Tôi là người viết bài: "Vợ chồng tôi đều không ưa em dâu". Ngoài mục Tâm sự này, tôi không còn nơi nào để bày tỏ quan điểm và tâm tư của mình.
Mong rằng bài tâm sự cuối này sẽ khiến các bạn hiểu hơn về tôi và quan điểm của tôi. Tôi là giáo viên dạy bộ môn Giáo dục công dân, tôi coi trọng công dung ngôn hạnh của người bà, người mẹ, người vợ, người con gái như đã thể hiện rõ quan điểm trong các bài trước. Tuy nhiên, tôi thấy đa phần bạn đọc không hiểu được những tâm tư đó.
Tôi là người đọc nhiều sách, trích ra đây một dòng từng đọc được về hai chữ "Xớ rớ": Đó là một từ rặt Nam bộ, nói về hành động quanh quẩn một chỗ nào đó mà không làm gì. Người ta dùng nó để nhận biết những đứa có tài và bất tài trong một đám đông. Ví dụ đám tiệc, mấy đứa bất tài sẽ không biết phụ gì với ai, ngáng đường ngáng sá, còn không thì ngồi một góc hoặc nằm dài trên giường, ôm cái điện thoại hay laptop coi miết. Vì đầu óc rỗng tuếch, nghĩ không ra việc gì để làm, đứng chầu chực để được sai việc. Hoặc bản chất là đứa làm biếng, thay vì lảng đi chỗ khác sẽ bị chửi mắng nên nó xớ rớ qua lại để người ta thấy cũng có mặt, để không mắc cỡ khi ăn". Đây chính là hình ảnh em dâu tôi. Không hiểu sao các bạn lại chê trách tôi là người khó tính.
Trước khi đám tiệc diễn ra, phụ nữ phải vào bếp để chuẩn bị thức ăn. Mẹ tôi dậy từ 2h sáng để chuẩn bị đám tiệc giỗ chạp cho từ 10 đến 20 mâm đãi cả họ, vợ tôi dậy sau, từ lúc 3h hoặc tầm đấy, còn em dâu 6h mới chường mặt ra, còn hỏi kiểu: "Ôi mẹ và chị thức sớm vậy, con rửa mặt rồi phụ nhặt rau nhé". Vợ tôi bảo rau nhặt xong hết rồi, tỏi ớt cũng bóc cả, thịt cũng ướp gia vị luôn rồi, đợi em thì không biết tới khi nào". Em không những không thấy xấu hổ vì dậy trễ mà còn nói: "Mẹ và chị dậy sớm giỏi thật". Mẹ tôi lúc nào cũng nuông chiều con cái đến hư thân, còn bảo vào ngủ thêm cho đẫy mắt. Vợ tôi nói ngay là mẹ không được dễ dãi như vậy.
Đã là dâu thì phải làm việc, ai đời cưới dâu về mà mẹ chồng vẫn phải lọ mọ dậy từ 2h sáng. Cưới dâu về là để đỡ việc cho mẹ chồng và gia đình chồng, tại sao nhà chồng đi cưới con dâu lại phải có vàng có tiền là vì như vậy. Tôi không nói là gia đình bên ngoại bán con gái, nhưng muốn nêu quan điểm đã về làm dâu phải xứng đáng với những gì mình được nhận khi đám cưới. Trong bếp tự giành lấy việc mà làm, thậm chí mẹ chồng có bảo để đấy mẹ làm cho thì cũng phải biết đường giành lấy: "Để con làm, mẹ nghỉ đi", không phải mẹ chồng bảo để mẹ làm thì để cho mẹ làm luôn.
