Mặc dù Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ các thành phần kinh tế vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19, nhưng tỷ lệ số hợp tác xã được thụ hưởng các chính sách này rất hạn chế. 

Cụ thể: mới có 14% số hợp tác xã được thụ hưởng chính sách giãn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng; 12% số hợp tác xã thụ hưởng giảm giá điện bán lẻ. Chỉ có 10% số hợp tác xã được thụ hưởng chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp...

Ngày 24/3/2021, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Liên minh hợp tác xã Việt Nam và Bộ Nông nghiệp & Phát triển Việt Nam tổ chức diễn đàn "Thực trạng tiếp cận chính sách và giải pháp nâng cao năng lực thích ứng cho hợp tác xã trong bối cảnh mới".

82,2% SỐ HỢP TÁC XÃ BỊ GIẢM DOANH THU 

Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam nhận định, đại dịch Covid-19 cùng với diễn biến bất thường của thiên tai, dịch bệnh đã gây gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh và làm giảm doanh thu của hợp tác xã, ước tính giảm trên 50%. Làm rõ hơn tác động và ứng phó đại dịch Covid-19, thực trạng tiếp cận chính sách của khu vực hợp tác xã Việt Nam, từ đó, đề xuất các giải pháp với Chính phủ và các cơ quan chức năng, hỗ trợ hợp tác xã vượt qua khó khăn và phát triển. Đồng thời, nâng cao hiệu quả thực thi các chính sách hỗ trợ đối với hợp tác xã thời kỳ trong và sau đại dịch Covid-19.

PGS.TS. Phạm Thị Hồng Yến, Trưởng Ban hợp tác quốc tế Liên minh hợp tác xã Việt Nam trình bày Báo cáo kết quả nghiên cứu "Tác động và ứng phó đại dịch Covid-19: thực trạng tiếp cận chính sách của khu hợp tác xã Việt Nam". Theo kết quả khảo sát nghiên cứu này,  năm 2020 so với năm 2019, có 82,2% số hợp tác xã bị giảm doanh thu; trong đó, 42,5% số hợp tác xã giảm hơn một nửa doanh thu. Lợi nhuận của hợp tác xã cũng sụt giảm đáng kể. Tuy nhiên, một số hợp tác xã vẫn có doanh thu lớn hơn so với năm 2019, hoạt động có lãi (chiếm 17,8%), chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ và một số hợp tác xã trồng trọt và dịch vụ nông nghiệp. 

Quá trình sản xuất, gặp 7 khó khăn liên quan đến chi phí như: lương cho lao động; chi phí vận hành dây chuyền sản xuất; chi trả các khoản chi phí cố định; chi phí trả lãi vay; ứng dụng khoa học kỹ thuật mới; cạnh tranh thị trường; liên kết giữa các hộ, hợp tác xã và các đối tác liên quan. Trong đó, chi phí lương cho người lao động là vấn đề gây nhiều khó khăn nhất và nhiều hợp tác xã gặp phải nhất: 92/124 hợp tác xã được khảo sát, chiếm 74%. 

Ở khâu phân phối, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, hợp tác xã gặp khó khăn về số lượng đơn hàng, số lượng khách hàng giảm; hàng tồn kho tăng, giá bán sản phẩm giảm. Nhằm giúp các thành phần kinh tế vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19,  Nhà nước đã thông qua nhiều chính sách hỗ trợ, bao gồm: chính sách hỗ trợ liên quan đến thuế, hỗ trợ các loại phí, lãi suất; chính sách hỗ trợ người lao động; chính sách giảm giá tiền điện...

Hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam từ TƯ tới cấp tỉnh, thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ hợp tác xã trong thời kỳ đại dịch. Trong đó, 95,4% số hợp tác xã được hỗ trợ về thông tin phòng chống đại dịch; 60,9% số hợp tác xã được Liên minh hợp tác xã bảo vệ quyền lợi hợp pháp; 41,7% hợp tác xã được hỗ trợ xúc tiến thương mại; 35% hợp tác xã được bồi dưỡng tư vấn kiến thức về cách thức quản lý phát triển kinh doanh. 

Tuy vậy, khảo sát nghiên cứu cũng cho thấy, việc nắm bắt và tiếp cận chính sách của khu vực hợp tác xã còn nhiều hạn chế. Có tới 41% số hợp tác xã không biết đến chính sách cho hợp tác xã vay lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho người lao động. Có tới 38% số hợp tác xã không nắm được chính sách giảm giá điện bán lẻ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là chính sách được các HTX nắm bắt và tiếp cận tốt nhất, với 77% số hợp tác xã nắm bắt và tiếp cận được chính sách này. Tuy vậy, tỷ lệ số hợp tác xãđược thụ hưởng các chính sách rất hạn chế. Chính sách có nhiều hợp tác xã được thụ hưởng nhất là chính sách giãn thời hạn nộp thuế Giá trị gia tăng, cũng chỉ đạt 14%. Chính sách giảm giá điện bán lẻ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp tác xã, cũng chỉ có 12% số hợp tác xã được thụ hưởng. Mới có  10% số hợp tác xã được thụ hưởng chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Các chính sách còn lại, theo khảo sát tỷ lệ hợp tác xã được thụ hưởng dao động từ 3 – 6%.

