Không có cánh tay nào được giơ lên sau câu hỏi của ông Phạm Xuân Hoè, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng tại buổi đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vượt qua Covid-19 mới đây: "Trong số các doanh nghiệp tại đây, có doanh nghiệp nào tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi có trần lãi suất 4,5%/năm với các lĩnh vực ưu tiên?".

Một trong những nguyên nhân, theo vị chuyên gia, là do doanh nghiệp bị liệt vào "danh sách đen" do dính nợ xấu, nợ quá hạn trả lãi hoặc gốc. "Vì thế, kể cả khi doanh nghiệp đã hoàn trả gốc và lãi đầy đủ, thì vẫn có "vết" trong hệ thống thông tin ngân hàng nên rất khó tiếp cận vốn ở bất kỳ ngân hàng nào chứ đừng nói đến việc tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi", ông Hoè nói.

QUY ĐỊNH QUÁ KHẮT KHE?

Cùng quan điểm với chuyên gia Phạm Xuân Hoè, ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang cho biết: nếu loại trừ những trường hợp doanh nghiệp yếu kém cần cẩn trọng trong việc xem xét cho vay thì có những doanh nghiệp chỉ một lần gặp khó tạm thời mà không bao giờ tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng là quá khắt khe.

Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân duy nhất. Theo ông Thập, một vướng mắc nữa được doanh nghiệp nêu lên từ rất lâu nhưng đến giờ vẫn chưa có cách thức giải quyết hiệu quả. Đó chính là tài sản thế chấp.

"Không ít cán bộ ngân hàng do năng lực thẩm định dự án hạn chế, thường muốn làm theo cách thuận tiện, giữ an toàn cho mình nên không thật sự đồng hành cùng doanh nghiệp", ông Thập cho hay.

"Đáng tiếc, doanh nghiệp lại không thể không thể dùng nguồn tài sản này để thế chấp với ngân hàng vì ngân hàng không mặn mà và bị định giá rất thấp", ông Thập cho biết.

Vì vậy, vị đại diện cho doanh nghiệp Tuyên Quang đề xuất, trong trường hợp không có sự thống nhất giữa doanh nghiệp và ngân hàng, cần có cơ quan thứ ba, độc lập tham gia định giá tài sản đảm bảo, tránh việc doanh nghiệp bị định giá thấp tài sản khi vay vốn.

Trong khi đó, ở góc độ nghiên cứu, ông Phạm Xuân Hoè cho biết nếu chính sách ưu đãi doanh nghiệp đã được ban hành nhưng lại có những điều kiện ràng buộc đi kèm quá chặt chẽ sẽ khiến người cần thụ hưởng khó tiếp cận.

"Ngân hàng Nhà nước có chủ trương hạ lãi suất với mục tiêu tạo điều kiện gián tiếp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do Covid-19. Nhưng khi triển khai thực tế, tại các ngân hàng, lãi suất tiền vay luôn hạ chậm và ít hơn so với lãi suất tiền gửi. Rất ít doanh nghiệp thật sự tiếp cận được nguồn vốn vay có trần lãi suất 4,5%/năm được áp dụng với các lĩnh vực ưu tiên do một số quy định quá chặt so với thực tế", ông Hòe cho biết.

Vì vậy, vị chuyên gia cho rằng các chính sách hỗ trợ cần bám sát thực tiễn để chính sách có thể đi vào cuộc sống, đến đúng các đối tượng cần hỗ trợ. "Chính sách hỗ trợ sẽ giảm ý nghĩa nếu quá khó để tiếp cận", vị chuyên gia nhận định.

THÁO GỠ NÚT THẮT TÍN DỤNG 

Để tháo gỡ nút thắt này, ông Phạm Xuân Hoè, phải tìm cách "xoá" vết đen của doanh nghiệp trên hệ thống thông tin của ngân hàng. 

Trong khi đó, khi bàn về khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp mới đây, chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp ở lĩnh vực du lịch, khách sạn... rất cần vốn ưu đãi để duy trì, ổn định sản xuất, kinh doanh. Theo đó, để kéo giảm lãi vay, cần có một tổ hợp tín dụng đi kèm với bảo lãnh tín dụng. Các ngân hàng sẽ cùng tham gia vào tổ hợp này tùy vào khả năng từng ngân hàng mà đóng góp vốn. Gói vốn cho tổ hợp tín dụng nên ở mức 300.000 tỷ đồng và cho vay tín chấp với lãi suất 3 đến 5%. Tuy nhiên, cho vay tín chấp sẽ có rủi ro nên phải có thêm cơ chế quỹ bảo lãnh tín dụng.

"Đơn vị nhận gói vay này nên để kỳ hạn vay 5 năm nhằm giúp hồi phục và tăng trưởng sau thời gian dịch bệnh. Bằng cách này, lãi vay thấp sẽ lan tỏa đến cả các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, những thực thể bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh trong khi khó có đủ tài sản có giá trị để thế chấp vay tín dụng", ông Hiếu đề xuất.

Chia sẻ với những khó khăn mà khu vực doanh nghiệp đang gặp phải, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết các ngân hàng xác định, doanh nghiệp có tồn tại, sống khỏe thì ngân hàng mới phát triển và ngược lại. Dù vậy, trong quá trình triển khai các ngân hàng cũng đối mặt với nhiều thách thức vì sự sụt giảm "sức khoẻ" của nhiều doanh nghiệp.

Cụ thể, theo ông Hà Thanh Hải, Giám đốc Vietcombank Tuyên Quang, trong quá trình xem xét, đánh giá cấp tín dụng cho doanh nghiệp, ngân hàng luôn đánh giá hiệu quả dự án, tài sản đảm bảo chỉ là biện pháp cuối cùng, vì thực tế, mục đích của ngân hàng kinh doanh là tiền tệ, không bao giờ muốn để đến mức phải xử lý hay bán tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, ý kiến của ông Hải là cần sớm sửa đổi một số cơ chế liên quan để hỗ trợ tốt hơn nữa các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Bà Hà Thu Giang cũng thông tin thêm: hiện Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương sửa đổi chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN theo hướng điều chỉnh một số mốc thời gian để tổ chức tín dụng được cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng, đảm bảo phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam thời gian qua và sửa đổi, bổ sung một số quy định để phù hợp với thực tế triển khai của tổ chức tín dụng.

Từ đầu năm 2020, ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp điều chỉnh giảm 3 lần các mức lãi suất, tổng mức giảm 1,5-2,%/năm đối với lãi suất điều hành. Các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 265 nghìn khách hàng với dư nợ 366 nghìn tỷ đồng.

Ngân hàng cũng thực hiện miễn, giảm, hạ lãi suất vay vốn cho 625 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 1,06 triệu tỷ đồng. Cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước dịch đối với 426 nghìn khách hàng, doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt hơn 2,65 triệu tỷ đồng.

Trong lĩnh vực thanh toán, ngân hàng đã thực hiện chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán như: ban hành Thông tư điều chỉnh giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) và các Tổ chức tín dụng thực hiện giảm, miễn phí giao dịch thanh toán cho khách hàng...

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top