam, cung cấp những cơ hội việc làm tiềm năng cho các doanh nghiệp thượng nguồn như PVDrilling (PVD) hay PTSC (PVS).
Bên cạnh đó, một số công ty trung nguồn cũng có thể hưởng lợi từ giá dầu cao hơn như PVGas (GAS) do giá bán sản phẩm của công ty được tính theo giá dầu thế giới.
Ngược lại, tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp hạ nguồn (nhà máy sản xuất nhựa, phân bón) có thể bị thu hẹp do áp lực tăng của giá dầu.
Trước tác động của giá dầu, một số cổ phiếu được VnDirect vào nhóm tích cực như PVD, PVS, GAS.Trong đó, đối với PVD, được kỳ vọng hoạt động thăm dòvà khai thác dầu khí sẽ ấm lên nhờ giá dầu tăng, thúc đẩy nhu cầu, dẫn đến tăng hiệu suất sử dụng giàn khoan và giá thuê ngày. Tất cả các giàn khoan của PVD đã có hợp đồng trong 6 tháng đầu năm và kỳ vọng giá dầu tăng bền vững sẽ giúp triển vọng của công ty tươi sáng hơn và cải thiện tỷ suất lợi nhuận mảng khoan.
Với PVS, ảnh hưởng của đà tăng giá dầu có thể bị hạn chế với độ trễ do các hợp đồng của PVS trong các mảng cốt lõi (M&C, FSO / FPSO ..) thường kéo dài trong nhiều năm. Đối với các mảng khác như tàu dịch vụ và căn cứ cảng, PVS có thể hưởng lợi trực tiếp từ khả năng phục hồi của phí dịch vụ. Tuy nhiên, giá dầu cao hơn một cách bền vững có thể thúc đẩy tiến độ của các dự án thăm dò khí lớn (Cá Voi Xanh, Lô B - Ô Môn...) tại Việt Nam, tiềm ẩn giá trị backlog rất lớn đối với PTSC.
Còn Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS), theo VnDirect, do mô hình kinh doanh của GAS tương đối ổn định nhờ chính sách giá mua và bán khí đã được xác định (giá sàn bán khí ở mức cao hơn giữa 46% giá dầu FO và giá khí đầu giếng). Khi giá dầu tăng, GAS sẽ trực tiếp hưởng lợi từ giá bán khí bình quân (ASP) cao hơn (ngoại trừ đối với phần sản lượng bao tiêu, lợi nhuận sẽ được chuyển giao về cho ngân sách nhà nước) và giá bán LPG cao hơn.
Ở chiều ngược lại, đối với các nhà máy sản xuất phân bón, chi phí khí đầu vào chiếm 50-60% giá thành sản xuất. Do đó, tỷ suất lợi nhuận gộp của các công ty này có thể bị ảnh hưởng tiêu cực khi giá dầu tăng. Tuy nhiên, do giá phân bón trên thị trường trong nước và quốc tế đã tăng 20-30% so với đầu năm do giá nguyên liệu đầu vào tăng, nên có thể bù đắp phần nào tác động tiêu cực của việcgiá dầu tăng.
Ngoài ra, do nguyên liệu nhập khẩu chiếm ~ 75% nhu cầu đầu vào (PE, PET, PP, PVC...) nên các nhà sản xuất nhựa (BMP, AAA...) theo VnDirect, là khá nhạy cảm với sự biến động của giá nhựa nguyên liệu toàn cầu, vốn có diễn biến cùng chiều với giá dầu (nhựa nguyên liệu là sản phẩm của quá trình hóa dầu).
Post a Comment