Tôi 35 tuổi, là giáo viên dạy tin được 8 năm, bị chứng lo lắng. Tôi cảm thấy mình không làm tốt công việc dù đã cố gắng hết sức. Tính tôi quá hiền, thậm chí còn bị học sinh điều khiển. Hiệu trưởng trước không gây sức ép cho chúng tôi. Năm ngoái, hiệu trưởng mới về trường, tôi làm chủ nhiệm lớp và cảm thấy rất áp lực và thấy mình thật kém cỏi. Thầy hiệu trưởng nói nếu tôi không làm tốt sẽ đuổi. Tôi thấy công việc bây giờ rất áp lực vì phải đạt hiệu quả cao nên cảm thấy mình không thể cố gắng được. Vào năm học mới tôi luôn thấy lo sợ rồi chán nản. 

Ngày nhỏ tôi không dám chơi với ai vì tính quá thật thà, thấy người ta hay chê bai người khác nên sợ họ cũng sẽ chê mình. Tôi thiếu tự tin ngay từ những ngày còn bé, kể cả lúc phát biểu ý kiến khi đi học. Còn về gia đình, tôi luôn lo chu đáo. Chồng cũng rất thương tôi. Ngoài công việc, trong cuộc sống có vấn đề gì xảy ra tôi cũng luôn lo lắng. Có cách nào để tôi bớt tính thật thà và lo lắng không? Mong chuyên gia và độc giả giúp tôi.

GS.TS Vũ Gia Hiền gợi ý:

Chào bạn,

Tâm lý con người do ba yếu tố cơ bản tạo nên, đó là hệ thần kinh cao cấp, hoàn cảnh sống và sự nỗ lực của bản thân. Trong ba yếu tố này thì yếu tố thứ nhất là sự khách quan thuộc về tự nhiên nhiều nhất, yếu tố thứ hai thuộc về khách quan xã hội, riêng yếu tố thứ ba thuộc sự chủ quan của mỗi người. Từ thực tế của mình để người ta tự điều chỉnh tâm lý trong cuộc sống thực tế đặt ra, ví dụ: người thấp muốn lấy vật ở trên cao thì phải kê ghế, bắt thang; còn người cao đi trong hầm thấp thì phải cúi xuống.

“Bị chứng lo lắng” không phải là một khuyết tật mà vì trạng thái thần kinh do hoàn cảnh sống lúc bé và quá trình học tập sinh ra, tức là thuộc yếu tố xã hội. Rất tiếc bạn không cho tôi biết bạn trưởng thành trong gia đình và quá trình học tập thế nào, nên tôi không thể chỉ đúng cách để bạn khắc phục dễ dàng hơn. Bây giờ bạn xem lại chứng lo lắng xuất hiện từ khi nào, nếu từ lâu thì khắc phục sẽ khó khăn, còn mới gần đây thì dễ dàng hơn. Bạn nói tính bạn quá hiền, thậm chí còn bị học sinh điều khiển, đây là suy nghĩ sai lệch. Hiền là một đức tính tốt, không phải ai cũng có được và là một lợi thế.

