Còn tâm lý bảo vệ lợi ích cục bộ, nể nang, né tránh, ngại va chạm, "dễ làm khó bỏ" trong kiện toàn tổ chức bộ máy và thực hiện tinh giản biên chế...

Đó là nhận xét được nêu tại báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức, bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016.

Nội dung này sẽ được Quốc hội thảo luận cả ngày 30/10, trong nghị trình kỳ họp thứ tư.

Ghi nhận Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, cấp ủy và chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực thực hiện chủ trương cải cách tổ chức bộ máy, song báo cáo giám sát cũng nêu vô số hạn chế, yếu kém.

Chưa tương xứng với đổi mới kinh tế

Sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ là một trong những nội dung lớn của báo cáo giám sát.

Kết quả giám sát cho thấy, việc giữ ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ từ năm 2007 đến nay đã quán triệt đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về tổ chức bộ máy của cơ quan nhà nước nói chung và tổ chức của Chính phủ nói riêng.

Tuy nhiên, xét ở khía cạnh khác, khi mà Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 đã bổ sung và làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến tính chất, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, khi mà mối quan hệ giữa Nhà nước - thị trường và xã hội ngày càng được minh định,... thì trong cơ cấu tổ chức của Chính phủ vẫn chưa thấy có sự đổi mới để thích ứng tương xứng theo hướng tinh gọn hơn, tập trung hơn vào quản lý vĩ mô, hoạch định chính sách, giảm bớt các nội dung mang tính tác nghiệp, quản lý, điều hành trực tiếp và phân định rõ trách nhiệm quản lý giữa Trung ương và địa phương.

Có thể nói, đổi mới tổ chức bộ máy hành chính nhà nước chưa tương xứng với những đổi mới về kinh tế, tái cơ cấu bộ máy hành chính chưa đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế, đoàn giám sát nhấn mạnh.

Nhận xét tiếp theo được nêu tại báo cáo là từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa 12 đến nay, việc nghiên cứu để xây dựng cơ cấu tổ chức của Chính phủ cho nhiệm kỳ sau chưa được quan tâm, nghiên cứu bài bản từ sớm để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi bức thiết đổi mới tổ chức bộ máy để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Đề án về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14 (2016 - 2021) chỉ được Chính phủ tiến hành trong thời gian rất ngắn trước ngày Quốc hội khóa 14 khai mạc kỳ họp thứ nhất và vẫn giữ nguyên cơ cấu của hai nhiệm kỳ trước. Đến nay mới chỉ qua 1 năm thực hiện đã phát sinh yêu cầu nhập hoặc sắp xếp lại phạm vi quản lý của một số bộ. Trong khi việc nghiên cứu xây dựng cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa 10, khóa 11 được đặt ra từ rất sớm, nghiên cứu công phu và có nhiều đổi mới.

Kết quả giám sát cũng chỉ ra sự chưa phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và xác định mô hình tổ chức hợp lý đối với cơ quan thuộc Chính phủ.

Cụ thể, trong giai đoạn 2011 - 2016 Chính phủ vẫn duy trì 8 cơ quan thuộc Chính phủ, gồm: Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo nhiều quy định, xét về tính chất thì các cơ quan này đều là đơn vị sự nghiệp công lập, không thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Mô hình tổ chức, tính chất hoạt động của các cơ quan này cũng có nhiều đặc thù, khó có thể xác định thống nhất. Tuy nhiên, việc tổ chức của các cơ quan này lại được quy định theo một mô hình chung tương tự như đối với tổ chức các bộ (cũng hình thành các vụ, đơn vị, có thanh tra).

Ngoài ra, một số cơ quan do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập, nhưng chưa được xác định rõ ràng về địa vị pháp lý là thuộc cơ quan nào. Như Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Đại học quốc gia Hà Nội và Đại học quốc gia Tp.HCM.

Còn bảo vệ lợi ích cục bộ

Đứng đầu trong các nguyên nhân của hạn chế được chỉ ra sau giám sát là công tác chỉ đạo cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước vẫn chưa thực sự quyết liệt, thiếu đồng bộ. Chưa phát huy được tính chủ động, sáng tạo của nhiều cấp, nhiều ngành, địa phương trong việc tìm tòi, đề xuất mô hình, phương pháp mới để nâng cao hiệu quả.

Còn tâm lý bảo vệ lợi ích cục bộ, nể nang, né tránh, ngại va chạm, "dễ làm khó bỏ" trong kiện toàn tổ chức bộ máy và thực hiện tinh giản biên chế ở nơi này, nơi khác nên chưa có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn để hành động quyết liệt.

Chưa có cơ chế bảo đảm gắn quyền hạn với trách nhiệm để người đứng đầu có thể thực hiện mạnh mẽ việc đổi mới tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế. Tư duy quản lý hành chính nhà nước chậm thay đổi để thích ứng với yêu cầu quản lý nhà nước trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Theo đánh giá của đoàn giám sát thì tình trạng cục bộ, vì lợi ích ngành trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật về tổ chức bộ máy của các cơ quan vẫn còn tồn tại. Người đứng đầu và cán bộ làm công tác tham mưu về xây dựng pháp luật ở một số bộ, ngành, địa phương còn chưa thấu suốt tinh thần cải cách, thiếu kiên quyết, mạnh dạn trong tham mưu, xây dựng văn bản theo chủ trương cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước nên có những văn bản chưa phù hợp với thực tế, chậm sửa đổi, bổ sung.

Vẫn thuộc các nguyên nhân khách quan là việc chưa có hình thức động viên, khen thưởng những địa phương, đơn vị, cá nhân làm tốt, cũng như chưa có chế tài xử lý những địa phương, đơn vị, cá nhân không thực hiện nghiêm chủ trương, chính sách về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top