Hiện nguồn hỗ trợ ODA dành cho Việt Nam ngày càng hạn chế, chuyển từ hình thức cho vay ưu đãi sang vay thương mại, nguồn lực trong nước dành cho giao thông hạn chế. Việc đầu tư phát triển, bảo trì và khai thác đường bộ cũng phải được đặt trong bối cảnh xây dựng quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ mới.

Quy hoạch phát triển đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 356/QĐ-TTg ngày 25/2/2013 về Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển Giao thông vận tải  đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Đến nay, các mục tiêu quy hoạch cho giai đoạn đến năm 2020 đã đạt được nhiều thành tựu, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại và hạn chế cần khắc phục để hoàn thiện các mục tiêu đề ra. 

NHIỀU ĐIỂM NGHẼN CẢN TRỞ 

Mạng lưới đường bộ cơ bản đã bao phủ khắp lãnh thổ, đóng vai trò trục chính, kết nối mạng lưới giữa các vùng, miền, kết nối với các phương thức vận tải khác như các cảng hàng không, cảng biển, cửa khẩu, đầu mối giao thông quan trọng. Về kết cấu hạ tầng, hệ thống đường cao tốc đã hoàn thiện, đưa vào khai thác 1.046 km, đang thi công hơn 900 km, thực hiện được trên 90% so với quy hoạch.

Điểm mặt một số dự án theo quy hoạch chưa thực hiện được, có thể kể đến như cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc phía Tây đường Hồ Chí Minh, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc kết nối đến cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), các tuyến đường vành đai của Hà Nội và Tp.HCM. Hệ thống quốc lộ cơ bản đã đạt được cấp đường theo quy hoạch. Trong đó đã hoàn thành mở rộng Quốc lộ 1, mở rộng đường ven biển.

Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ mới - Ảnh 1.

Dự thảo "Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050" do Liên danh tư vấn TEDI-CCTDI, Tổng công ty tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) và Trung tâm tư vấn đầu tư phát triển Giao thông vận tải  (CCTDI) cũng chỉ rõ: mạng lưới đường bộ vẫn còn nhiều hạn chế, mật độ quốc lộ, cao tốc giữa các vùng chưa thực sự đồng đều, cấp kỹ thuật và chất lượng hệ thống quốc lộ còn hạn chế, đường cấp IV, V khoảng 19,29%, đường xấu, rất xấu khoảng 21,94%. 

Ngoài ra, còn nhiều điểm nghẽn giao thông trên mạng lưới, thiếu một số kết nối quan trọng giữa đường bộ và các phương thức vận tải khác. Tỷ lệ đường tỉnh so với quốc lộ, cao tốc chưa phù hợp, hiện khoảng 1,08% trong khi theo khuyến cáo của tổ chức quốc tế khoảng trên 2 lần. Nguồn lực đầu tư phát triển và bảo trì còn thấp so với nhu cầu.

Về vận tải, đại diện tư vấn cho hay, tốc độ tăng trưởng vận tải hàng hóa và hành khách đường bộ giai đoạn 2010-2019 tăng đều qua các năm, hành khách tăng khoảng 8,56%/năm, hàng hóa tăng khoảng 9,44%/năm. Thị phần vận tải cho đường bộ đảm nhận tương đối lớn so với các phương thức vận tải khác, khoảng 91,59% - 93,62% đối với hành khách và 62,79% - 64,48% đối với hàng hóa so với toàn ngành.

Về kết nối đường bộ với các phương thức vận tải khác, tính kết nối giữa hệ thống đường bộ quốc gia với các phương thức vận tải khác chưa đáp ứng yêu cầu. Một số cảng biển đặc biệt như cảng Lạch Huyện và Cái Mép - Thị Vải chưa có cao tốc kết nối theo quy hoạch. Chỉ một số tuyến quốc lộ kết nối và đa phần là tuyến nội thị có quy mô và năng lực chưa đáp ứng yêu cầu. Đối với các phương thức vận tải khác như đường sắt, hàng không cũng tương tự.

Ngoài ra, số lượng phương tiện cơ giới đường bộ gia tăng nhanh chóng trong những năm qua. Nhiều tuyến đường, đoạn tuyến có lưu lượng giao thông đã vượt quá năng lực lưu thông thiết kế của tuyến đường. Đồng thời, việc kiểm soát tải trọng xe cũng như sự mất cân bằng giữa các phương thức vận tải, tập trung quá lớn vào vận tải đường bộ là nguyên nhân rất lớn gây ra những hư hỏng trên hệ thống đường bộ.

