Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa có văn bản gửi các Sở Giao dịch chứng khoán (HOSE, HNX) và Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) về việc chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HOSE sang HNX.

Theo đó, cơ quan này yêu cầu HNX khẩn trương tiếp nhận xử lý cho doanh nghiệp giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HOSE, mà không xem xét lại hồ sơ theo quy trình niêm yết mới.

CÁC CỔ PHIẾU TRONG RỔ VN30 CHƯA XEM XÉT CHUYỂN SÀN

Được sự chấp thuận của Lãnh đạo Bộ Tài chính về việc tạm thời chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết từ Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) sang Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) để giảm tải cho hệ thống giao dịch của HOSE, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã thông báo và hướng dẫn HOSE, HNX và VSD thực hiện cụ thể.

Theo đó, doanh nghiệp có nguyện vọng chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HOSE sang HNX phải có văn bản yêu cầu, kèm theo Nghị quyết của Hội đồng quản trị hoặc của Đại hội đồng cổ đông gửi cho HNX và HOSE.

HNX khẩn trương tiếp nhận xử lý cho doanh nghiệp giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HOSE, mà không xem xét lại hồ sơ theo quy trình niêm yết mới. Các cơ chế giao dịch, giám sát giao dịch, quản lý niêm yết, chế độ báo cáo và công bố thông tin… áp dụng chung như với doanh nghiệp niêm yết trên HNX. HOSE, HNX phối hợp trong công tác giám sát giao dịch đối với các cổ phiếu này để đảm bảo tính liên tục trong công tác giám sát.

Cũng theo văn bản hướng dẫn của Ủy ban chứng khoán Nhà nước, cổ phiếu của các công ty chuyển giao dịch hiện nằm trong bộ chỉ số VN-Index của HOSE sẽ được đưa ra khỏi bộ chỉ số của HOSE trong thời gian tạm thời chuyển giao dịch sang HNX. Các cổ phiếu của các công ty hiện nằm trong bộ chỉ số VN30 tạm thời chưa được xem xét chuyển giao dịch.

Ủy ban chứng khoán Nhà nước cũng yêu cầu HNX, HOSE và VSD khẩn trương xử lý để doanh nghiệp có thể chuyển giao dịch tương tự như các trường hợp chuyển niêm yết đã thực hiện từ trước đến nay. Cùng với đó, HOSE và HNX thực hiện thông tin truyền thông rộng rãi đến doanh nghiệp, công chúng đầu tư.

Cơ chế này được áp dụng từ ngày 03/3/2021 cho tới khi Ủy ban chứng khoán Nhà nước có văn bản về việc chấm dứt cơ chế này ngay khi chuẩn bị xong giải pháp công nghệ giải quyết hiện tượng nghẽn lệnh tại hệ thống giao dịch của HOSE.

Cuối tuần trước, HNX đã có động thái đầu tiên giải quyết tắc nghẽn cho HOSE khi gửi công văn tới các công ty chứng khoán thành viên để thực hiện chuyển một số mã chứng khoán trên HOSE sang giao dịch trên hệ thống của HNX.

Theo đó, HNX tổ chức lấy ý kiến khảo sát các công ty chứng khoán về thời gian công ty chứng khoán cần để thực hiện chỉnh sửa hệ thống phần mềm tại công ty chứng khoán nhằm đáp ứng trường hợp chuyển một số chứng khoán hiện đang giao dịch trên HOSE sang giao dịch tại một Bảng mới trên hệ thống của HNX, nhưng vẫn giữ nguyên các quy định giao dịch như của HOSE (biên độ, kết cấu phiên, bước giá…).

Tại hệ thống của VSD, các chứng khoán này có thể được đổi định danh thành chứng khoán thuộc HNX hoặc giữ nguyên là thuộc HOSE.

Theo ý kiến của một số nhà đầu tư, về bản chất, các mã cổ phiếu này giống như đi ở tạm nhà trên sàn HNX trong thời gian chờ đợi hệ thống giao dịch của HOSE được nâng cấp, để phù hợp với thanh khoản thị trường đã tăng vọt lên 4 – 5 lần so với giai đoạn trước.

Hiện hệ thống của HOSE chỉ xử lý được tối đa khoảng 900.000 lệnh/phiên, và đã được đưa vào vận hành hơn 20 năm. Từ cuối năm 2020,  khi thanh khoản thị trường tăng vọt lên trên 10.000 tỷ đồng/phiên, cộng với lượng tài khoản mới được mở liên tục đạt kỷ lục, hệ thống giao dịch của HOSE liên tục bị nghẽn. Bảng điện tử không hiển thị trạng thái giao dịch kịp thời, ảnh hưởng không nhỏ tới giao dịch cũng như tâm lý đầu tư. Hệ thống giao dịch mới đang được nghiên cứu, và sớm nhất đưa vào vận hành cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022. Do đó, giải pháp tình thế hiện nay trong khi chờ hệ thống mới là "mượn tạm nhà" ở HNX cho cổ phiếu của HOSE.

