Đã lùi một kỳ họp rồi, Chính phủ lại còn "giữa đường đối ý" khiến Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội rất băn khoăn về  dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự.

Tiếp tục phiên họp toàn thể thứ 10, sáng 24/8 Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiến hành thẩm tra sơ bộ dự án luật nói trên.

Trước đó, từ ngày đầu tiên của phiên họp (sáng 22/8), Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đã thông tin rằng thời điểm đó vẫn chưa nhận được tài liệu chính thức từ Chính phủ về dự án luật.

Vì thế, tài liệu phục vụ phiên thẩm tra vẫn "nóng hổi" khi được gửi đến quá muộn, theo nhận xét của bà Nga.

Theo chương trình xây dựng luật thì tên của luật là  "Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự". Nhưng trong tờ trình ngày 22/8, Chính phủ đề nghị đổi tên gọi thành Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

Luật có phạm vi sửa đổi rộng, sửa đổi 92/182 điều, bổ sung 52 điều, bãi bỏ một mục và thay đổi kết cấu của Luật Thi hành án hình sự 2010, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an giải thích.

Việc "Chính phủ giữa đường đổi ý" với một số dự án luật đã từng được Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu trước Quốc hội.

Lặp lại với dự luật này, bà Nga lo ngại "chúng ta lùi một kỳ họp rồi, đến bây giờ bỗng dưng Chính phủ bảo không sửa đổi nhỏ nữa mà sửa đổi tổng thể, toàn bộ. Cái chúng tôi lo ngại nhất là sau đây đồng chí Vương (Thứ trưởng Bộ Công an -PV) chuyển lại luật này cho chúng tôi để đi làm án. Đồng chí Ngọc Anh (Cục trưởng Cục Pháp chế Bộ Công an) cũng nói còn hàng trăm nghị định nữa, để lại cho chúng tôi luật này với vài chuyên viên. Ủy ban Tư pháp ôm lấy thì có soạn được không?".

Theo Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng, người trình bày ý kiến của nhóm nghiên cứu của cơ quan thẩm tra, ban soạn thảo dự án luật họp lần đầu vào giữa tháng 12/2017, đến khi trình Chính phủ, quá trình soạn thảo chỉ kéo dài hơn 5 tháng.

"Thời gian vật chất quá ngắn, kết quả nghiên cứu chưa hoàn thiện và đầy đủ đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng chuẩn bị của dự án luật", ông Hồng phát biểu.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Mai Bộ phát hiện: "Về kỹ thuật lập pháp, tôi thấy hết chữ cái, không còn chữ cái để đặt tên điều luật. Tôi nói đùa với đồng chí Ngọc Anh, như điều 140, hình như sợ đồng chí Nga hay sao mà đồng chí không dám dùng tới điều 140z, mà chỉ tới điều 140y"-

Nhóm nghiên cứu đề nghị trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh thành Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) và theo thủ tục trình Quốc hội xem xét, thông qua tại 3 kỳ họp. Tại kỳ họp thứ 6, Chính phủ trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về những vấn đề lớn. Một số ý kiến nhóm nghiên cứu đề nghị chưa trình Quốc hội dự án Luật này vào kỳ họp thứ 6 mà giao Chính phủ chuẩn bị lại và trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 7.

Ngay tại phiên họp, một số vị cũng đề nghị chưa trình ra Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp, đại biểu Nguyễn Thị Thủy phát biểu: "đừng bắt Quốc hội cho ý kiến vào một dự án luật chưa kỹ, tốn thời gian, tốn chi phí" của Quốc hội. Vì, một dự án luật còn nhiều vấn đề có ý kiến khác nhau thì mới nên trình, còn nếu "do chuẩn bị chưa kỹ, chưa đến nơi đến chốn, thì nên mang về làm lại".

 Đề nghị của đại biểu Thuỷ là nên tập trung xử lý những vướng mắc hiện nay trước, còn sửa đổi toàn diện thì để Chính phủ hoàn thiện rồi trình sau.

Thừa nhận có phần lúng túng khi chuẩn bị dự luật, Thứ trưởng Lê Quý Vương khi giải trình cho biết sẽ về làm lại kỹ lưỡng. Bộ Công an sẽ báo cáo xin ý kiến Chính phủ, tuy nhiên, quan điểm cá nhân ông là cố gắng đưa ra tại kỳ họp thứ 6 (cuối năm 2018) để các đại biểu Quốc hội góp ý, vì "luật này liên quan đến quyền con người, cần lấy ý kiến rộng rãi".

Dù đánh giá hồ sơ dự án luật cơ bản đúng về thủ tục, song Chủ nhiệm Lê Thị Nga lưu ý chất lượng một số văn bản trong hồ sơ có vấn đề, nhất là các đánh giá tác động.

Đa số các ý kiến tại cơ quan thẩm tra thống nhất đề nghị thông qua tại ba kỳ họp, vẫn trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 và sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 8.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top