Những yếu kém về kết cấu hạ tầng giao thông cùng với những bất cập trong phát triển đô thị và bảo vệ hành lang an toàn giao thông đã làm cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ bị xâm hại, giảm khả năng thông qua, gây mất an toàn giao thông và tai nạn giao thông tăng cao. Hệ thống quốc lộ chịu nhiều ảnh hưởng của mưa, bão, lũ lụt. Hệ thống quốc lộ với khoảng 40% thuộc khu vực miền núi chịu ảnh hưởng lớn của các điều kiện thời tiết, đặc biệt mưa lũ sạt lở hư hỏng công trình. 

Hệ thống các công trình đảm bảo an toàn giao thông tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt hệ thống rào hộ lan trên các tuyến đường. Tai nạn giao thông xảy ra trên quốc lộ còn cao, 34-40% tổng số vụ tai nạn giao thông.

NÂNG CAO TỶ TRỌNG ĐẦU TƯ, ĐA DẠNG HOÁ NGUỒN VỐN 

Theo Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, hệ thống đường cao tốc phía Bắc gồm 14 tuyến hướng tâm kết nối với Thủ đô Hà Nội với tổng chiều dài 1.368km. Trong quy hoạch lần này, hệ thống đường cao tốc khu vực phía Bắc được cập nhật, bổ sung một số tuyến. 

Như tuyến Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên; Bắc Kạn – Cao Bằng; tuyến nối Hà Giang với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai dài khoảng 80km; Bảo Hà (giao cao tốc Nội Bài – Lào Cai) – Lai Châu chiều dài khoảng 165km; Tuyên Quang – Hà Giang; Tiên Yên – Lạng Sơn. Sau khi bổ sung các tuyến quy hoạch mạng lưới cao tốc khu vực phía Bắc đã đáp ứng được yêu cầu kết nối. Toàn bộ các tỉnh, thành phố, các hành lang vận tải chính, các trung tâm kinh tế, chính trị, công nghiệp, du lịch đều có cao tốc kết nối khá thuận lợi. Ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên, bổ sung tuyến cao tốc từ Tp.Vinh đến cửa khẩu Thanh Thủy, Pleiku – Lệ Thanh; Tuy Loan – Ngọc Hồi...

Nhu cầu phát triển Giao thông vận tải  nói chung, ngành đường bộ nói riêng rất lớn, trong khi nguồn lực đầu tư từ Nhà nước còn hạn chế. Theo khuyến cáo từ nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng như các tổ chức nước ngoài, đầu tư cho ngành giao thông vận tải đường bộ cần ở mức khoảng 3% GDP. Trong đó, cho đầu tư phát triển khoảng 2,4% GDP và cho bảo trì khoảng 0,6% GDP. 

Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, 2010-2020, tỷ lệ vốn dành cho Giao thông vận tải  đường bộ ở dưới mức 2% GDP, nhiều năm chỉ đạt 1-1,5% GDP. Điều này đòi hỏi trong thời gian tới, cần có cơ chế chính sách nhằm nâng cao tỷ trọng đầu tư cũng như có cơ chế khuyến khích đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho Giao thông vận tải

Về vốn bảo trì quốc lộ, kể từ năm 2013, khi Quỹ bảo trì đường bộ đi vào hoạt động, ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đã được chia sẻ khó khăn, giảm gánh nặng cho ngân sách các cấp trong việc cân đối cho công tác bảo trì đường bộ. Vốn bảo trì quốc lộ bình quân năm 2013-2017, được cấp khoảng 9.012 tỷ đồng/năm, trung bình tăng khoảng 9,25%/năm. 

Tuy nhiên, tính đến nay, nguồn quỹ trung ương cũng chỉ đáp ứng được 44,05% nhu cầu tối thiểu của công tác bảo trì hệ thống đường bộ. Nếu không bố trí đầy đủ, kịp thời, khối lượng tuyến chất lượng xuống cấp sẽ gia tăng.

Nhìn chung, nguồn vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông còn thiếu, chỉ đạt 23% nhu cầu đầu tư giai đoạn 2015-2020. Do vậy, cần thiết có các giải pháp đột phá, các cơ chế chính sách tích cực để huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống đường bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển và các mục tiêu mà Đảng và Nhà nước yêu cầu đối với ngành giao thông vận tải .

