Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un - Ảnh: Reuters.

Một báo cáo ra ngày 3/10 của tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Service nói rằng Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam là ba nước có thể chịu ảnh hưởng lớn nhất về điểm tín nhiệm quốc gia trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên.

Các nhà phân tích của Moody’s nhận định bất ổn và nguy cơ chiến tranh từ cuộc khủng hoảng hạt nhân của Triều Tiên đang gia tăng khi Bình Nhưỡng và Washington liên tục có những lời cảnh báo và đe dọa gay gắt nhằm vào nhau. Một cuộc xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên có thể ảnh hưởng mạnh đến định hạng tín nhiệm của Hàn Quốc, hiện ở mức Aa2 với triển vọng ổn định.

Cũng theo báo cáo, ngoài Hàn Quốc, Nhật Bản với định hạng A1, triển vọng ổn định và Việt Nam với định hạng B1, triển vọng ổn định là hai nước có thể chịu tác động lớn nhất từ một cuộc chiến tranh Triều Tiên.

Trong khi đó, Moody’s nói rằng nếu có xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên, thì ảnh hưởng đối với điểm tín nhiệm của Mỹ (mức Aaa, triển vọng ổn định) và Trung Quốc (A1, ổn định) sẽ chỉ ở mức tương đối hạn chế.

Đối với Mỹ, chi tiêu quân sự tăng sẽ làm gia tăng sức ép về ngân sách. Ngược lại, kinh tế Nhật Bản có thể giảm tốc mạnh, đảo lộn sự ổn định bấy lâu trong vấn đề nợ chính phủ nước này - báo cáo nói.

Đối với Việt Nam, theo Moody’s, sự giảm sút xuất khẩu sang Hàn Quốc và gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ làm suy yếu hồ sơ tín nhiệm quốc gia.

Ngoài ra, các nhà phân tích của tổ chức này cho rằng, với mức nợ công cao, 52,6% GDP vào năm ngoái, Việt Nam khó có dư địa để “giảm xóc” một cú sốc kinh tế mà không làm cho cán cân tài khóa suy yếu đáng kể.

Các nền kinh tế như Singapore (Aaa, ổn định), Hồng Kông (Aa2, ổn định), và Đài Loan (Aa3, ổn định) được Moody’s cho là sẽ chỉ chịu ảnh hưởng hạn chế nếu xảy ra xung đột vũ trang trên bán đảo Triều Tiên. Đó là do chính phủ các nền kinh tế này có dư địa tài khóa để bù đắp sự giảm sút của xuất khẩu sang Hà Quốc.

Trên phạm vi toàn cầu, một cuộc chiến tranh Triều Tiên có thể gây sức ép suy giảm tiêu thụ năng lượng, xét tới việc Hàn Quốc là nước nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) lớn thứ nhì thế giới. Ngoài ra, một cuộc chiến tranh cũng sẽ khiến dòng vốn ngoại rút lui khỏi các thị trường mới nổi có độ rủi ro cao, dẫn tới những rủi ro về thanh khoản đối với các nền kinh tế này.

Trong trường hợp như vậy, Mông Cổ (Caa1, ổn định) có thể chịu tác động mạnh. Nước này có hai đợt trả nợ trái phiếu quốc tế đáo hạn vào đầu và giữa năm 2018. Nếu không tiếp cận được với thị trường vốn quốc tế, khả năng trả nợ của Mông Cổ là rất hạn chế, bởi dự trữ ngoại hối của nước còn còn rất ít, Moody’s cho biết.

Trong một diễn biến liên quan, Nhà Trắng ngày 2/10 một lần nữa bác bỏ khả năng đàm phán với Triều Tiên, ngoại trừ đàm phán để giải cứu những công dân Mỹ còn bị Triều Tiên giam giữ.

“Chúng tôi đã nói rõ rằng giờ không phải là lúc để đàm phán”, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders phát biểu trước báo giới, khẳng định lại điều mà Tổng thống Donald Trump đã viết vào cuối tuần trên mạng xã hội Twitter. “Cuộc đàm phán duy nhất đã diễn ra là về đưa những người Mỹ còn bị giam giữ ở Triều Tiên về nước. Ngoài ra, sẽ không có cuộc đàm phán nào với Triều Tiên vào thời điểm này”.

Tuyên bố này của Nhà Trắng trái ngược với những gì mà Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói trong chuyến thăm Trung Quốc vào cuối tuần. Ông Tillerson tiết lộ Mỹ đang liên lạc trực tiếp với Triều Tiên về chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này như Bình Nhưỡng không thể hiện ý muốn đối thoại.

Ông Trump, người liên tục đấu khẩu với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong mấy tuần gần đây, sau đó đã phủ nhận khả năng đàm phán với Triều Tiên, nói rằng việc này “chỉ phí thời gian”.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top