Giá dầu thô trên thị trường quốc tế giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (2/3), trong đó giá dầu WTI trượt dưới mốc 60 USD/thùng lần đầu tiên trong hơn 1 tuần. Gây sức ép giảm giá lên "vàng đen" phiên này là những dự báo cho rằng liên minh OPEC+ có thể đi đến một quyết định nâng sản lượng.

"Giá dầu đang chịu áp lực vì thị trường tính đến khả năng gia tăng nguồn cung sắp tới", nhà phân tích Robbie Fraser thuộc Schneider Electric nhận định trong một báo cáo được trang MarketWatch trích dẫn. "Trong đó phải kể đến đầu tiên là trong những tháng tới đây, OPEC+ có thể tiếp tục thu hẹp mức hạn chế sản lượng", bao gồm kế hoạch cắt giảm sản lượng đơn phương 1 triệu thùng/ngày của Saudi Arabia.

OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và các đồng minh ngoài khối, gồm Nga. Sau khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu vào đầu năm 2020, OPEC+ đã thỏa thuận giảm sản lượng kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày để hỗ trợ giá dầu, sau đó thu hẹp mức cắt giảm còn 7,7 triệu thùng/ngày, và gần đây hơn rút mức cắt giảm về 7,2 triệu thùng/ngày. Ngoài ra, Saudi Arabia, thủ lĩnh không chính thưc của OPEC, mới đây còn tự nguyện giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày.

Cho rằng OPEC+ có thể sớm nới lỏng sản lượng khai thác dầu, nhưng ông Fraser tỏ ra khá thận trọng khi nói về sản lượng dầu của Mỹ.

"Hoạt động khai thác dầu của Mỹ đang tiếp tục hồi phục sau đợt gián đoạn vì điều kiện thời tiết cực đoan hồi tháng 2, nhưng sản lượng dài hạn sẽ cần đến thời gian để phản ứng với mức giá cao hơn", ông nói.

Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao tháng 4 tại New York giảm 0,89 USD/thùng, tương đương giảm 1,5%, còn 59,75 USD/thùng. Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của dầu WTI kể từ ngày 19/2.

Giá dầu Brent giao tháng 5 tại thị trường London tụt 0,99 USD/thùng, tương đương mất 1,6%, còn 62,7 USD/thùng - mức giá đóng cửa thấp nhất từ ngày 12/2.

Theo S&P Global Platts, tại một cuộc họp kỹ thuật của OPEC+ vào ngày 2/3, Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo nói rằng các nước sản xuất dầu phải nhấn mạnh "sự lạc quan thận trọng". Đại dịch vẫn đang đặt ra rủi ro suy giảm tăng trưởng đối kinh tế, nhưng "những diễn biến kinh tế toàn cầu đáng khích lệ và nhu cầu vững vàng của khu vực châu Á đang là nhân tố hỗ trợ giá dầu" - ông Barkindo phát biểu.

OPEC+sẽ có một cuộc họp cấp ủy ban vào ngày 3/3 để đưa ra khuyến nghị về mức sản lượng. Tiếp đó, cuộc họp để ra quyết định của nhóm sẽ tiến hành vào ngày 4/3.

S&P Global Platts dự báo sản lượng tháng 4 của OPEC+ sẽ tăng thêm 1,5 triệu thùng/ngày từ mức hiện tại. Trong đó, Saudi Arabia sẽ đảo ngược việc giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày, và OPEC+ sẽ nâng sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày.

Nhưng dù vậy, thị trường dầu vẫn sẽ cần thêm nguồn cung bởi nhu cầu sẽ tăng cao hơn trong những tháng sắp tới - theo nhà phân tích Paul Sheldon thuộc S&P Global Platts.

Một cuộc khảo sát của Reuters ước tính OPEC sản xuất 24,89 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng 2, giảm 870.000 thùng/ngày so với tháng 1 và đánh dấu tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 6 năm ngoái. Cũng theo cuộc khảo sát này, Saudi Arabia đã giảm sản lượng 850.000 thùng/ngày trong tháng 2.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top