"Việc đánh giá năng lực còn hạn chế tác động trực tiếp đến uy tín, danh dự của người bị đánh giá, dẫn đến tâm lý nể nang, né tránh. Trên thực tế, nếu đánh giá hoàn thành nhiệm vụ nhưng năng lực còn hạn chế cũng không khác gì, thậm chí còn nặng nề hơn mức không hoàn thành nhiệm vụ", Bộ Nội vụ nhấn mạnh.
Bộ Nội vụ vừa công bố Dự thảo Tờ trình và dự thảo Nghị định của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đó, Bộ Nội vụ cho biết, công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Nghị quyết 26 ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ xác định công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính nể nang, dễ dãi hoặc định kiến.
Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương chưa xây dựng được tiêu chí đánh giá cụ thể, chưa có kế hoạch chi tiết để theo dõi tiến độ giải quyết công việc được giao của cán bộ, công chức, viên chức, dẫn đến những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, phản ánh không đúng thực trạng, mức độ hoàn thành công việc của cán bộ, công chức, viên chức.
Chưa đề cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu trong công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức, dẫn đến tình trạng công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức còn bị động.
Chưa có sự liên thông trong sử dụng kết quả đánh giá giữa Đảng, chính quyền, đoàn thể dẫn tới việc đánh giá nhiều nơi, nhiều lúc còn hình thức, trùng lặp, tốn kém thời gian, vật chất.
Từ những vướng mắc đó, Bộ Nội vụ cho rằng, việc sửa đổi quy định về công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức là việc làm cần thiết.
Thay thế đánh giá "Hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực"
Theo tờ trình gửi Chính phủ, dự thảo nghị định có 4 điểm mới. Thứ nhất, về mức đánh giá cán bộ, công chức, trên cơ sở quy định của Luật Cán bộ, công chức, Nghị định số 56 quy định 4 mức đánh giá, phân loại cán bộ, công chức gồm: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và không hoàn thành niệm vụ.
Thể chế hóa Quy định số 89-QĐ/TW, dự thảo Nghị định quy định 4 mức đánh giá, phân loại cán bộ, công chức trong đó có mức Hoàn thành nhiệm vụ thay cho mức Hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực (đã đảm bảo thống nhất giữa quy định của Đảng, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức).
Liên quan đến đề xuất này, Bộ Nội vụ cho biết hiện đang có 2 luồng ý kiến khác nhau. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng sự thay thế mức đánh giá Hoàn thành nhiệm vụ (thay cho Hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực) là phù hợp với thực tiễn. Bởi trên thực tế, rất ít trường hợp cán bộ, công chức, viên chức được đánh giá là hoàn thành công việc nhưng năng lực còn hạn chế.
"Mặt khác, tiêu chí để đánh giá năng lực còn hạn chế là chưa rõ ràng, việc đánh giá năng lực còn hạn chế tác động trực tiếp đến uy tín, danh dự của người bị đánh giá, dẫn đến tâm lý nể nang, né tránh. Trên thực tế, nếu đánh giá hoàn thành nhiệm vụ nhưng năng lực còn hạn chế cũng không khác gì, thậm chí còn nặng nề hơn mức không hoàn thành nhiệm vụ", Bộ Nội vụ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng biết, việc thống nhất quy định về mức đánh giá cán bộ, công chức, viên chức giữa quy định của Đảng và Nhà nước là cần thiết để bảo đảm sự liên thông, tránh tình trạng về bản chất cùng một mức đánh giá nhưng lại khác nhau về mức độ, tiêu chí sẽ nảy sinh những bất cập, phức tạp trong thực tế.
Luồng ý kiến thứ hai cho rằng theo quy định tại Luật Cán bộ, công chức thì việc phân loại công chức ở mức thứ ba là hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực. Nghị định này quy định chi tiết nội dung đánh giá, phân loại cán bộ, công chức nên không thẻ quy định khác với quy định của Luật Cán bộ, công chức vì không phù hợp về nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
"Đa số thành viên trong Ban soạn thảo thống nhất với luồng ý kiến thứ nhất", Bộ Nội vụ nêu quan điểm.
