Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và nhà đầu tư tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát và đánh giá đầu tư đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư/chứng nhận đăng ký đầu tư 3 dự án BOT trong lĩnh vực giao thông, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý, đối với việc xây dựng và thực hiện quy định của pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và nhà đầu tư tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.

Các cơ quan được giao chuẩn bị dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người có thẩm quyền quyết định đầu tư, cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư/chứng nhận đăng ký đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát và đánh giá đầu tư đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư theo quy định tại Nghị định số 84/2015 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư.

Phó thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các Bộ: Tài chính, Tư pháp, Giao thông Vận tải trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 15/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.

Đồng thời, Phó thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp; quyết định và chịu trách nhiệm toàn diện về việc điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư/chứng nhận đăng ký đầu tư theo thẩm quyền, đúng quy định pháp luật.

Trước đó, hồi tháng 7 vừa qua, trong một văn bản chỉ đạo về PPP, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay, mô hình đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT tại Việt Nam đã được triển khai từ 20 năm trước, thể hiện bằng Nghị định số 77/CP ngày 18/6/1997, đến nay đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần, tiếp cận với thông lệ quốc tế về mô hình đầu tư PPP.

Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai các dự án PPP còn một số vướng mắc như: chịu tác động của nhiều luật liên quan như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng...; sự không rõ ràng giữa PPP và khái niệm “xã hội hóa” đầu tư; một số quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP chưa phù hợp; khó khăn về nguồn vốn đầu tư...; đặc biệt là năng lực của một số nhà đầu tư còn hạn chế cả về năng lực tài chính và kinh nghiệm.

Do đó, trong thời gian tới cần phải tập trung nghiên cứu, sửa đổi chính sách pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư; thống nhất ý chí huy động các nguồn lực nói chung để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của cả nước.

Từ những bất cập đã được chỉ ra trong thực tiễn, các bộ, ngành và địa phương cần nghiêm túc chấn chỉnh, đặt lợi ích của nhà nước và cộng đồng lên hàng đầu, không cho phép tồn tại lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top