Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, năm 2020 Việt Nam có khoảng 53% dân số tham gia mua sắm trực tuyến. Doanh thu thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng 18%, đạt 11,8 tỷ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Tính toán của các tập đoàn lớn về công nghệ, tài chính, tư vấn như Google, Temasek và Bain&Company cũng đưa ra, với tốc độ tăng trưởng trung bình 29%/năm trong giai đoạn 2020-2025, quy mô thương mại điện tử của Việt Nam có thể đạt 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.
CÒN NHIỀU LỖ HỔNG TRONG GIAO DỊCH
Thương mại điện tử là cơ hội để thúc đẩy nền kinh tế số, là môi trường thuận lợi cho việc ứng dụng các mô hình kinh doanh. Sự phát triển song song giữa thương mại truyền thống và thương mại điện tử, các vấn đề trong giao dịch thương mại điện tử phát sinh cũng là bài toán được đặt ra với cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý và bảo vệ người tiêu dùng.
Đầu tiên phải kể đến là tình trạng gian lận thương mại gia tăng nhanh chóng. Nhiều đối tượng lợi dụng "sân chơi" này để tuồn hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ vào rao bán. Dự báo, 2-3 năm tới, tỷ lệ gian lận thương mại trên thương mại điện tử sẽ chiếm khoảng 50- 60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung. Bên cạnh đó, không ít trường hợp, người tiêu dùng đã gặp rủi ro về thời gian giao hàng (giao hàng chậm); hàng nhận được bị vỡ, hỏng, mất hàng...
Không chỉ rủi ro với người tiêu dùng, do kinh doanh online có sức hút rất lớn với cả người bán và mua, dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh ngày càng mạnh mẽ. Hơn nữa, các chính sách thuế vẫn chưa tác động đến khu vực kinh doanh này cũng tạo sự cạnh tranh lớn. Thực tế cho thấy, do chi phí thấp dẫn đến giá thành sản phẩm thấp nên mô hình bán hàng qua mạng xã hội vẫn thu hút khách hàng. Trong khi đó, các trang mạng tên tuổi, đầu tư bài bản thì phải chấp hành các nghĩa vụ thuế đầy đủ nên gặp không ít khó khăn từ các gánh nặng chi phí liên quan.
Theo ông Phan Thế Công, Đại học Thương mại, những vấn đề trên xuất phát từ môi trường thể chế và pháp lý cho phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam còn yếu, chưa chặt chẽ, đồng bộ, minh bạch. Một số quy định pháp luật không theo kịp sự phát triển của lĩnh vực này. Cùng với đó, vấn đề bảo đảm an ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin ở Việt Nam còn đối mặt với nhiều nguy cơ và rủi ro. Công tác quản lý, đặc biệt là quản lý thu thuế đối với các hoạt động thương mại điện tử và cung cấp dịch vụ xuyên biên giới còn yếu.
Đặc biệt, ông Công cho rằng, thách thức lớn về quản lý nhà nước và an ninh tiền tệ sẽ được đặt ra khi thương mại điện tử phát triển hệ sinh thái kinh doanh khép kín gồm nhiều sản phẩm và dịch vụ, tiện ích đầu cuối, từ vận chuyển, đi lại, du lịch, ẩm thực, giải trí, sách báo, siêu thị điện tử cho đến khám chữa bệnh...
CẦN HOÀN THIỆN KHUNG PHÁP LÝ
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại và Kinh tế số cho biết, Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đã đặt các mục tiêu rất rõ ràng. Đó là hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng; thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về mức độ phát triển thương mại điện tử; xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững; mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam trong và ngoài nước thông qua ứng dụng thương mại điện tử; đẩy mạnh giao dịch, thương mại điện tử xuyên biên giới. Đặc biệt, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có thị trường thương mại điện tử phát triển thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.
Để thực hiện các mục tiêu này, Bộ Công Thương đã nghiên cứu và đề xuất các nhóm giải pháp trọng tâm nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng trong thương mại điện tử và thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia, phát triển thị trường thương mại điện tử cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững.
Theo ông Hải, trước hết cần hoàn thiện khung pháp lý cho lĩnh vực này. Thương mại điện tử là một lĩnh vực rất đặc thù, đó là sự kết hợp giữa công nghệ và thị trường, giữa yếu tố thực và yếu tố ảo, giữa thực thể tồn tại với thực thể trong không gian số. Chính vì vậy, khung pháp lý cần tiếp tục được hoàn thiện gắn với thực tiễn. Hiện nay, khung pháp lý cho thương mại điện tử đã có gồm Luật Thương mại, Luật Giao dịch điện tử, Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử và một số nghị định khác liên quan tới các lĩnh vực này như Nghị định 165/2018/NĐ-CP, Nghị định 130/2018/NĐ-CP, Nghị định 119/2018/NĐ-CP...