Điểm mới thứ hai trong dự thảo là về tiêu chí đánh giá. Bộ Nội vụ cho biết, để đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý, Quy định số 89-QĐ/TW đã quy định cụ thể các tiêu chí về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống.
Về tiêu chí kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Quy định 89-QĐ/TW đã bổ sung một số nội dung như xây dựng và thực hiện chương trình hành động, thực hiện công tác cải cách hành chính, tỷ lệ hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc và CBCCVC thuộc quyền quản lý… Trên cơ sở đó, dự thảo đã quy định cụ thể các tiêu chí liên quan đến đánh giá, phân loại đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Điểm mới thứ ba, về phương pháp đánh giá. Theo Quy định 89-QĐ/TW quy định khi đánh giá, phân loại phải có ý kiến của cấp ủy nơi cư trú. Quán triệt nội dung này, dự thảo nghị định của Bộ Nội vụ đã bổ sung quy định lấy ý kiến nhận xét của cấp ủy nơi cư trú theo quy định hiện hành của Đảng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Liên thông đánh giá cán bộ giúp tiết kiệm hàng chục tỷ đồng
Đáng chú ý là điểm mới thứ tư, về việc liên thông trong đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, dự thảo nghị định bổ sung nguyên tắc "Kết quả đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức theo quy định tại Nghị định này được sử dụng làm cơ sở liên thông trong đánh giá, phân loại đảng viên, đoàn viên công đoàn".
Trên cơ sở đó, dự thảo nghị định quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc phối hợp với cấp ủy, công đoàn cùng cấp thống nhất việc liên thông sử dụng kết quả đánh giá cán bộ, công chức, viên chức trong đánh giá Đảng viên, Đoàn viên công đoàn.
Đối với sự bổ sung này, Bộ Nội vụ cũng cho biết đang có hai luồng ý kiến khác nhau. Luồng ý kiến thứ nhất đồng tình với việc bổ sung này và cho rằng phù hợp với quan điểm, chủ trương của Đảng.
Cụ thể, công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức là nội dung quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong công tác cán bộ, vì vậy để đảm bảo chủ trương, quan điểm liên thông, nhất quán trong hệ thống chính trị và phù hợp với thực tế thì trước hết phải thể chế cho được sự liên thông trong công tác đánh giá cán bộ.
Hơn nữa, thực tế cho thấy việc đánh giá cùng một người với tư cách khác nhau là Đảng viên, là cán bộ, công chức, viên chức, là công đoàn viên ở 3 tổ chức có rất nhiều nội dung trừng lặp như về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, ý thức kỷ luật... dẫn đến sự tốn kém, lãng phí về thời gian và vật chất.
"Với số lượng Đảng viên đồng thời là công đoàn viên hiện vẫn còn đang công tác thì nếu kết hợp liên thông trong việc sử dụng kết quả đánh giá sẽ tiết kiệm được hàng triệu giờ lao động cũng như hàng chục tỉ chi phí cho băng rôn, điện, nước...", Bộ Nội vụ cho biết.
Luồng ý kiến thứ hai cho rằng, tính chất tổ chức và hoạt động của các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể là khác nhau, quy trình thủ tục, nguyên tắc đánh giá, phân loại là khác nhau. Việc kết hợp, liên thông trong sử dụng kết quả sẽ rất khó khăn, không đảm bảo được các nguyên tắc đánh giá cũng như yêu cầu đặc thù của mỗi loại hình tổ chức, dễ phát sinh những việc không lường trước được trong thực tế.
"Ban soạn thảo nhận thấy đây là vấn đề quan trọng và rất phức tạp, ảnh hưởng đến công tác tổ chức cán bộ. Tuy nhiên nếu thực hiện được thì cũng giúp tiết kiệm thời gian, vật chất, giảm thủ tục hành chính... nên Bộ Nội vụ đề xuất Chính phủ báo cáo Ban Tổ chức Trung ương và phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu trước khi thống nhất quy định chung", Bộ Nội vụ nêu quan điểm.
Hiện, dự thảo nghị định đang được Bộ Nội vụ công khai lấy ý kiến rộng rãi.
Post a Comment