Thông tin được ngành Y tế Tp.HCM cho biết tại buổi kiểm tra công tác tiêm chủng vaccine và phòng, chống Covid -19 của Bộ Y tế tại Tp.HCM sáng 26/3.

Báo cáo về công tác tiêm chủng vaccine Covid-19 trên địa bàn, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tp.HCM (HCDC) cho biết, thành phố được giao 8.000 liều vaccine phòng Covid-19. Từ ngày 8/3, công tác triển khai tiêm chủng bắt đầu thực hiện.

Tính đến ngày 25/3, Tp.HCM có 1.151 nhân viên y tế được tiêm vaccine. Trong đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới 904 người; Bệnh viện Quận 11 có 20 người; Bệnh viện Hùng Vương 44 người; Bệnh viện Dã chiến 46 người; Bệnh viện Huyện Củ Chi 39 người; Bệnh viện Trưng Vương 98 người.

Ngày 26/3, Bệnh viện Tân Bình tiêm vaccine cho 50 người, Bệnh viện Hùng Vương (41 người, nâng tổng số người được tiêm 85 người), Bệnh viện Huyện Bình Chánh (22 người). Dự kiến đến hết tuần này, sẽ có 1.264 người được tiêm vaccine. Công tác tiêm vaccine đợt 1 dự kiến sẽ kết thúc vào khoảng giữa tháng 4/2021.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá công tác triển khai tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tại Tp.HCM đang được thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 vẫn thường xuyên có biến chủng, do đó công tác tiêm vaccine cần vừa thực hiện vừa điều chỉnh để phù hợp, an toàn hơn.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng nhận định, quan trọng nhất trong công tác tiêm chủng là khâu khám sàng lọc trước tiêm. Các cơ sở tiêm chủng cần thực hiện khám sàng lọc kỹ, không bị áp lực bởi số lượng tiêm chủng. Việc khám sàng lọc được thực hiện tốt sẽ giảm các trường hợp có phản ứng sau tiêm đến mức thấp nhất.

Hiện nay, vaccine Covid-19 đang được triển khai tiêm chủng cho 9 nhóm đối tượng ưu tiên. Sắp tới khi lượng vaccine tiếp cận được nhiều việc triển khai tiêm vaccine sẽ được mở rộng tiêm chủng tại các điểm tiêm trong cộng đồng, bao gồm cả hình thức xã hội hoá.

Để sẵn sàng kế hoạch cho tiêm chủng vaccine trên diện rộng, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị ngành Y tế Tp.HCM tập huấn kỹ cho đội ngũ trực tiếp tham gia tiêm. Tại các điểm tiêm cộng đồng ngoài cơ sở y tế, phải tăng cường cơ số thuốc chống sốc, sẵn sàng thêm nhân lực có chuyên môn trong xử lý các phản ứng sau tiêm.

Liên quan đến 2 trường hợp nhập cảnh trái phép về Việt Nam bằng tàu cá qua đảo Phú Quốc, sau đó 1 một trường hợp đến Tp.HCM và được xác định nhiễm Covid-19 (bệnh nhân 2.580), Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, Tp.HCM giáp ranh với các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ là những địa phương có đường biên giới, do đó nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vẫn còn hiện hữu.

Thứ trưởng Y tế đề nghị thành phố cần kiểm soát tốt nhập cảnh, tiếp tục thực hiện chặt chẽ, kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép vào thành phố, kể cả cơ sở tổ chức cách ly cho người nhập cảnh trái phép.

Nếu có ca bệnh cần khoanh vùng diện hẹp, kịp thời dập dịch. Những trường hợp nghi ngờ cần xét nghiệm diện rộng nhưng theo chỉ định và tăng cường giám sát phát hiện sớm ca nghi ngờ. Thậm chí, thành phố cần sẵn sàng các phương án cho bệnh viện dã chiến khi có các tình huống số ca bệnh tăng.

Để phòng chống dịch trong tình hình mới, ngành Y tế thành phố cần tập trung các nguyên tắc, như: "chống dịch như chống giặc"; "4 tại chỗ" (dự phòng, cách ly điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị thuốc men phòng hộ tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ); vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, đặc biệt là "5K + vaccine".

"Vaccine mới được triển khai tiêm trong khi hiện nay lượng vaccine tiếp cận được vẫn còn rất ít, do đó người dân không được chủ quan, lơ là, vẫn tiếp tục đẩy mạnh "5K + Vaccine" để phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao nhất", Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top