Trong báo cáo mới gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước cho biết tổng thu cân đối ngân sách nhà nước cả năm 2018 Chính phủ ước thực hiện vượt 39,2 nghìn tỷ đồng, tăng 3% dự toán. Đây là mức thấp nhất so với kết quả thực hiện dự toán trong các năm gần đây (quyết toán năm 2014, năm 2015 đều tăng 9,6% so với dự toán; năm 2016 tăng 9,2% so với dự toán; năm 2017 tăng 6,2% so với dự toán).
Số thu vượt dự toán chủ yếu từ các nguồn thu về nhà, đất và dầu thô, trong đó nhà, đất tăng 35,9% (38.705 tỷ đồng), dầu thô tăng 53,2% (19.100 tỷ đồng), trong khi thu từ đất không ổn định, thu từ dầu thô chủ yếu do giá dầu lập dự toán thấp hơn thực tế (73,5USD/50USD/thùng) và sản lượng ước tăng 450 nghìn tấn.
Đáng chú ý là nguồn thu từ 3 khu vực không đạt dự toán. Cụ thể, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 2,9% (4.908 tỷ đồng), thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 15,1%, (33.646 tỷ đồng). Thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh giảm 2,2% (4.855 tỷ đồng).
Số liệu báo cáo đánh giá thực hiện dự toán thu ngân sách trên địa bàn của các địa phương gửi Kiểm toán Nhà nước cũng cho thấy, có 22/57 địa phương dự kiến không đạt dự toán thu trên địa bàn.
Báo cáo nhấn mạnh, Tp.HCM, Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc ước hụt thu 2 năm liên tiếp.
Về dự toán thu 2019, Kiểm toán Nhà nước cho biết thu từ dầu thô lập dự toán 44,6 nghìn tỷ đồng, giảm 10,4 nghìn tỷ đồng so với ước thực hiện năm 2018 (chiếm tỷ trọng 3,2% tổng số thu ngân sách nhà nước). Được tính trên cơ sở sản lượng khai thác trong nước là 10,43 triệu tấn, giảm 1,33 triệu tấn và giá dự kiến 65USD/thùng.
Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ chưa phân tích và đánh giá việc giảm sản lượng khai thác 1,33 triệu tấn đồng thời với mức giá dự kiến 65USD/thùng cũng thấp hơn giá thực hiện năm 2018 (73,5 USD/thùng) và thấp hơn giá dầu dự báo của tổ chức quốc tế (giá dầu thô năm 2019 dự kiến bình quân 69 USD/thùng), báo cáo của Kiểm toán Nhà nước nêu rõ.
Ngoài ra, từ năm 2019 tỷ lệ lãi dầu khí để lại 32% được đưa vào cân đối ngân sách nhà nước nhưng chưa được thuyết minh cụ thể số liệu trong dự toán 2019, và theo Kiểm toán Nhà nước thì Chính phủ cần phân tích, xem xét vấn đề này.
Vẫn phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản
Bên cạnh thu, chi ngân sách cũng còn khá nhiều vấn đề cần quan tâm, qua kết quả kiểm toán.
Báo cáo nêu rõ, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản đến 31/12/2017 của 24 địa phương được kiểm toán 27.285 tỷ đồng, trong đó một số địa phương còn nợ đọng xây dựng cơ bản với số lượng lớn nhưng chưa được xử lý. Như, Lạng Sơn nợ đọng 1.491 tỷ đồng, Nam Định 1.933 tỷ đồng, Hà Nam 8.312 tỷ đồng, Hà Tĩnh 1.193 tỷ đồng, Hải Dương 1.498 tỷ đồng, Ninh Bình 7.932 tỷ đồng.
Đặc biệt một số địa phương vẫn còn tình trạng để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản sau ngày 31/12/2014 là 1.893,7 tỷ đồng, cơ quan kiểm toán nhấn mạnh.
Được điểm danh trong phần này gồm: Bạc Liêu 18,2 tỷ đồng; Nam Định 77,2 tỷ đồng; Bình Định 298,7 tỷ đồng; Đà Nẵng 81,9 tỷ đồng; Hà Tĩnh 96,3 tỷ đồng; Hải Dương 6,4 tỷ đồng; Hòa Bình 89,4 tỷ đồng; Lào Cai 227,5 tỷ đồng; Nghệ An 188,2 tỷ đồng; Ninh Bình 9,1 tỷ đồng; Ninh Thuận 131,4 tỷ đồng; Quảng Ninh 119,3 tỷ đồng; Tuyên Quang 129,2 tỷ đồng; Dự án thành phần 1 (thuộc Dự án đầu tư nâng cấp Quốc lộ 50) nợ đọng xây dựng cơ bản 53,2 tỷ đồng; Điện Biên 118,5 tỷ đồng; Kiên Giang 248,9 tỷ đồng.
Với dự toán chi ngân sách của 2019, Kiểm toán Nhà nước nhận xét, chi thường xuyên (chưa bao gồm dự kiến chi cải cách tiền lương, tinh giảm biên chế) khoảng 999,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với dự toán 2018. Nếu tính cả dự kiến chi cải cách tiền lương và tinh giảm biên chế, chi thường xuyên là 1.042,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 63,8% tổng chi ngân sách, phù hợp với định hướng giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 64% theo Kế hoạch tài chính - ngân sách 5 năm 2016-2020.
Tuy nhiên, cơ quan kiểm toán cho rằng cần rà soát lại các khoản chi và cắt giảm những nhiệm vụ không cần thiết, tập trung đẩy mạnh sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công theo các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6, Trung ương 7 để giảm chi thường xuyên và tăng chi đầu tư phát triển, đặc biệt là các công trình trọng điểm, công trình quan trọng quốc gia, cấp thiết và vùng đặc biệt khó khăn.
Post a Comment