Giá vàng thế giới "bay" gần 30 USD/oz trong phiên giao dịch đêm qua, khiến giá vàng miếng trong nước sáng nay (4/3) không thể bám trụ mốc 56 triệu đồng/lượng. Giá USD tự do tiếp tục giảm mạnh, cho dù chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới lại vượt 8 triệu đồng/lượng.

Lúc gần 10h trưa, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 55,45 triệu đồng/lượng (mua vào) và 55,85 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 55,47 triệu đồng/lượng và 55,87 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán.

So với cùng thời điểm ngày hôm qua, giá vàng miếng hiện giảm 300.000 đồng/lượng tại DOJI và giảm 270.000 đồng/lượng tại SJC.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ hiện đang cao hơn 8,15 triệu đồng/lượng. Sáng qua, mức chênh là 7,9 triệu đồng/lượng. Sự kéo giãn chênh lệch này cho thấy giá vàng trong nước giảm chậm so với thế giới.

Giá các sản phẩm vàng 999,9 khác giảm khoảng 200.000-300.000 đồng/lượng so với sáng qua.

Nhẫn tròn Phú Quý của Tập đoàn Phú Quý có giá 52,8 triệu đồng/lượng và 53,6 triệu đồng/lượng. Nhẫn tròn Rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu có giá 53,11 triệu đồng/lượng và 53,76 triệu đồng/lượng.

Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc gần 10h trưa theo giờ Việt Nam đứng ở 1.714,9 USD/oz, tăng 3,2 USD/oz so với đóng cửa đêm qua tại New York. Mức giá này tương đương khoảng 47,75 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo giá USD bán ra tại Ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.

Trong phiên Mỹ đêm qua, giá vàng sụt 27,6 USD/oz, tương đương giảm gần 1,6%, còn 1.711,7 USD/oz, thấp nhất 9 tháng.

Đây là phiên giảm thứ 6 của giá vàng thế giới trong vòng 7 phiên trở lại đây. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đang tăng trở lại, gây sức ép giảm giá lên kim loại quý này. Lợi suất trái phiếu 10 năm tăng lên mức 1,47%, còn thấp so với mức đỉnh của 1 năm là 1,61% thiết lập vào tuần trước, nhưng cũng đủ để khiến vàng có một phiên bán tháo.

Lao dốc theo thế giới, vàng miếng tuột mốc 56 triệu đồng/lượng - Ảnh 1.

Diễn biến giá vàng thé giới từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: Trading View.

Lợi suất tăng là nguyên nhân chính khiến vàng mất giá nhanh thời gian gần đây. Giới đầu tư cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi nhanh nhờ vaccine ngừa Covid và các biện pháp kích cầu, dẫn tới kỳ vọng lạm phát tăng, và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể phải thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến.

Phát biểu ngày 3/3, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago, ông Charles Evans, nói rằng ông nhận thấy việc lợi suất trái phiếu tăng gần đây chủ yếu phản ánh tình hình kinh tế được cải thiện, thay vì phản ánh mối lo lạm phát như nhiều người đang lo.

Tuy nhiên, quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust vẫn đang bán ròng vàng. Phiên ngày thứ Tư, quỹ này bán hơn 4 tấn vàng, tương đương 4% khối lượng nắm giữ, giảm mức nắm giữ còn hơn 1.082 tấn. Hôm thứ Hai, quỹ này bán hơn 10 tấn vàng.

Đồng USD mạnh lên cũng khiến vàng mất giá. Sáng nay, chỉ số Dollar Index tăng vượt mốc 91 điểm, từ mức 90,8 điểm vào sáng qua.

Trong nước, giá USD tự do tại Hà Nội phổ biến ở mức 23.790 đồng (mua vào) và 23.840 đồng (bán ra), giảm 40 đồng so với sáng qua. Trong hai ngày liên tiếp, giá USD tự do đã giảm 110 đồng. Chênh lệch giá vàng-trong nước thế giới lên cao được xem là một nguyên nhân khiến giá USD tự do nhảy lên 23.950 đồng vào đầu tuần.

Tại Vietcombank, USD đang được niêm yết giá ở mức 22.930 đồng và 23.110 đồng, giảm 10 đồng so với hôm qua.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top