"Doanh nghiệp không cần hỗ trợ về tiền bạc mà cần hỗ trợ về thể chế để có môi trường kinh doanh ổn định và an toàn, để họ cảm thấy được bình đẳng, được tôn trọng. Đấy mới chính là "làm tổ" cho "đại bàng Việt", ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh tại  hội thảo "Làm tổ cho đại bàng nội" diễn ra chiều 5/3 tại Quảng Ninh.

Có thể nói câu chuyện kiến tạo môi trường đầu tư minh bạch, bình đẳng giữa các khối doanh nghiệp luôn là vấn đề nóng khi bàn về những thiệt thòi của khối tư nhân, đặc biệt trong việc tiếp cận những nguồn lực quan trọng như lao động, thị trường, quyền kinh doanh, thông tin... 

VẪN CÒN "ĐỘ CHÊNH" LỚN

Thực tế cho thấy, sau hơn ba năm thực hiện Nghị quyết 10, khối doanh nghiệp tư nhân được bảo vệ hơn. Đồng thờicũng có sân chơi tốt hơn khi tham gia các lĩnh vực kinh tế, với những dấu ấn rõ nét: thu hút khoảng 85% lực lượng lao động; đóng góp trong cơ cấu GDP luôn ở mức trên 43%. Trong khi khu vực kinh tế nhà nước chỉ gần 29% và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là khoảng 18% GDP.

Tuy vậy, lãnh đạo VCCI bày tỏ, các dự án nước ngoài tại nhiều địa phương được đánh giá cao, còn doanh nghiệp nội ví như "bụt chùa nhà không thiêng" dù mang lại giá trị, công ăn việc làm. 

Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết, có một thực tế khi các địa phương thu hút đầu tư FDI, họ cam kết giải phóng mặt bằng, sẵn sàng chịu phạt nếu không hoàn thành kịp tiến độ vì nhà đầu tư nước ngoài đưa ra yêu cầu rất cao. Song với doanh nghiệp trong nước quy mô thậm chí lớn hơn công ty nước ngoài thì lại không có sự cam kết đó.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, sự chênh lệch về nhiều mặt giữa khu vực kinh tế tư nhân với khối doanh nghiệp nhà nước và FDI có nguyên nhân gốc rễ là môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế chưa thực sự được tạo lập. Tình trạng "không chịu lớn" và không muốn chính thức hóa hoạt động kinh doanh của số đông doanh nghiệp tư nhân siêu nhỏ, nhỏ và vừa phản ánh niềm tin kinh doanh còn thấp và bấp bênh ở khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam. 

"Nhà nước cần thực hiện đầy đủ, thực chất chính sách về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đặt khu vực này vào sân chơi bằng phẳng với doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân. Những ưu đãi tràn lan, quá mức, thiếu chính đáng, thiếu công bằng dành cho FDI và doanh nghiệp thân hữu phải được xóa bỏ", bà Lan cho hay. 

Về vấn đề này, ông Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng nếu khối FDI chỉ chiếm chừng 20% GDP, mà chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu là có chuyện. Có nghĩa doanh nghiệp FDI được hưởng hầu hết lợi ích thương mại do nỗ lực hội nhập của ta mang lại, cho thấy tồn tại khiếm khuyết rất lớn về quan điểm nội lực và ngoại lực. Do đó, cách tiếp cận về phát triển doanh nghiệp Việt Nam phải sửa lại. Cần dựa vào năng lực nội địa, dựa vào lực lượng kinh tế trong nước, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng. Doanh nghiệp tư nhân phải là doanh nghiệp Việt và nếu tới đây chúng ta làm đúng tinh thần của Đảng, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, thì nền kinh tế còn tăng trưởng cao hơn nữa, ông nhận định. 

VAI TRÒ DẪN DẮT CỦA "ĐẠI BÀNG VIỆT"

"Qua tìm hiểu sự phát triển kinh tế tại một số nước, chúng tôi nhận ra rằng, những tập đoàn lớn của Hàn Quốc chiếm khoảng 50-60% GDP. Nếu Việt Nam có thể xây dựng được những doanh nghiệp tương tự thì có thể dẫn dắt nền kinh tế phát triển mạnh mẽ bởi các doanh nghiệp mũi nhọn, là cánh chim đầu đàn để Việt Nam cất cánh", ông Vũ Thanh Thắng, Phó chủ tịch tập đoàn Bkav chia sẻ.

Lãnh đạo Bkav cũng đưa ra một số đề xuất để xây dựng doanh nghiệp mũi nhọn như: Chính phủ chọn các doanh nghiệp vượt trội, có sức khoẻ, sức cạnh tranh về công nghệ; tạo ra môi trường để các doanh nghiệp phát triển bùng nổ, trong đó vốn, nhân lực, thị trường, chính sách đặc biệt quan trọng. Khi đã có sản phẩm có tỷ lệ nội địa hoá cao, Chính phủ cần tạo bàn đạp để sản phẩm này được phổ biến, phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam trước khi vươn ra toàn cầu.

Đồng quan điểm, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch tập đoàn Phú Thái cho rằng, tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam nhiều, nhưng thiếu các doanh nghiệp đầu tàu. Nguyên nhân là do nhiều đơn vị chưa thể minh bạch, chia sẻ về hoạt động kinh doanh, khó có thể đồng hành, liên kết phát triển. 

Trên cơ sở đó, ông Đoàn kiến nghị, doanh nghiệp không thể nghĩ "riêng lẻ khoẻ ăn", tự phát triển, cạnh tranh nội địa, làm suy yếu lẫn nhau theo kiểu "quân ta đấu quân mình"; Nhà nước cần phải có hoạch định mạch lạc để doanh nghiệp phát triển mạnh trong 5 đến 20 năm tới. Đặc biệt, nên có chính sách hạn định số lượng đơn vị tham gia vào một số ngành nghề để tránh lãng phí nguồn lực. 

Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn FLC chia sẻ, ngoài quy hoạch xây dựng; cơ sở hạ tầng; nhân lực tại chỗ, thì yếu tố tiên quyết thu hút "đại bàng" về "làm tổ" cũng như thúc đẩy sự phát triển lớn  mạnh của các nhà đầu tư là thái độ ứng xử, tương tác giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp. 

"Doanh nghiệp nếu nhận được sự chào đón chân thành của chính quyền thì sẽ cảm thấy có thiện cảm và yên tâm khi đầu tư. Bởi khi đầu tư vào một địa phương nào đó, doanh nghiệp luôn mong muốn đầu tư lâu dài. Do đó, doanh nghiệp quan tâm cả quá trình đầu tư sẽ được địa phương ứng xử ra sao. Điều này lại phụ thuộc vào sự xuyên suốt trong chỉ đạo của mỗi tỉnh", bà Dung nói.

"Để biết công cuộc phát triển đất nước có thành công hay không thì nhìn vào thái độ của xã hội nhà nước với doanh nhân. Cái nhìn tôn trọng chính là nền tảng cho sự phát triển của đội ngũ doanh nghiệp. Bối cảnh hiện nay cho thấy cần phải có môi trường công bằng, thể chế thuận lợi để doanh nhân có thể yên tâm kinh doanh", ông Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top