Cái mà bạn đang bị áp lực không phải do tính hiền mà là hiệu trưởng mới về trường năm ngoái, bạn làm chủ nhiệm lớp và cảm thấy áp lực. Đây là nguyên nhân chính đẩy bạn đến trạng thái tâm lý này, đặc biệt là “thầy hiệu trưởng nói nếu tôi không làm tốt sẽ đuổi”. Cái dọa đuổi của thầy hiệu trưởng làm cho bạn từ áp lực đến sợ hãi. Bạn là giáo viên tin học thì cần phải giỏi tin học, chuẩn bị đầy đủ giáo trình, giáo án, bài giảng và đánh giá sự tiếp thu của học sinh là những việc quan trọng nhất. Chuyên môn không giỏi, giảng học sinh không hiểu là điều không thể chấp nhận đối với người dạy học. Bạn cần xem lại toàn bộ chuyên môn, nếu thấy yếu thì đi học thêm ở người giỏi, nhờ đồng nghiệp hỗ trợ, giấu dốt rất nguy hại và dẫn đến sụp đổ tâm lý khi không còn tự bao che được. Bạn hãy xem kỹ việc này, thậm chí tham gia với các doanh nghiệp phần mềm, sửa chữa máy tính để nâng cao nghề nghiệp. Bạn chỉ cần tham gia ngoài giờ vào thứ 7, chủ nhật, và khoảng 2 tháng là bạn sẽ tự tin và trạng thái sợ như hiện nay sẽ chấm dứt. Vì khi bạn giỏi chuyên môn, tự não của bạn có câu trả lời “đuổi thì ta ra ngoài làm, có gì đâu mà ông ấy dọa”. Chú ý không nói ra việc tôi hướng dẫn bạn mà nên làm thầm lặng thì mới vượt ra khỏi trạng thái tâm lý hiện nay.

Cái mà bạn nói “ngày nhỏ tôi không dám chơi với ai vì tính quá thật thà” là một suy nghĩ sai lầm. Thật thà là tốt, nhưng thấy người ta hay chê bai người khác nên sợ họ cũng sẽ chê mình là dại. Bạn có trạng thái tâm lý hoài nghi và đã trở thành hiện tượng trầm cảm đa nghi. Chính trạng thái trầm cảm này đẩy bạn đến sợ hãi khi “thầy hiệu trưởng nói nếu tôi không làm tốt sẽ đuổi” và nghĩ là thầy đuổi thật. Không thầy nào đuổi giáo viên một cách vô cớ, và nếu chỉ là không làm tốt thì thầy ấy sẽ giúp bạn cách để làm tốt. Bạn đã rơi vào trạng thái trầm cảm khá nặng, vì thế bạn cảm thấy mình không làm tốt công việc dù đã cố gắng hết sức. Người trầm cảm nghĩ và làm không nhất quán, muốn làm tốt nhưng khi hành động thì ngược lại hoặc sai lệch, rồi sợ, cố gắng và lại sai... 

Nếu không điều trị hiện tượng trầm cảm do tâm lý nghề nghiệp, đa nghi trong giao tiếp xã hội thì đến lúc nào đó hiện tượng trầm cảm nặng lên nó sẽ làm nhiễu mọi suy nghĩ và hành vi của bạn. Nguy hiểm nhất là bạn lại cho là toàn bộ hiện tượng suy nghĩ của mình là do thật thà sinh ra, vì thế bạn hỏi có cách nào để bớt tính thật thà. Khi bạn còn hỏi tức là bạn còn tỉnh táo.

Bạn thấy mình đang nghĩ sai, thật thà là tốt chứ không phải là xấu và hãy sống thật thà như lâu nay. Học sinh điều khiển thì bạn nên học cách quản lý lớp học, sử dụng học sinh “quậy” đúng để giúp mình điều khiển học sinh khác, qua đó học ở các em. Nhà giáo học được ở học sinh thì đó mới là nhà giáo dân chủ. Bạn có thể sử dụng thêm thực phẩm chức năng về dưỡng thần, tìm đúng người tư vấn và hãng thuốc trong nước có uy tín, đừng nghe dùng thực phẩm chức năng nước ngoài vì khó biết thật giả; chịu khó đi bách bộ vào trước lúc ngủ và ăn thêm thức ăn bổ dưỡng thần kinh...

Chúc bạn bình tĩnh, sáng suốt.

Muốn được chuyên gia tâm lý tư vấn, mời bạn gửi tâm sự .

Độc giả gọi điện tâm sự với biên tập viên theo số 02873008899 - máy lẻ 4529 (trong giờ hành chính). Các chia sẻ của bạn sẽ được đăng tải trên Tâm sự.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top