Bà Hồng Yến chỉ ra nguyên nhân: "Do khả năng tiếp cận công nghệ thông tin của các hợp tác xã còn hạn chế, nên khả năng cập nhật thông tin về chính sách hỗ trợ của Chính phủ chưa nhiều. Kênh phối hợp, kết nối giữa cơ quan thực thi, tuyên truyền và hướng dẫn hợp tác xã chưa kịp thời. 

Một số hợp tác xã đã chủ động làm đơn xin hỗ trợ gửi cơ quan chức năng và làm hồ sơ thụ hưởng nhưng không nhận được phản hồi kết quả hoặc về lý do vì sao hồ sơ bị từ chối. Thủ tục, hành chính, hồ sơ phức tạp, phải qua nhiều cơ quan ban ngành khiến các hợp tác xã thấy mất nhiều thời gian mà mức hỗ trợ không đáng kể. Thậm chí có hợp tác xã phàn nàn rằng, số tiền hỗ trợ nhận về không đủ chi phí làm hồ sơ xin thụ hưởng".

CÁC CHÍNH SÁCH CẦN BÁM SÁT THỰC TẾ 

Trên cơ sở khảo sát, Liên minh hợp tác xã Việt Nam và UNDP thống nhất đề xuất trong ngắn hạn, Chính phủ cần sửa đổi các quy định hiện hành về điều kiện thụ hưởng chính sách đối với hợp tác xã một cách linh hoạt, phù hợp với thực tiễn, điều kiện của các hợp tác xã. Đồng thời, chỉ đạo việc thực hiện một cách nhanh chóng, kịp thời, đúng thời điểm đối với các hợp tác xã.

Bà Hồng Yến khuyến nghị: "Các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển hợp tác xã cần bám sát thực tế và phù hợp với đặc điểm riêng, mong muốn thiết thực, thực tế hoạt động, trình độ nắm bắt và khả năng thụ hưởng của hợp tác xã. Công tác tuyên truyền và tư vấn chính sách cho hợp tác xã cần được đẩy mạnh và không bỏ sót những đối tượng thực sự cần được hỗ trợ; cơ chế thực thi các chính sách đối với hợp tác xã cần đơn giản, rõ ràng, dễ tiếp cận và dễ thực hiện".

Ông Trần An Định, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh Hòa Bình cho biết, tại Hòa Bình, đa phần các hợp tác xã thành lập mới chỉ đáp ứng được yêu cầu số thành viên tối thiểu 7 thành viên. Số hợp tác xã quy mô siêu nhỏ (dưới 50 xã viên) chiếm tỷ trọng lớn trên 80%. Đa phần các hợp tác xã có diện tích đất canh tác chỉ tương đương với 5-10 lần hộ cá thể trung bình, nên khả năng tạo hàng hóa thấp. 

Theo lãnh đạo Trung tâm Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Liên minh hợp tác xã Việt Nam, hợp tác xã nông nghiệp tại Việt Nam, hiện nay mới chỉ tích hợp sử dụng công nghệ số ở mức đơn giản cho các hoạt động phục vụ trong các phần mềm phân tích dự báo thị trường, phân tích dữ liệu và dự báo về đặc điểm sinh trưởng, nhu cầu dinh dưỡng cây trồng, thanh toán điện tử trong các trang thương mại điện tử và công nghệ nhận dạng để thực hiện phân loại sản phẩm. 

Các hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc và quy trình quản lý chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, thực trạng năng lực chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh của khu vực hợp tác xã nông nghiệp vẫn rất thấp. Trung tâm đề xuất Liên minh hợp tác xã Việt Nam và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cần triển khai các nội dung hỗ trợ hạ tầng thiết bị, công nghệ phục vụ chuyển đổi số trong các dự án hỗ trợ xây dựng mô hình hợp tác xã sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị của Liên minh hợp tác xã Việt Nam làm cơ sở phổ biến, nhân rộng. Cần lồng ghép các nội dung đào tạo nâng cao trình độ công nghệ thông tin và kỹ năng chuyển đổi số cho cán bộ quản lý hợp tác xã.

Trước bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo đề nghị Chính phủ chú trọng các giải pháp và chính sách về hỗ trợ tài chính, phát triển chuyên môn, kỹ năng, tay nghề cho người lao động của các hợp tác xã. 

Các chính sách hỗ trợ thời gian tới nên có mức độ ưu tiên và khác biệt hoá đối với những hợp tác xã thực hiện mô hình kinh doanh tạo tác động xã hội, hoặc sử dụng lao động là người khuyết tật. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, tư vấn chính sách cho các hợp tác xã là giải pháp cần được đẩy mạnh trong thời gian tới nhằm không bỏ sót những đối tượng thực sự cần được hỗ trợ. Cơ chế thực thi chính sách đối với các hợp tác xã cũng cần đơn giản, rõ ràng, dễ tiếp cận và dễ thực hiện hơn.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top