"Trên cơ sở thực tiễn của ngành đường bộ, đặt mục tiêu đến năm 2030 tập trung xây dựng các tuyến cao tốc liên kết vùng, kết nối với cảng biển, các trung tâm sân bay lớn. Phấn đấu đến năm 2030 có 5.000 km đường cao tốc và đến năm 2050 có hơn 9.000 km đường cao tốc. Đối với quốc lộ tập trung nâng cấp, cải tạo mặt đường, tăng cường hệ thống an toàn giao thông đối với các trung tâm kinh tế, đầu mối giao thông chưa có cao tốc song hành", đơn vị tư vấn cho biết.

CẦN CÓ CƠ CHẾ ĐỘT PHÁ 

Đề cập đến cơ chế phát triển hạ tầng đường cao tốc thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, rút bài học kinh nghiệm giải phóng mặt bằng vừa qua, cần đề xuất cơ chế mới có tính đột phá. Về mục tiêu đến năm 2030 có 5.000 km đường cao tốc, Bộ trưởng gợi ý cần nêu cách thức triển khai, lựa chọn danh mục đầu tư, trình Chính phủ cho phép giải phóng mặt bằng sạch toàn bộ trước, sau đó lập dự án đầu tư toàn bộ 5.000 km đường cao tốc.

Tuy còn nhiều vấn đề phải bổ sung quy hoạch đã có đột phá thể hiện ở việc kết nối đường bộ với các loại hình khác, hay mạnh dạn đặt mục tiêu đến năm 2050 có hơn 9.000 km đường cao tốc.

Để kết nối giao thông đường bộ với bốn lĩnh vực còn lại, Bộ trưởng yêu cầu phải đánh giá đậm nét việc kết nối, xác định được các nút thắt, các điểm nghẽn với các công trình dự án trọng điểm quốc gia như cảng hàng không, trung tâm đường thủy nội địa, ga đường sắt.

Đối với quốc lộ, Bộ trưởng yêu cầu các tuyến tránh đô thị phải nâng cấp đúng chuẩn và bàn giao đường trong đô thị cho địa phương. Quốc lộ đi qua đô thị phải xây dựng đúng quy hoạch, có đường gom hai bên và phải được quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng phố hóa đường quốc lộ và phải làm thêm đường tránh thứ hai, thứ ba...

Bổ sung thêm về định hướng phát triển vận tải, PGS.TS. Doãn Minh Tâm, Phó chủ tịch Hội Cầu đường Việt Nam cho rằng, Bộ Giao thông vận tải  cần rà soát lại số liệu khảo sát, bổ sung số liệu về dự báo tăng trưởng ô tô nói chung và xe tải hạng nặng nói riêng đến năm 2030 và đến năm 2050 tại Việt Nam.

Đồng thời, bổ sung số liệu về lưu lượng xe do Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo dõi hàng năm, kết hợp bổ sung số liệu về vận tải để thể hiện bằng được các bản đồ thực trạng hoạt động vận chuyển hàng hóa và hành khách trên tất cả các tuyến đường bộ. Từ đó, có cơ sở đề xuất bổ sung, chỉnh sửa và phát triển quy hoạch mạng lưới đường bộ.

Quy hoạch Giao thông vận tải là hồ sơ rất quan trọng đối với ngành. Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải  đã tập trung thực hiện cả năm lĩnh vực chuyên ngành, tích hợp thành quy hoạch Giao thông vận tải  tổng thể để trình Chính phủ. Theo dự kiến, tháng 4/2021, Bộ sẽ trình quy hoạch cho Chính phủ để thẩm định, phê duyệt.

Giai đoạn 2006-2018, Bộ Giao thông vận tải đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, huy động tối đa các nguồn lực để tạo bước đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Tổng vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông do Trung ương quản lý không ngừng tăng lên.

Giai đoạn 2006-2010 đạt khoảng 36 nghìn tỷ đồng/năm. Giai đoạn 2011-2015 đạt khoảng 75 nghìn tỷ đồng/năm. Riêng trong hai năm 2016-2017, trung bình khoảng 63 nghìn tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, năm 2018, đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông chỉ còn 35.419 tỷ đồng, giảm gần 45% so với bình quân hai năm 2016, 2017. Năm 2019, đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông chỉ còn 23.933 tỷ đồng, giảm 32% so với năm 2018.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top