Tôi không đồng tình quan niệm rửa chén là một công việc nặng nhọc. Em dâu luôn giành rửa chén vì đây là công việc không yêu cầu động não, chỉ là việc tay chân. Nấu ăn lại là một nghệ thuật, đòi hỏi người nấu phải khéo, động não, biết suy nghĩ sắp xếp cái nào trước cái nào sau. Còn rửa chén chỉ một tiêu chí: sạch là được. Trong tất cả các công việc tại bếp, rửa chén đơn giản nhất và chỉ có những kẻ vụng thối mới giành mà thôi. Rửa mấy chồng chén cũng vậy, chỉ cần thời gian; còn nấu ăn cho cả họ cần cả cái đầu biết hoạt động. Em dâu từng nấu cho cả nhà ăn và không ai nuốt nổi trừ chồng em, món nào cũng nêm rất nhiều đường. Tôi ý kiến thì em nói trong Nam ăn ngọt lắm, em ăn vậy hơn 20 năm rồi. Em trai tôi vẫn ăn được, tôi cho là đã bị đồng hóa. Vợ tôi bảo sau này bị tiểu đường thì đó là nhân quả thôi. Mẹ tôi thì cái gì cũng kệ, riết rồi không còn phép tắc kỷ cương gì trong nhà.
Các cháu có vẻ rất thích thím út, đơn giản là vì các cháu bảo thím đẹp. Tôi nghi ngờ rằng em trai cũng mê em dâu vì em đẹp, dẫn tới bị bỏ bùa. Đẹp mà rỗng tuếch lại chẳng để làm gì. Mỹ phẩm của em theo quan sát của vợ tôi là đắt tiền. Túi đắt, quần áo váy vóc đắt. Nói chung em thích mặc đẹp, ăn ngon, không chịu được khổ cực dù nhà em theo tôi không phải khá giả, chỉ trung lưu. Tôi không phủ nhận em dâu đi làm kiếm được tiền, nhưng tôi ở quê nhà cũng có đất có xe, vật chất không thiếu, tương lai tôi còn ở nhà của bố mẹ để lo thờ cúng. Em dâu so với vợ tôi không bằng 1/10. Tôi đòi hỏi một người em dâu giỏi giang, đảm đang, gánh vác được gia đình, thờ cúng tổ tiên, chứ không phải là đẹp mà vụng. Tuy nhiên, gu của em trai tôi hay giới trẻ bây giờ lại hướng về những thứ giá trị rỗng ruột như vậy. Việc thờ cúng ở dòng họ tôi cực kỳ quan trọng, dâu vụng không lo được cúng giỗ thì thôi bỏ.
Trong bài tâm sự trước của tôi đã có nhiều bạn đọc đề cập tới em dâu thứ hai, tôi đã không nhìn mặt vợ chồng em thứ hai từ 9 năm nay, do vậy tôi không quan tâm việc sửa đổi em dâu thứ hai làm gì, em có hư thân cũng tự chuốc lấy. Tôi còn nhắc nhở, để ý vợ chồng út là vì còn thương. Em dâu thứ hai từ ngày đầu tiên về nhà là tôi đã không vừa ý. Tập quán nơi tôi ở khi chào hỏi phải chào từng người một, từng tên một, tuy nhiên em vừa vào nhà đã: "Con chào cả gia đình". Tôi sửa ngay, phải chào bố, mẹ, chú A, thím A, chú B, thím B... cứ thế cho đến khi hết tất cả thành viên ở đấy. Trong bữa ăn, khi mời cơm cũng vậy, mời bố, mời mẹ, mời từng người một. Tuy nhiên, em dâu thứ hai vẫn mời cả gia đình, chào cả gia đình. Đó là hành vi lười nhác và không coi trọng tập quán quê chồng.
Đỉnh điểm tết 9 năm trước, trong khi tôi đang cúng với tư cách là con trai trưởng, cháu đích tôn của dòng họ, em dâu thứ hai bê mâm cúng lên và vấp đổ nguyên cả mâm. Đó đã là năm thứ hai em về làm dâu nhưng vẫn quá vô lễ với ông bà tổ tiên. Tôi chửi thẳng mặt và từ đó không nhìn mặt em nữa. Đó là một hành vi vô phép không thể tha thứ được. Chồng em bênh vực và tôi từ mặt cả hai. Do vậy, tôi không quan tâm việc em dâu thứ hai có đến phụ đám tiệc không vì trong mắt tôi không có đứa em này. Tôi cho rằng em dâu út còn sửa đổi được nên mới năng góp ý, uốn nắn. Tuy nhiên em dâu út cũng không khá hơn em dâu thứ hai là mấy. Cảm ơn các bạn vì đã lắng nghe.
Tùng
Độc giả gọi vào số09 6658 1270để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc
Post a Comment