Kể từ khi Nghị định 52 được Chính phủ ban hành, Bộ Công Thương đã trình, ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật để quy định chi tiết theo yêu cầu của nghị định, hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách, chương trình nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển lĩnh vực thương mại điện tử trên phạm vi toàn quốc.
Với bản chất của thương mại điện tử là hoạt động thương mại áp dụng các tiến bộ trong công nghệ thông tin và Internet, hoạt động thương mại điện tử cũng là lĩnh vực chịu nhiều tác động và thay đổi nhanh chóng; chính vì vậy, năm 2002, Bộ Công Thương đã dự thảo đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử.
Bên cạnh những quy định mới về chủ thể và cơ chế quản lý hoạt động thương mại điện tử, ông Hải cho rằng, quy định về hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài cũng được đề ra để giải quyết những vướng mắc, bất cập. Cụ thể, bổ sung quy định chủ thể của hoạt động thương mại điện tử, thu gọn đối tượng ứng dụng thương mại điện tử phải thực hiện thủ tục hành chính; công khai thông tin hàng hóa, người mua trên sàn thương mại điện tử, minh bạch hóa thông tin cho người tiêu dùng, phòng chống gian lận thương mại; quy định rõ hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội. Đặc biệt, sửa đổi quy định về cách thức hiện diện của thương nhân, tổ chức nước ngoài hoạt động thương mại điện tử trên lãnh thổ Việt Nam.
"Với việc hoàn thiện những sửa đổi Nghị định 52/NĐ-CP cũng như các nhóm giải pháp trong hệ sinh thái phát triển "Nền tảng tín nhiệm thương mại điện tử" ở Việt Nam sẽ góp phần xây dựng một thị trường trực tuyến lành mạnh, tạo dựng lòng tin đối với người tiêu dùng, hỗ trợ các doanh nghiệp và mang đến những phát triển vượt bậc cho bức tranh thương mại điện tử ở Việt Nam", ông Hải nhấn mạnh.
HOÀN THIỆN "NỀN TẢNG TÍN NHIỆM THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ"
Cùng với khung pháp lý, nhóm giải pháp quan trọng khác là xây dựng các chương trình, chính sách, giải pháp khuyến khích hoạt động đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử; hoàn thiện nền tảng tín nhiệm thương mại điện tử.
Trong bối cảnh của Covid-19 và sự phát triển bùng nổ của thị trường mua sắm trực tuyến, để góp phần vào việc xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh tại Việt Nam, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đưa ra giải pháp về phát triển hệ sinh thái thương mại điện tử. Cụ thể, trong 5 năm tới, bên cạnh việc xây dựng các chương trình, chính sách đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử, giải pháp "Nền tảng tín nhiệm thương mại điện tử" là công cụ đánh giá các chủ thể kinh doanh thương mại điện tử. Xếp hạng tín nhiệm này sẽ công bố rộng rãi tới người tiêu dùng.
Hiện nay, việc xây dựng tín nhiệm tiêu chuẩn trong thương mại điện tử là điều cần thiết để gia tăng niềm tin của khách hàng vào các hoạt động mua bán, thanh toán trong môi trường thương mại điện tử và kinh tế số. Mô hình về hoàn thiện nền tảng tín nhiệm trong giai đoạn 2015 - 2025 bao gồm: Xây dựng hệ thống thanh toán đảm bảo ESCROW; giải quyết tranh chấp trực tuyến TrustON; ứng dụng Chứng từ điện tử trong thương mại; ứng dụng dịch vụ chuyển phát tiêu chuẩn trong thương mại điện tử và triển khai các chuỗi sự kiện phát triển thương mại điện tử, hỗ trợ nhà sản xuất, hàng Việt uy tín trong nước.
Đi vào cụ thể hơn, ông Hải cho biết, ngay trong năm 2021, Cục sẽ triển khai Chương trình GoOnline – với nhiệm vụ đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình ứng dụng thương mại điện tử từ khi bắt đầu đến lúc kinh doanh, hoạt động được trên môi trường trực tuyến. Chương trình có sự tham gia của các tập đoàn viễn thông, công nghệ, hệ thống thương mại điện tử lớn nhất đất nước hiện nay, nhắm đến đối tượng là các nhà sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, cá nhân trên toàn quốc muốn tiếp cận và ứng dụng thương mại điện tử, đặc biệt, trong những tình huống khẩn cấp như dịch bệnh và hàng hóa cần "giải cứu". Chương trình cũng hình thành một liên minh có kết nối chặt chẽ để triển khai các công tác hỗ trợ...
Post a Comment