HỆ THỐNG GIAO DỊCH CÓ CÔNG SUẤT TỐI ĐA 900.000 LỆNH/PHIÊN

Theo thiết kế kỹ thuật, hệ thống giao dịch của HOSE có công suất tối đa 900.000 lệnh/phiên. Hệ thống hoạt động theo cơ chế phân bổ đều cho các công ty chứng khoán, trong đó: hệ thống tự động dành 20% cho lệnh dự phòng; 80% còn lại chia cho công ty chứng khoán theo 2 vòng.

Vòng 1, chia đều mỗi công ty khoảng 3.000 lệnh (các công ty chứng khoán đều được chia như nhau, kể cả công ty đã dừng hoạt động).

Vòng 2, dung lượng lệnh sẽ được chia theo tỷ trọng lấy số lệnh vào hệ thống bình quân từ 30 ngày gần nhất của từng công ty để làm căn cứ chia lệnh vào mới.

Theo ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh, cách này nhằm tối ưu hoá phân bổ tài nguyên của hệ thống đang vận hành. Việc phân bổ số lượng lệnh dựa trên dữ liệu sử dụng thực tế nhằm ngăn chặn sự gia tăng đột biến về số lượng lệnh xuất phát từ lỗi hệ thống của một công ty chứng khoán nào đó (nếu có), có thể gây rủi ro cho hệ thống của Sở.

"Có thể nói đây là cơ chế tự bảo vệ của hệ thống và trong tình huống hiện nay đã có hiệu quả tốt, giúp hệ thống giao dịch an toàn hơn trên bình diện toàn cục của thị trường. Nếu hệ thống tiếp tục nhận số lượng lệnh vượt quá năng lực có thể gây lỗi hệ thống và hậu quả có thể sẽ lớn hơn rất nhiều so với tình trạng nghẽn lệnh", Tổng giám đốc HOSE cho hay.

Trên thực tế, theo thống kê của HOSE, chỉ mới đầu năm 2020, giá trị giao dịch bình quân phiên trên HOSE ở mức 4.000 - 4.200 tỷ đồng/phiên, song cũng chỉ mới chiếm khoảng 20 - 30% năng lực hệ thống. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19, lãi suất ngân hàng giảm, nhiều kênh đầu tư truyền thống giảm hấp dẫn,… nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư mới tham gia thị trường tăng nhanh kỷ lục, vượt qua tất cả mọi dự đoán. Chính vì vậy, thanh khoản thị trường chứng khoán Việt Nam tăng vọt trong năm 2020 là điều không thể lường trước.

Trong năm 2020, đặc biệt cuối năm, nhiều phiên giao dịch thanh khoản gần gấp 4-5 lần mức cao nhất của quá khứ, và 6-7 lần mức đầu năm. Các công ty chứng khoán trong TOP 20 có lượng lệnh vào sàn tăng ít nhất là trên 3 lần, bình quân là 5-6 lần, cá biệt có một số công ty có số lệnh vào sàn tăng 13-18 lần.

Số lệnh vào sàn nhiều phiên vượt quá số lượng lệnh thiết kế của cả hệ thống, gây hiện tượng nghẽn lệnh. Đây là thực trạng bất khả kháng.

Mặc dù được sự chỉ đạo sát sao của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HOSE đã rất nỗ lực tìm kiếm đồng thời nhiều giải pháp, tuy nhiên vẫn chưa thể khắc phục triệt để.

Trước số liệu thực tế về tăng trưởng giao dịch, HOSE đã chủ động có kế hoạch thử nghiệm nâng lô giao dịch từ 10 lên 100 chứng khoán với các công ty chứng khoán và báo cáo Ủy ban chứng khoán Nhà nước. Được sự chấp thuận của Ủy ban chứng khoán Nhà nước và nỗ lực của các công ty chứng khoán, việc nâng lô giao dịch lên 100 đã được đẩy nhanh hơn.

Theo đó, kể từ ngày 04/01/2021, giải pháp này đã cho thấy hiệu quả, giảm tải được một phần lệnh vào hệ thống, giúp thanh khoản tăng được 15 – 18% như dự kiến. Tuy nhiên, hiện tượng nghẽn lệnh vẫn chưa xử lý được dứt điểm, nhất là trong các phiên có thanh khoản rất lớn chạm đến mức 15.000 - 16.000 tỷ đồng.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top