Từ đà xuất khẩu 2 tháng đầu năm, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep) dự báo kim ngạch xuất khẩu tháng 3/2021 sẽ đạt khoảng 640 triệu USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó xuất khẩu sang Mỹ, EU và các nước CPTPP sẽ duy trì tín hiệu tích cực nhờ nhu cầu cao và nhờ "đòn bảy" từ các hiệp định thương mại tự do EVFTA và CPTPP.

Sau khi tăng 23,4% trong tháng 1/2021 đạt 606 triệu USD, với những tín hiệu tích cực từ mặt hàng cá tra, các loại cá biển (trừ cá ngừ), tôm chân trắng… và xuất khẩu sang một số thị trường chủ lực tăng mạnh như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Mexico, Đài Loàn, Brazil, xuất khẩu thủy sản của cả nước trong tháng 2 giảm khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2020 ước đạt trên 405 triệu USD. 

Mức tăng trưởng âm này là do tháng 2 năm nay trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thời gian sản xuất khai thác, chế biến ít hơn so với tháng 2/2020. Như vậy lũy kế đến hết tháng 2/2021, xuất khẩu thủy sản đạt trên 1 tỷ USD, tăng 2,2%.

Trong hai tháng đầu năm, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản của Việt Nam tiếp tục bị chi phối bởi xu hướng tiêu thụ của thị trường trong bối cảnh dịch Covid vẫn nghiêm trọng. Theo đó, nhu cầu vẫn nghiên về các sản phẩm thủy sản có giá vừa phải, dễ chế biến, có thời hạn bảo quản lâu, phù hợp với chế biến và tiêu thụ tại nhà như: tôm chân trắng cỡ nhỏ đông lạnh, tôm chân trắng chế biến, chả cá, surimi, cá biển phile, cắt khúc, cá cơm khô, mực khô… 

Trong khi đó, xuất khẩu các sản phẩm tôm nguyên con đông lạnh, nhất là tôm sú giảm do yếu tố giá cao và do sự kiểm soát chặt hàng thử phẩm đông lạnh nhập khẩu của thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, kỳ nghỉ Tết cũng khiến nguồn nguyên liệu sụt giảm nhất là các mặt hàng hải sản như cá ngừ, mực, bạch tuộc và tôm biển… khiến giá trị xuất khẩu giảm. Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm cũng bị hạn chế bởi cước vận tải biển tăng cao.

Xuất khẩu tôm tháng 2 ước đạt gần 160 triệu USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2020 và tính đến hết tháng 2 xuất khẩu đạt trên 380 triệu USD, giảm nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do xuất khẩu tôm sú giảm gần 40%, trong khi xuất khẩu tôm chân trắng vẫn chiếm tỷ trọng ngày càng lớn, 80% tổng xuất khẩu với khoảng 304 triệu, tăng khoảng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, tôm sú chỉ chiếm 10% đạt khoảng 38 triệu USD, giảm 48%.

Xuất khẩu cá trá sau khi sụt giảm liên tục trong năm 2020, đầu năm nay đã có dấu hiệu tích cực, theo đó xuất khẩu trong tháng 1 tăng 22% đạ 123,5 triệu USD và tháng 2 giảm 17% đạt 90 triệu USD, đưa kết quả lũy kế 2 tháng lên 214 triệu USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 1/2021, xuất khẩu cá tra phile đông lạnh đã tăng 54%, cá tra nguyên con tăng 162%. Ngoài khách hàng Trung Quốc, các nhà nhập khẩu Colombia cũng tăng mua cá tra nguyên con của Việt Nam. Trong tháng 1/2021 nước này nhập khẩu chủ yếu cá tra nguyên con, cá tra phile chỉ chiểm tỷ lệ nhỏ.

Theo Vasep, trừ Trung Quốc và EU, xuất khẩu cá tra Việt nam có chiều hướng hồi phục mạnh tại tất cả các thị trường, trong đó tăng mạnh sang Mỹ (tăng 51% tỏng tháng 1/2021), sang các nước CPTPP tăng 38% (trong đó sang Mexico tăng 73%, sang Australia tăng 45%, Canada tăng 42% trong tháng 1/2021). Xuất khẩu sang các thị trường khá (Brazil, Coclombia, Anh, Nga) đều tăng từ 37-129% trong tháng 1.

Đối với các mặt hàng hải sản, tổng xuất khẩu trong tháng 1 tăng 31,4% đạt 264 triệu USD, sang tháng 2 giảm 21% đạt 156 triệu USD, đưa kết quả xuất khẩu 2 tháng đầu năm lên gần 420 triệu USD, tăng 5,5%. Trong đó, xuất khẩu cá ngừ và nhuyễn thể hai mảnh vỏ đều giảm 11%, xuất khẩu mực, bạch tuộc tăng nhẹ 0,8%, các mặt hàng cá biển tăng 15%, trong khi xuất khẩu cua ghẹ giảm 26%.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top