Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, thực tế trong nhiều trường hợp không biết ai là “Nhà nước” thực sự, do đó dẫn đến các quan chức lạm quyền trong việc thu hồi đất, xâm hại quyền lợi của người dân rồi chuyển vào tay các nhóm lợi ích, khiến cả quyền lợi của người dân lẫn lợi ích quốc gia bị xâm hại. Hậu quả là trong một số trường hợp đất đai sẽ được chuyển từ người dân nghèo sang tay “các đại gia” với giá rất thấp. Đồng thời, “các đại gia” này lại bán đất ra với giá cao cho người dân. Không ít trường hợp đất đai bị thu hồi để rồi bỏ hoang, bởi những dự án “treo” không có điểm dừng, đi kèm là cái ‘mất’ của hàng ngàn người dân bị mất sinh kế, tạo nên nỗi bức xúc lớn cho xã hội. Đất đai là là ổ tham nhũng lớn nhất Việt Nam khi Nhà nước không có thiết chế kiểm soát và để thị trường nhà đất rơi vào tay các đại gia. Đó là cả một vấn nạn !

Năm 2016 được coi là năm nhiều triệu phú tiền đô la ở Việt Nam xuất đầu lộ diện.

Truyền thông trong nước tường thuật rằng trong năm qua, đã có nhiều tên tuổi mới sở hữu ngàn tỷ đồng.

Với sự phát triển nhanh chóng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong những năm qua, những người giàu nhất Việt Nam chủ yếu là những đại gia của sàn chứng khoán. Theo công bố của Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước (UBCKNN) trong năm qua, Việt Nam đã lọt vào Top 5 thị trường chứng khoán Đông Nam Á tăng trưởng cao nhất. VNMedia trích lời chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng cho biết mức vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam đạt hơn 1.76 triệu tỉ đồng trong năm 2016, tương đương với 42% GDP.

Theo đánh giá của kinh tế gia Lê Đăng Doanh, “số tỷ phú Việt Nam gần đây đã xuất hiện đông đảo hơn và tất cả họ đều liên quan đến bất động sản.”

Nguyên viện trưởng viện Quản Lý Kinh Tế Trung Ương còn cho rằng nhiều người giàu lên nhanh nhờ vào chứng khoán bằng những cách thức rất “khôn ngoan.”

“Cách của họ là họ lập ra nhiều công ty sân sau của chứng khoán – nhiều công ty con. Các công ty đó lại phát hành chứng khoán rồi họ mua bán lẫn nhau – tức là công ty mẹ mua ở công ty con, công ty con mua ở công ty mẹ. Vì vậy số tài sản, số cổ phiếu mà họ sở hữu đã tăng lên một cách rất nhanh chóng và đó cũng là một mẹo để họ làm giàu nhanh.”

Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2016, theo báo Pháp Luật, có 4 đại gia lần đầu tiên được ghi tên trên danh sách tỷ phú đô la. Một nửa trong số những người này là những doanh nhân kinh doanh bất động sản và số còn lại trong ngành thép, bán lẻ, thủy sản, ô tô…

Nổi bật trong năm qua là sự thăng tiến của chủ tịch Hội Đồng Quản Trị tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, chiếm lĩnh ngôi vị cao nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, đánh bật chủ tịch tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng ra khỏi vị trí này. Tổng tài sản thính theo trị giá cổ phiếu của ông Quyết, theo truyền thông trong nước, ước tính lên tới hơn 33.800 tỷ đồng. Với hàng loạt dự án bất động sản, tập đoàn FLC được xem là một trong số ít công ty kinh doanh đình đám nhất trên thị trường địa ốc tại Việt Nam.

Ông Phạm Nhật Vượng là tỷ phú đầu tiên của Việt Nam được tạp chí Forbes đưa vào danh sách những người giàu nhất thế giới khi có tổng tài sản trị giá 1,5 tỷ đô la vào năm 2013.

Tiến sỹ Doanh nhận định rằng “những tỷ phú Việt Nam là những người khôn ngoan trong việc vun đắp các mối quan hệ với giới quyền lực để chia sẻ “địa tô”, tức chênh lệch giá đất, khai thác khoáng sản, đốn gỗ phá rừng.” Ông Doanh nói:

“Họ làm giàu bằng bất động sản, tức là họ ăn chênh lệnh giá đất. Rồi họ được thuê với giá đất tương đối thuận tiện. Rồi họ đầu tư bất động sản và họ ăn lãi. Điều đó có liên quan đến việc đất đai là sở hữu toàn dân mà toàn dân không phải là pháp nhân. Và nhà nước thực hiện quyền người sử dụng và vì vậy cho nên bộ máy nhà nước có thể thu hồi đất của nông dân với một giá rất thấp rồi dùng quyền của mình biến đất đó trở thành đất xây dựng và trao lại cho người là nhà đầu tư và nhà đầu tư đó chắc sẽ phải có một động thái gì đó để làm vừa lòng phía chính quyền.”

