Dự thảo Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025 vừa được Bộ Tài chính hoàn thiện và trình Chính phủ.

Trong đó, có nhấn mạnh: giai đoạn 2021-2025 phải tiếp tục hoàn thiện, bổ sung và đẩy nhanh việc xây dựng, triển khai quyết liệt các đề án cơ cấu lại để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Theo Bộ Tài chính, mặc dù có nhiều cố gắng trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020 nhưng kết quả tái cơ cấu chưa được như kỳ vọng đặt ra.

TÁI CƠ CẤU CHƯA ĐẠT KẾ HOẠCH 

Đánh giá về công tác triển khai thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020, Bộ Tài chính cho biết: đã có nhiều thay đổi về cơ chế chính sách trong 5 năm qua. Cụ thể là hệ thống các cơ chế chính sách pháp luật phục vụ quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đã được ban hành đầy đủ, đảm bảo chặt chẽ, công khai minh bạch, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước. Đặc biệt, đã tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, hạn chế thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.

Theo đó, 5 năm qua đã thực hiện cổ phần hóa được 180 doanh nghiệp, vượt chỉ tiêu đề ra là 137 doanh nghiệp. Tuy nhiên, kết quả không được như kỳ vọng vì mới chỉ có 39 doanh nghiệp cổ phần hóa theo kế hoạch, còn 89 doanh nghiệp chưa hoàn thành công tác cổ phần hóa.

Báo cáo cũng cho biết, theo kế hoạch được phê duyệt, tổng giá trị dự kiến bán cổ phần nhà nước cho các nhà đầu tư là 104.726 tỷ đồng tương đương 48% giá trị phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp phải cổ phần hóa trong giai đoạn này. Tổng giá trị thực tế bán được chỉ đạt 22.748 tỷ đồng, bằng 23% kế hoạch, tương đương 11% giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, tổng giá trị thu về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp từ công tác cổ phần hóa là 36.518 tỷ đồng, đạt 1,6 lần so với giá bán.

Cũng theo kế hoạch giai đoạn 2016-2020, Nhà nước sẽ thực hiện thoái vốn tại 348 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn nhà nước theo sổ sách là khoảng 60.000 tỷ đồng. Nhưng trong 5 năm qua mới triển khai thoái vốn được tại 106 doanh nghiệp, bằng 30% số doanh nghiệp phải thực hiện theo kế hoạch. Tổng giá trị vốn nhà nước theo sổ sách thoái được là 6.493 tỷ đồng, bằng 11% tổng giá trị phải thoái theo kế hoạch.

NÂNG CAO HIỆU QUẢ CỦA NHỮNG DOANH NGHIỆP "ĐẦU ĐÀN"

Trong dự thảo Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025 đã chỉ rõ, phải thực hiện nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước để có trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất hiện đại tương đương với các nước trong khu vực. 

Đáp ứng đầy đủ chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp, gắn chiến lược phát triển của doanh nghiệp nhà nước với chiến lược phát triển của ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế, để doanh nghiệp nhà nước trở thành lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội, dẫn dắt các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác cùng phát triển...

Thực hiện các biện pháp sắp xếp, cơ cấu lại, đổi mới hệ thống doanh nghiệp nhà nước theo hướng có cơ cấu hợp lý, hình thức hoạt động phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời đảm bảo phù hợp định hướng của Đảng, Nhà nước, đặc biệt đối với các ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế. Công khai, minh bạch, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, gây thất thoát tài sản của Nhà nước. 

Tiếp tục nỗ lực, quyết liệt hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ xử lý dứt điểm những dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đảm bảo công khai, minh bạch theo nguyên tắc, cơ chế thị trường và quy định của pháp luật...

Dự thảo đặt ra những mục tiêu cần đạt được. Trước hết là hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách phục vụ quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả của giai đoạn 2011-2020 theo hướng xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc để xảy ra tình trạng ngừng hoạt động, thua lỗ kéo dài, thất thoát vốn nhà nước. Xây dựng phương án và lộ trình thực hiện có hiệu quả phương án để xử lý dứt điểm tình trạng này, không để kéo dài, không để chậm trễ, gây thất thoát tài sản của Nhà nước, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng...

Tiếp tục đẩy mạnh công tác cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước theo hình thức chủ yếu là cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo công khai, minh bạch, đem lại hiệu quả cao nhất. Đặc biệt là sẽ triển khai củng cố mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu để đáp ứng yêu cầu đổi mới, cơ cấu lại của các doanh nghiệp nhà nước. 

Tăng cường phân cấp, ủy quyền cho hội đồng thành viên, hội đồng quản trị các tập đoàn, tổng công ty. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đối với các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ hoặc có các dự án kinh doanh thua lỗ, chậm tiến độ, kém hiệu quả...

Ngoài ra, theo dự thảo Đề án, phải rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo quy định của pháp luật. Tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại về tài chính trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Với những doanh nghiệp đã cổ phần hóa xong phải thực hiện nghiêm quy định về đăng ký giao dịch, đăng ký niêm yết trên thị trường chứng khoán... 

Về lâu dài, các doanh nghiệp cần xác định rõ ngành nghề, định hướng kinh doanh trong giai đoạn tới để đón đầu những thay đổi về chuỗi cung ứng, sản xuất trong khu vực và thế giới, áp dụng chuẩn mực quốc tế trong quản trị doanh nghiệp...

Trong giai đoạn 2021-2025, sẽ tăng cường công khai, minh bạch thông tin đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước, đảm bảo cho mọi đối tượng quan tâm có thể dễ theo dõi, giám sát. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chủ tịch hội đồng thành viên tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước trong việc phê duyệt phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, tổ chức và giám sát việc triển khai thực hiện có hiệu quả phương án được duyệt...

Cùng với việc ban hành "Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025", trong quý I/2021, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành "Tiêu chí phân loại doanh nghiệp do Nhà nước đầu tư vốn thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại giai đoạn 2021-2025".

Theo đó, sẽ phân loại theo ngành, lĩnh vực đối với doanh nghiệp do Nhà nước đầu tư vốn thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025 được kết cấu thành 3 mục.

Mục I gồm những doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn điều lệ gồm 12 ngành, nhóm ngành chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc phòng, độc quyền tự nhiên, đảm bảo trật tự an ninh an toàn xã hội và công ích.

Mục II gồm những doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ từ 65% tổng số cổ phần trở lên gồm 8 nhóm ngành liên quan đến: kết cấu hạ tầng quan trọng có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, lĩnh vực đảm bảo cân đối lớn nền kinh tế.

Mục III gồm những doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% tổng số cổ phần gồm 7 ngành, nhóm ngành thuộc một số lĩnh vực quan trọng đối với phát triển kinh tế -xã hội của đất nước như sản xuất hóa chất cơ bản, dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, thuốc lá điếu, xăng dầu...

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top