Trong 9 tháng năm 2017, kim ngạch xuất khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 18,46 tỷ USD, tăng rất cao (40,8%), cao hơn gấp đôi tốc độ tăng 19,8% của tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.
Trước năm 2000, ít ai nghĩ Việt Nam có thể xuất khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch hàng tỷ USD. Song đến năm 2004, lần đầu tiên mặt hàng này vượt qua mốc 1 tỷ USD, gia nhập “câu lạc bộ” các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên; năm 2007 đã vượt qua mốc 2 tỷ USD; năm 2010 đã vượt qua mốc 3,5 tỷ USD; năm 2011 đã vượt qua mốc 4,6 tỷ USD; năm 2012 đã vượt qua mốc 7,8 tỷ USD; năm 2013 đã vượt qua mốc 10,6 tỷ USD; năm 2014 đã vượt qua mốc 11,4 tỷ USD; năm 2015 đã vượt qua mốc 15,6 tỷ USD, năm 2016 đã đạt xấp xỉ 19 tỷ USD.
Theo đó, để đạt được mốc 1 tỷ USD phải mất mấy thập kỷ; để cao hơn 1 tỷ USD phải mất mấy năm, thì nay chỉ sau 1 năm đã cao hơn mấy tỷ USD. Năm 2016 so với năm 1997, kim ngạch xuất khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện lớn gấp 43,1 lần, bình quân 1 năm tăng gần 21,9% - cao hơn nhiều so với các con số tương ứng của tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước trong cùng thời gian (tương ứng là 19,2 lần và 16,8%/năm).
Trong 9 tháng năm 2017, kim ngạch xuất khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 18,46 tỷ USD, tăng rất cao (40,8%), cao hơn gấp đôi tốc độ tăng 19,8% của tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Nếu những tháng còn lại của năm 2017 duy trì được tốc độ tăng như nửa đầu năm, thì cả năm 2017, kim ngạch xuất khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sẽ cán mốc 27 tỷ USD và nằm trong 3 mặt hàng có kim ngạch vượt qua mốc 25 tỷ USD, vượt qua mặt hàng dệt may (dự báo đạt 25,87 tỷ USD) lên đứng thứ hai trong ba mặt hàng này, chỉ sau mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện (dự báo vượt qua mốc 41,5 tỷ USD).
Mặt hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam có mặt tại 36 thị trường chủ yếu, trong đó, năm 2016 có 26 thị trường đạt trên 100 triệu USD, đặc biệt có 5 thị trường đạt trên 1 tỷ USD.
Trung Quốc là thị trường lớn nhất với 4,06 tỷ USD, chiếm 21,4% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Hoa Kỳ là thị trường lớn thứ hai với gần 2,9 tỷ USD, chiếm gần 15,3%. Hà Lan đạt trên 1,75 tỷ USD, chiếm 9,3%. Hồng Kông (Trung Quốc) đạt gần 1,57 tỷ USD, chiếm 8,3%. Hàn Quốc đạt gần 1,26 tỷ USD, chiếm trên 6,6%.
Chỉ với 5 thị trường này đã đạt 11,54 tỷ USD, chiếm gần 60,9% tổng kim ngạch xuất khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam trong cùng thời gian.
Trong 8 tháng 2017, có 25 thị trường đạt trên 100 triệu USD và có 6 thị trường đạt trên 500 triệu USD (trong đó đã có 5 thị trường đã đạt trên 1 tỷ USD) Đây là tín hiệu khả quan để cả năm có thể có 6 thị trường đạt trên 1 tỷ USD, nhiều hơn năm 2016 một thị trường là Malaysia. Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu (với 4.038 triệu USD); Hoa Kỳ cao thứ hai (với 2.034 triệu USD); tiếp đến là Hà Lan (1.352 triệu USD); Hồng Kông (1.144 triệu USD); Hàn Quốc (1.142 triệu USD); Malaysia (859 triệu USD)...
Việc gia tăng tốc độ và đạt quy mô lớn của kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất công nghiệp, cơ cấu kim ngạch xuất khẩu theo hướng tích cực. Đây cũng cơ cấu sản xuất, xuất khẩu mặt hàng thuộc công nghiệp sạch, kỹ thuật-công nghệ cao, tạo điều kiện để bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Tuy nhiên, về xuất, nhập khẩu mặt hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện hiện cũng có những hạn chế, bất cập và đứng trước những thách thức không nhỏ. Trong đó, đáng nói là, khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm tỷ trọng gần như tuyệt đối (trên 97%) tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng trên. Khu vực kinh tế trong nước chiếm tỷ trọng còn lại không đáng kể.
Nhập khẩu nhóm mặt hàng trên tăng cao và đạt quy mô lớn hơn kim ngạch xuất khẩu (năm 2010 là 5,27 tỷ USD, năm 2015 là 23,12 tỷ USD, năm 2016 là 27,87 tỷ USD) (nhập khẩu lớn hơn xuất khẩu do nhập khẩu ngoài việc để sản xuất hàng xuất khẩu mà còn để sử dụng tiêu dùng trong nước).
Năm 2016, Việt Nam nhập khẩu mặt hàng này ở 25 thị trường, lớn nhất là Hàn Quốc (trên 8,67 tỷ USD), tiếp đến là Trung Quốc (5,92 tỷ USD), Đài Loan (3,16 tỷ USD), Nhật Bản (2,81 tỷ USD), Hoa Kỳ (2,24 tỷ USD), Singapore (1,03 tỷ USD). Trong 8 tháng 2017, nhập khẩu cũng tập trung vào các thị trường trên.
Tuy nhiên, tốc độ tăng so với cùng kỳ của nhập khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có xu hướng chậm lại và thấp hơn tốc độ tăng của xuất khẩu (9 tháng tăng 28,3% so với tăng 40,8%). Nhập siêu tính riêng cho mặt hàng trên ở mức rất cao và tăng lên (năm 2010 là 1,68 tỷ USD, năm 2015 là 7,51 tỷ USD, năm 2016 là 8,9 tỷ USD) và 9 tháng đầu năm 2017 là 7,38 tỷ USD.
Nếu nhập khẩu trong 3 tháng cuối năm cũng tăng với tốc độ như nửa đầu năm, thì nhập khẩu cả năm về mặt hàng này sẽ đạt 35,8 tỷ USD và mức nhập siêu sẽ đạt 8,8 tỷ USD. Mức nhập siêu lớn là kết quả của việc chậm phát triển công nghiệp hỗ trợ, tính lan tỏa của đầu tư nước ngoài đối với khu vực kinh tế trong nước còn yếu cần phải được khắc phục.
Post a Comment