Một người kinh doanh bất động sản đã có “bước nhảy ngoạn mục” trong năm qua để lọt vào Top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt là chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu Tư Dịch Vụ Tài Chính Hoàng Huy, ông Đỗ Hữu Hạ. Theo báo Pháp Luật, tổng tài sản chứng khoán của ông Hạ lên tới hơn 2.430 tỷ đồng.

Mặc dù một số tỷ phú mới nổi của Việt Nam được đánh giá là có góp phần đẩy mức tăng trường của thị trường chứng khoán và bất động sản ở Việt Nam, nhưng theo kinh tế gia Lê Đăng Doanh, “những tỷ phú mới giàu lên rất nhanh nhưng không có đóng góp gì vào công nghệ, “họ không có bằng sáng chế, phát minh”, và năng lực cạnh tranh quốc tế của họ “rất hạn chế.”

Ông Doanh cho rằng “họ là sản phẩm của thể chế hiện hành, của chủ nghia tư bản hoang dã”, “khác hẳn với Bill Gates hay Elon Musk.”

“So họ với Bill Gates, so họ với Elon Musk, thì rõ ràng Bill Gates là người có bản quyền có sáng chế và phần mềm Microsoft là một đóng góp rất quan trọng cho tiến bộ của xã hội. Còn Elon Musk, với ô tô Tesla và với nhiều dự án khác như SolarCity của anh ta thì cũng có những đóng góp rất là quan trọng. Đấy là 2 loại hình (giữa tỷ phú thế giới và tỷ phú Việt Nam) rất xa nhau và rất khác nhau.”

Theo tạp chí Forbes, Việt Nam quyết tâm trở thành một “con hổ kinh tế” mới của châu Á và Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình với mức thu nhập bình quân đầu người ít nhất là 1.200 đô la Mỹ, theo Ngân Hàng Thế Giới.

Nhưng Tiến sĩ Lê Đăng Doanh lưu ý về mức chênh lệch giàu nghèo ở Việt Nam hiện rất cao và sẽ ngày càng tăng nếu không có thay đổi liên quan tới “bất động sản và quyền sở hữu đất đai” và không kiểm soát được “chế độ tư bản thân hữu.” Khoảng chênh lệch giàu nghèo quá lớn, theo ông Doanh, “sẽ dẫn đến những diễn biến rất phức tạp”.


Phạm Nhật Vượng (bên trái), Trịnh Văn Quyết và Bùi Thanh Nhơn

Mừng hay lo về tỷ phú bất động sản ở Việt Nam?

Các chuyên gia kinh tế, nhà báo bình luận với BBC về việc tỷ phú bất động sản chiếm một nửa top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2016.

Truyền thông Việt Nam ghi nhận top 10 người sàn giàu nhất sàn chứng khoán năm 2016 có tổng tài sản khoảng 99.132 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với mức 48.993 tỷ đồng của năm 2015.

Người giàu hoạt động trong lĩnh vực bất động sản áp đảo top 10 năm nay, khi chiếm một nửa danh sách, với tổng tài sản đạt 80.122 tỷ đồng, chiếm hơn 80% tổng tài sản top 10, theo VnEconomy.

Những tỷ phú bất động sản được nhắc đến trong top nêu trên là Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FLC, Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Bùi Thành Nhơn – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Novaland… Trong đó, ông Trịnh Văn Quyết đã mua chuộc, cấu kết với các quan chức các tỉnh thành như Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bình Định,… để thu hồi (thực ra là cướp) đất đai của nông dân để làm các dự án biệt thự sân golf.


Người dân Thanh Hóa phản đối thu hồi đất tại Sầm Sơn

‘Bất ổn’

Hôm 4/1, trả lời BBC từ TP Hồ Chí Minh, ông Mai Quốc Ấn, cựu phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, nói: “Hơn một thập kỷ qua có rất nhiều người giàu mới nổi tại Việt Nam nhờ bất động sản. Tuy nhiên, tôi nghĩ đó là sự giàu có thiếu bền vững nếu nhìn vào đa số.”

“Rất nhiều tỷ phú đã trắng tay khi bong bóng bất động sản vỡ và rất ít người trụ lại được và thành công.”

“Nhưng tựu trung, việc làm giàu nhờ bất động sản mà có yếu tố chênh lệch giá nhờ cơ chế thì tôi không đánh giá cao.”

“Lấy ví dụ việc người dân khởi kiện quyết định hành chính của Ủy ban Nhân dân tỉnh về việc lấy đất làm dự án nhà nước với mức giá đền bù nhà nước rồi giao đất ấy lại cho doanh nghiệp tư nhân.”

“Cuộc thương lượng đáng ra phải có giữa doanh nghiệp tư nhân và người dân bị lấy đất đã “biến mất”.

“Điều này gây tốn kém tiền bạc, thời gian khi người dân phải khiếu kiện đòi quyền lợi chính đáng. Thậm chí, nó có thể gây bất ổn xã hội kiểu như vụ nổ súng ở Đak Nông làm 3 người chết, nhiều người bị thương hồi tháng 10/2016.”

“Tôi rất mong Đảng và Chính phủ Việt Nam nhìn nhận vấn đề này và có các điều chỉnh phù hợp về Luật Đất đai.”

“Bản thân đất đai là một loại tài nguyên có hạn. Đổi đất lấy hạ tầng là một biện pháp đặng chẳng đừng. Ngân sách nên được tăng bởi các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và tri thức.”

“Các lỗ hổng về Luật Đất đai cần phải được điều chỉnh bằng thực tế xã hội.”

“Việc tràn ngập chung cư ở các nội đô gây kẹt xe có thể điều chỉnh bằng cách yêu cầu doanh nghiệp đầu tư hạ tầng đi kèm như đường sá, cầu cống và phương tiện giao thông công cộng như là một điều khoản của hợp đồng.”

“Miếng bánh lợi nhuận của nhà đầu tư tư nhân cần phải được tính toán lại bởi họ có quá nhiều ưu đãi, lợi thế.”

“Thị trường bất động sản cần phải minh bạch và đúng giá trị thật của nó”, ông Ấn nói.


‘Lỗi chính sách’

Hôm 4/1, từ Đại học Strasbourg, Pháp, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phú, chuyên ngành kinh tế, nói với BBC: “Tôi nghĩ là ở Việt Nam nếu có các tập đoàn bất động sản lớn thì tốt thôi.”

“Đơn thuần đây là các hoạt động kinh doanh, nếu hợp pháp thì sẽ đóng góp nhiều cho kinh tế.”
“Tuy vậy, nếu các doanh nghiệp này quá lớn thì dẫn đến khả năng thị trường bị độc quyền sẽ không có lợi cho người tiêu dùng.”

“Do đó nhà nước phải có luật để kiểm soát. Việc để các doanh nghiệp lũng đoạn thị trường bất động sản thì trước tiên là lỗi chính sách.”

“Mà có lẽ lý do đầu tiên là vấn đề quyền sỡ hữu đất đai được quy định tại Việt Nam.”

“Và thứ nữa là luật về trưng thu đất đai cho các dự án kinh tế.”

“Giá cả đất đai khu bị trưng dụng không được ước tính theo cơ chế thị trường, nên các doanh nghiệp cấu kết với chính quyền (đây chính là ‘lợi ích nhóm’) sẽ hưởng lợi nhiều nhất. Người dân nhượng quyền sử dụng đất bị thiệt thòi nhiều nhất.”

“Việt Nam cần thay đổi luật đế các doanh nghiệp bất động sản không thể tận dụng chính sách để trục lợi.”

“Khi đó khu vực bất động sản sẽ đóng góp to lớn cho nền kinh tế, và cả cho vấn đề xã hội, ví dụ nhà ở cho người thu nhập thấp, chính sách tái định cư…”


‘Quan hệ thân hữu’

Cùng ngày, trao đổi cùng BBC, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho hay: “Trong khi các nước khác đều phát triển kinh tế trên nền tảng công nghiệp, Việt Nam lại để lợi ích bất động sản lấn át khu vực các ngành công nghiệp, dịch vụ khác.”

“Tình trạng này khiến mục tiêu trở thành một nước công nghiệp hóa năm 2020 không có cách nào đạt được.”

“Có thể thấy các doanh nghiệp bất động sản lớn tại Việt Nam đều phải có ‘quan hệ thân hữu’ thì mới tiếp cận được chính sách quy hoạch đất đai mà những doanh nghiệp bình thường rất khó tiếp cận.”

“Nhà nước còn giúp những người kinh doanh bất động sản thu hồi đất với giá thấp rồi sau đó bán lại cho khách hàng với giá cao gấp mấy trăm lần nên dễ hiểu tại sao họ kiếm lời rất nhanh và hình thành những tỷ phú, triệu phú trong lĩnh vực này.”

“Không thể phủ nhận các doanh nghiệp bất động sản có đóng góp nhất định, nhất là tại các khu vực đô thị trong bối cảnh Nhà nước chưa đáp ứng được nhu cầu về nhà ở của người dân.”
“Tuy vậy, tôi quan ngại hơn đến việc doanh nghiệp bất động sản đang hút hết nguồn lực xã hội, tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng, khiến các ngành cốt lõi như công nghiệp, nông nghiệp thua thiệt và chững lại.”

“Do vậy mà cái ‘được’ của ngành bất động sản đi kèm cái ‘mất’ của hàng ngàn người dân bị mất sinh kế, tạo nên nỗi bức xúc lớn cho xã hội.”
“Hầu hết những vụ khiếu kiện đất đai đến nay đều là đất thu hồi để kinh doanh chứ không phải cho các công trình công cộng.”

“Đất đai cũng là ổ tham nhũng lớn nhất Việt Nam khi Nhà nước không có thiết chế kiểm soát và để thị trường nhà đất rơi vào tay các đại gia.”
“Đó là cả một vấn nạn”, bà Phạm Chi Lan nói

(Theo BBC, VOA)

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top